Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV:
Đại biểu Dương Quang Thành: Năng lực tăng thêm của một số lĩnh vực còn hạn chế
Thế Hải - 23/05/2018 08:15
 
Năng lực tăng thêm của một số lĩnh vực, trong đó có cơ sở hạ tầng, ngành điện…còn hạn chế sẽ là những thách thức mới trong việc đảm bảo cho sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới.
Ít Dự án ngành điện được khởi công, nguôn tăng thêm cho ngành điện còn hạn chế làm gia tăng lo ngại về nguồn cung điện cho phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Ít dự án ngành điện được khởi công, nguôn tăng thêm cho ngành điện còn hạn chế làm gia tăng lo ngại về nguồn cung điện cho phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Đó là quan ngại của Đại biểu Dương Quang Thành (đoàn Hà Nội) khi đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Đánh giá cao những thành tựu mà kinh tế Việt Nam đã đạt được trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, nhưng đại biểu Dương Quang Thành vẫn thẳng thắn cho rằng, năm 2017 và 4 tháng 2018 vẫn còn không ít tồn tại, một trong số đó là năng lực tăng thêm của các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, hay nguồn cung điện chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế.

Dẫn chứng cho điều này, Đại biểu Thành ví dụ, nguồn tăng thêm cho ngành điện là một vấn đề lớn, các dự án được khởi công xây dựng thời gian qua rất ít, điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong khâu cung ứng điện trong những năm tới.

Theo ông Thành, do nhu cầu điện tăng nhanh, nên việc đảm bảo đủ điện năng cho nền kinh tế đang là một thách thức đối với ngành điện.

Việc các dự án sử dụng vốn đầu tư công của các Bộ ngành giải ngân chậm cũng là một mối lo ngại lớn được đại biểu Dương Quang Thành chỉ ra. Nguồn vốn đã ít mà giải ngân không kịp thời thì ảnh hưởng rất lớn đến phát triển các dự án đầu tư.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tiêu thụ điện trong 4 tháng đầu năm 2018 có chiều hướng tăng mạnh trở lại, trong khi một số dự án điện lớn vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Cụ thể, tiêu thụ điện trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt mức tăng trưởng 11,08%, cao hơn so với mức 9,2% của cùng kỳ năm 2017, tăng trưởng tiêu thụ điện đã quay trở lại mức 2 con số.

Sản lượng điện ngày lớn nhất trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt 598,2 triệu kWh và công suất lớn nhất toàn hệ thống là 28.763 MW, thì sang năm năm 2018 đã có sự bứt tốc với sản lượng ngày cao nhất đạt 646,5 triệu kWh (ngày 13/4/2018) và công suất tiêu thụ toàn hệ thống điện lớn nhất đạt 30.720 MW (ngày 24/4/2018).

Điều này cũng đặt ra những thách thức mới trong việc đảm bảo nguồn điện cho nền kinh tế trong thời gian tới khi trong 2 năm trở lại đây, số lượng dự án điện được triển khai xây dựng mới giảm đáng kể.

Năm 2018, EVN chỉ dự tính đưa vào vận hành thêm 2 nguồn điện mới với công suất 760 MW, đó là Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (660 MW) và Thủy điện Sông Bung 2 (2 x 50 MW). Năm 2019, EVN cũng chỉ dự kiến đưa vào vận hành thêm khoảng 700 MW nguồn điện mới.

Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia, để đảm bảo tăng trưởng điện năng ở mức 10%/năm, thì mỗi năm cần có thêm 3.000 - 4.000 MW nguồn điện mới và EVN được xác định là trụ cột của ngành điện.

Chung tay phát triển nguồn nhân lực ngành điện
Dự báo đến năm 2035, nhu cầu năng lượng tăng mạnh gấp gần 2,5 lần so với năm 2015, nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng bình quân gần 8%/năm cho đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư