Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 13 tháng 11 năm 2024,
Đã trình lại Quốc hội chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Anh Minh - 12/11/2024 18:41
 
Chính phủ đã rà soát tổng mức đầu tư; hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính; nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; thuyết minh thêm về công nghệ, chuyển giao công nghệ.. cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Ảnh minh họa. (nguồn: Internet).
Ảnh minh họa. (nguồn: Internet).

Chính phủ vừa có Tờ trình số 767/TTr -CP đề nghị Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Đây là tờ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sau khi Chính phủ tiếp thu, làm rõ và hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Kinh tế.

Đã rà soát kỹ tổng mức đầu tư

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kết luận số 1049/KL-UBTVQH15 ngày 8/11/2024 về chủ trương đầu tư Dự án, Tổng Thư ký Quốc hội ban hành Thông báo số 4613/TB-TTKQH ngày 8/11/2024 về chủ trương đầu tư Dự án; Ủy ban Kinh tế ban hành Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 3305/BC-UBKT15 ngày 6/11/2024 về chủ trương đầu tư Dự án.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV; thống nhất cần có những chính sách vượt trội, đặc biệt để thực hiện Dự án. 

Để hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp thu, giải trình theo 6 nhóm vấn đề: rà soát tổng mức đầu tư, phương án thiết kế sơ bộ; đánh giá các yếu tố tác động đến thực hiện dự án; hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính; nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; thuyết minh thêm về công nghệ, chuyển giao công nghệ và các điều kiện triển khai; rà soát dự báo nhu cầu vận tải; các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.

Tại tờ trình số 767, Chính phủ cho biết là tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT, tư vấn rà soát tổng mức đầu tư, trong đó đã rà soát: suất đầu tư của một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có tính chất tương tự về công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật; rà soát phương pháp tính của các hạng mục chi phí;  khối lượng của thiết kế sơ bộ, khối lượng giải phóng mặt bằng trong bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Kết quả rà soát tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 67,34 tỷ USD. Tổng mức đầu tư nêu trên được tính theo quy định của pháp luật về xây dựng và các điều kiện kinh tế vĩ mô tại thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, theo Chính phủ, do Dự án thực hiện trong thời gian dài (khoảng trên 10 năm) nên tổng mức đầu tư có thể biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan (thiên tai, sự cố môi trường, địch họa, hỏa hoạn và các yếu tố bất khả kháng khác) hoặc yếu tố chủ quan (thay đổi quy hoạch, chính sách, chỉ số giá, thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng mới theo quy định của Luật Đất đai, triển khai giải phóng mặt bằng chậm, nguồn vốn bố trí không đáp ứng,...).

Trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi sau khi có thiết kế chi tiết, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, tính toán tổng mức đầu tư dự án bảo đảm tính đúng, tính đủ, phù hợp với công nghệ, quy mô đầu tư dự án.

Về phương án thiết kế sơ bộ, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát phương án hướng tuyến bảo đảm thẳng nhất có thể; rà soát số lượng, vị trí, quy mô các công trình trên tuyến (nhà ga, khu depot, trạm bảo dưỡng,...) bảo đảm thuận lợi, hiệu quả trong đầu tư, quản lý khai thác.

Đối với các ga, ngoài việc nghiên cứu công năng đáp ứng nhu cầu vận tải còn rà soát, đánh giá khả năng phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ,... quanh khu vực nhà ga nhằm phát huy tối đa lợi thế của tuyến đường sắt.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đề xuất lựa chọn khổ đường tiêu chuẩn 1.435mm, đường đôi; tốc độ thiết kế 350km/h; tải trọng trục thiết kế 22,5 tấn/trục; bán kính đường cong nằm nhỏ nhất: 6.500m phù hợp với nhu cầu khai thác, tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao trên thế giới và Việt Nam, phù hợp với hành lang Bắc - Nam tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao, phù hợp với tốc độ thiết kế đã được Chính phủ thống nhất tại Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 15/8/2024; Bộ Chính trị kết luận tại văn bản số 11376-CV/VPTW ngày 18/9/2024 của Văn phòng Trung ương; Nghị quyết số 55 NQ/TW ngày 20/9/2024 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII.

Đối với các phương tiện, thiết bị, Chính phủ cno biệt là nghiên cứu tiền khả thi đã rà soát các công nghệ tiên tiến trên thế giới để sơ bộ đề xuất áp dụng cho dự án, đồng thời việc đề xuất áp dụng công nghệ có tính mở sẽ bảo đảm tính cạnh tranh, tránh lệ thuộc trong việc lựa chọn nhà cung cấp trong các bước tiếp theo.

Các nội dung liên quan đến phương án thiết kế sẽ tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu chi tiết trong bước tiếp theo của dự án nhằm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả như đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Tờ trình số 767, Chính phủ cũng đã làm rõ việc lựa chọn hướng tuyến đường sắt tốc độ cao, trong đó có hướng qua TP. Nam Định.

Cụ thể, hướng tuyến qua tỉnh Nam Định đã được nghiên cứu đảm bảo phù hợp quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch các vùng và quy hoạch tỉnh.

Trong quá trình nghiên cứu cũng đã đưa ra 3 phương án để phân tích so sánh lựa chọn. Trong đó, tại Phương án 1 - hướng tuyến tiếp cận gần trung tâm TP. Nam Định, vị trí ga cách trung tâm thành phố khoảng 5km; Phương án 2, hướng tuyến đi cách xa trung tâm TP. Nam Định, vị trí ga cách trung tâm thành phố khoảng 12 km; Phương án 3 - duỗi thẳng hướng tuyến kết nối trực tiếp Hà Nam - Ninh Bình, hướng tuyến không đi qua Nam Định

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, với vai trò là trung tâm phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ, TP. Nam Định có quy mô dân số quy hoạch đến năm 2040 khoảng 600.000 dân, là đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn, vùng hấp dẫn các địa phương lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên... lên đến khoảng 4 triệu người; theo dự báo đến năm 2050 nhu cầu đi và đến ga Nam Định khoảng gần 3 triệu khách/năm.

Nếu tính chi phí đầu tư và vận hành khai thác trong 30 năm đoạn tuyến qua Nam Định (12 km) sẽ có chi phí khoảng 1,66 tỷ USD. Nếu tính các lợi ích thu được ước đạt 2,06 tỷ USD. Như vậy việc khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao qua khu vực TP. Nam Định có lợi ích ước tính đạt khoảng 400 triệu USD trong vòng 30 năm so với việc tuyến đường sắt tốc độ cao đi thẳng và không đi qua khu vực này.

“ Kinh nghiệm thế giới đã cho thấy có nhiều trường hợp tuyến đường sắt tốc độ cao đi vòng qua các trung tâm lớn để thu hút hành khách thay vì đi thẳng như: tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức”, Chính phủ nêu rõ.

Tại Tờ trình 685/TTr-CP ngày 19/10/2024, Chính phủ đã đề xuất 19 cơ chế chính sách nhằm bảo đảm khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án; huy động nguồn lực đầu tư; phân cấp, phân quyền đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực cho Dự án; phát triển công nghiệp đường sắt.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã rà soát, bổ sung thuyết minh, đánh giá tác động đối với các cơ chế đề xuất đảm bảo cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, đơn vị.

Kết quả đối với 19 cơ chế, chính sách đã trình, Chính phủ chỉnh lý nội dung của 7 chính sách (chính sách 2, chính sách 4, chính sách 5, chính sách 10, chính sách 17, chính sách 18, chính sách 19),  bổ sung làm rõ 1 chính sách (Chính sách 15).

Rõ mối liên hệ với đường sắt Bắc - Nam hiện hữu

Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến đầu tư công trình tuyến khoảng 60% là cầu, 10% là hầm và 30% là nền đất nên suất đầu tư Dự án khoảng 43,7 triệu USD/km. Đây là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác là 350 km/h khi quy đổi về thời điểm năm 2024.

Liên quan đến việc đánh giá tổng thể chung việc đầu tư hoàn thiện cả 2 hệ thống đường sắt (đường sắt tốc độ cao và đường sắt hiện hữu) theo kiến nghị của Ủy ban Kinh tế, Chính phủ cho biết là quá trình nghiên cứu phương án phát triển đường sắt trên hành lang Bắc - Nam đã xem xét nhiều kịch bản.

Trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng trên hành lang, tiềm năng, lợi thế của các phương thức; đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu đã đề xuất kịch bản xây dựng tuyến đường sắt mới, đường đôi, tốc độ 350km/h để vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Đối với tuyến đường sắt hiện hữu sẽ thực hiện cải tạo, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và khách du lịch có cự ly phù hợp.

Trong đó, về kết cấu hạ tầng, từ năm 2015 đến nay đã từng bước bố trí khoảng 1,2 tỷ USD để cải tạo, nâng cấp bảo đảm an toàn, nâng cao năng lực thông qua như: cải tạo tạo nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến (cầu, hầm, các ga,...); nâng cấp khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện, hầm qua đèo Khe Nét.

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2030 sẽ tiếp tục cải tạo nâng cấp để đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến đến 2050.

Về phương tiện, dự kiến sử dụng năng lượng điện hoặc sử dụng nhiên liệu sạch sẽ được quyết định tùy thuộc hiệu quả đầu tư, công nghệ, hạ tầng trong giai đoạn 2030 - 2035.

Về hiệu quả tài chính của Dự án, Chính phủ cho biết là Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đã tính toán cẩn trọng các lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp rất lớn nhưng không thể tính toán vào nguồn thu và hiệu quả tài chính Dự án.

Tương tự mô hình các nước trên thế giới, các dự án đường sắt mang lại hiệu quả chung cho nền kinh tế, tuy nhiên doanh thu tính toán hoàn vốn cho dự án chủ yếu từ nguồn thu từ vận tải, khai thác thương mại (quảng cáo, kinh doanh tại các nhà ga...) để cân đối cho chi phí vận hành, bảo dưỡng phương tiện, bảo trì kết cấu hạ tầng và trả phí hạ tầng cho nhà nước.

Kết quả tính toán cho thấy trong 4 năm đầu khai thác, doanh thu chỉ bù đắp được chi phí vận hành, bảo trì phương tiện, nhà nước cần hỗ trợ một phần chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí cho hệ thống đường sắt như bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện nay; số năm hoàn vốn khoảng 33,61 năm không bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng hoặc hoàn vốn cho phương tiện, thiết bị vận hành khai thác.

“Trong bước Báo cáo nghiên cứu khả thi các chỉ tiêu về phương án tài chính sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tính toán cụ thể trên cơ sở phương án đầu tư, phương án khai thác và điều kiện khi đưa dự án vào vận hành khai thác”, Chính phủ cho biết.

Liên quan đến giá vé đường sắt tốc độ cao, theo Chính phủ, để phù hợp với khả năng chi trả, thu hút hành khách, vé đường sắt tốc độ cao chia làm 3 mức giá vé, dự kiến: vé hạng nhất 0,187 USD/km (khoang VIP); hạng 2 là 0,078 USD/km; hạng 3 là 0,047 USD/km.

Như vậy, với chặng Hà Nội - TP. HCM dự kiến vé hạng nhất 7,34 triệu đồng; vé hạng 2 là 3,05 triệu đồng; vé hạng 3 là 1,83 triệu đồng.

Đây cũng là mức vé có tính đến khả năng chi trả của người dân tại thời điểm đưa Dự án vào khai thác. Tuy nhiên, giá vé chính thức được điều chỉnh theo từng thời kỳ để khai thác tối đa phương tiện và tính đến năng chi trả của người dân.

Tiếp tục rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị có giải pháp kiểm soát rủi ro, đặc biệt là tránh rủi ro dự án không hoàn thành, đưa vào sử dụng do thiếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư