Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đặc quánh sai phạm, nền tảng quảng cáo xuyên biên giới vô can
Hữu Tuấn - 17/06/2021 08:56
 
Các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới đang thu lợi khủng tại Việt Nam, nhưng lại không phải chịu trách nhiệm về các sai phạm trên nền tảng của họ. Bởi vậy, cần sớm khắc phục “lỗ hổng” này.
Các mặt hàng bị cấm kinh doanh được đăng bán công khai trên các nền tảng đa quốc gia.

Tràn lan quảng cáo vi phạm pháp luật

Truy cập Facebook, Google và gõ các từ khóa “quân phục”, “súng hơi”, “pháo hoa, pháo nổ”…, chỉ trong vài giây, có thể tìm thấy hàng ngàn shop, fanpage công khai chào bán các mặt hàng bị cấm kinh doanh này. Nhiều shop còn trả phí cho Facebook, Google để quảng cáo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhưng Facebook, Google vẫn vô can.

Đặc biệt, không ít bài báo, video clip, phim… của các cơ quan báo chí, truyền hình Việt Nam vừa xuất bản đã bị ăn cắp, chỉnh sửa, biên tập, cắt ghép, phát lại trên Youtube, Facebook để lấy tiền quảng cáo. Nguồn tiền quảng cáo được chia về cho Youtube, Facebook và người phát tán, còn cơ quan báo chí không những không thu được phí, bị vi phạm bản quyền, mà còn có nguy cơ bị ảnh hưởng uy tín nặng nề.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hoạt động quảng cáo trên không gian mạng tại Việt Nam thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều sai phạm, đặc biệt là thông qua các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới. Bộ đã nhiều lần có công văn đề nghị tổ chức, doanh nghiệp trong nước khi hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới phải rà soát, chấn chỉnh, không để xảy ra các hành vi như: quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bị cấm (cờ bạc, cá độ bóng đá…); quảng cáo sản phẩm, dịch vụ tài chính bất hợp pháp (tín dụng đen, mua bán tiền điện tử bất hợp pháp)…, nhưng vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên

Ngọn nguồn vẫn là quy định của pháp luật hiện hành đã vô tình “bỏ quên” các nền tảng xuyên biên giới. Cụ thể, Luật Quảng cáo và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo tuy đã có quy định cơ bản điều chỉnh hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, song chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp dịch vụ, đặc biệt là vấn đề kiểm duyệt nội dung sản phẩm quảng cáo trước khi phát hành và thực hiện nghĩa vụ về thuế khi cung cấp dịch vụ qua biên giới tại Việt Nam. Chế tài xử lý còn thiếu, chưa đủ sức răn đe, chưa khả thi trong thực tế.

Ngoài ra, việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo xuyên biên giới chưa rõ ràng, chồng chéo, dẫn đến việc xây dựng và thực thi chính sách quản lý về quảng cáo không thống nhất, đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

“Trói” trách nhiệm

Luật sư Vũ Anh Điển, Giám đốc Công ty Luật Peterson Brother cho rằng, cần sửa đổi Nghị định số 181/2013/NĐ-CP theo hướng bãi bỏ một số quy định không khả thi và không phù hợp với thực tế, bổ sung trách nhiệm cụ thể hơn của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

“Phải có điều luật yêu cầu, đặt trách nhiệm chủ động rà soát, kiểm tra sản phẩm quảng cáo không vi phạm quy định tại Điều 8, Luật Quảng cáo và không đặt sản phẩm quảng cáo vào các vị trí có nội dung vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng. Có chế tài nếu không thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ, xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cũng phải có giải pháp bảo đảm người phát hành quảng cáo ở Việt Nam có khả năng kiểm soát, phát hiện, loại bỏ các sản phẩm quảng cáo xuyên biên giới vi phạm quy định pháp luật Việt Nam”, luật sư Điển đề nghị.

Trên thực tế, do các nền tảng xuyên biên giới như Google, YouTube, Tiktok, Instagram… có trụ sở ở nước ngoài, không mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, nên việc xử lý là vô cùng khó khăn.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội kiến nghị: “Đối với sai phạm trong quảng cáo trực tuyến, nhiều khi yêu cầu gỡ bỏ đối với Facebook hay YouTube khá gian nan, một phần vì họ không có trụ sở tại Việt Nam. Việc họ chấp nhận gỡ bỏ đã khó, khi gỡ xong, thì nội dung vi phạm cũng đã tràn lan. Vì vậy, cần bổ sung quy định các nền tảng xuyên biên giới phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam để họ có trách nhiệm về nội dung quảng cáo và trách nhiệm đóng thuế”.

Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, 80% doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đang nằm trong tay hai “ông lớn” Facebook và Google. Doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới đang được tạo lợi thế một cách tự nhiên, bởi các cơ quan quản lý nhà nước chưa xử lý được sai phạm của họ.

“Điều này tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp quảng cáo trong nước với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới, bảo hộ cho hoạt động quảng cáo của các nền tảng này trong khi họ còn rất nhiều vấn đề sai phạm...”, văn bản của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam gửi Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện, xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, trong đó, đề xuất bỏ quy định các tổ chức, doanh nghiệp muốn quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; bỏ quy định trước khi quảng cáo 15 ngày, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý có thẩm quyền thông tin của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam; bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới...

Hy vọng rằng, những quy định chặt chẽ sẽ sớm được ban hành để “trói” trách nhiệm của các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới, giúp thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam phát triển lành mạnh.

Theo báo cáo Vietnam Digital Marketing Trends 2021, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 ước đạt 820 triệu USD. Dự báo năm 2021, mức doanh thu này sẽ đạt khoảng 955 triệu USD.
“Chi đậm” cho quảng cáo trực tuyến thông qua influencer marketing
Các doanh nghiệp ngành bán lẻ và thương mại điện tử không ngại “đốt tiền” cho quảng cáo trực tuyến để giành khách hàng, chiếm thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư