Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Đại biểu Quốc hội: Cần xem lại quy định kinh phí công đoàn 2%
Nguyễn Lê - 24/10/2024 13:37
 
Đại biểu đề xuất doanh nghiệp dưới 500 người lao động vẫn đóng phí công đoàn 2%, doanh nghiệp từ 500 cho đến dưới 3.000 người thì phí là 1,5%, doanh nghiệp trên 3.000 người trở lên thì phí chỉ 1%.
.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại phiên thảo luận.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), cần quy định thu phí công đoàn hợp lý hơn trong điều kiện hiện nay.

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi (Dự thảo).

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội được giữ quy định về mức kinh phí công đoàn 2%. Báo cáo nêu nhiều lý do để giữ lại quy định này, bao gồm việc kinh phí công đoàn được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

Đồng thời, theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (trung bình khoảng 0,38%), có ít kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến nộp 2% kinh phí công đoàn. Do đó, có thể cho rằng, vấn đề 2% kinh phí công đoàn không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp.

Nêu ý kiến thảo luận, một số vị đại biểu cũng đồng tình quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng quy định kinh phí công đoàn 2% có từ năm 1957 đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị, hợp lý.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, người lao động thời kỳ đó chủ yếu là cán bộ, nhân viên làm việc trong cơ quan nhà nước, kinh phí trích ra 2% đó cũng là từ ngân sách nhà nước cấp, bản chất là lấy từ túi này để chuyển sang túi khác, vì tất cả đều là của nhà nước. Đến khi Việt Nam chuyển qua nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì dần không còn hợp lý nữa. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay rất lớn và rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI, số lượng người lao động trong một doanh nghiệp bây giờ đông hơn nhiều, có thể vài trăm, vài nghìn, thậm chí cả vạn người làm việc.

“Nếu đóng phí công đoàn 2% thì đó là một gánh nặng cho các doanh nghiệp có nhiều người lao động, nặng đến mức doanh nghiệp không thể mở rộng được, thậm chí không duy trì hoạt động nữa. Người lao động sẽ mất việc, đầu tư FDI sẽ bị giảm và nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng, sẽ có nhiều doanh nghiệp trốn đóng, thậm chí không tham gia công đoàn nữa, hậu quả rất nặng nề”.

Từ phân tích trên, ông Trí đề nghị tìm ra phương án thu phí công đoàn cho hợp lý hơn, cụ thể là đối với doanh nghiệp dưới 500 người lao động phí vẫn 2%, doanh nghiệp từ 500 cho đến dưới 3.000 người thì phí là 1,5%, doanh nghiệp trên 3.000 người trở lên thì phí chỉ 1%.

Bên cạnh đó, đại biểu Trí cho rằng, Luật Công đoàn lần này cần quy định nhiều hơn, chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn về doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến đời sống tinh thần, văn hóa, thể thao, giải trí của người lao động, như vậy sẽ tốt và hiệu quả hơn đối với người lao động.

Ông Trí cũng nhấn mạnh quan điểm trên ông đã từng phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) rồi nhưng không được tiếp thu. Nhưng ông vẫn nhắc lại, “mong Quốc hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận ý kiến rất tâm huyết của tôi”, ông Trí nói.

Phát biểu giải trình, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nói, vấn đề về kinh phí công đoàn, tuyệt đại đa số các đại biểu đồng tình với mức thu 2%. Trong quá trình soạn thảo cũng đã có báo cáo tiếp thu, giải trình những ý kiến có liên quan về kinh phí công đoàn. Kinh phí công đoàn được để lại tại công đoàn cơ sở hiện hànhđang là 75% để chăm lo cho người lao động.

“Thực tế, rất nhiều chủ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có chế độ phúc lợi cao hơn, có lợi cho người lao động. Những vấn đề về doanh nghiệp gặp khó khăn thì Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thiết kế tại Điều 30 một điều khoản mới so với Luật Công đoàn (2012), đó là vấn đề miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn”, ông Khang nói.

Về phân phối kinh phí công đoàn, ông Khang nêu rõ, Dự thảo đã bám sát quan điểm chỉ đạo xây dựng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thiết kế theo hướng không quy định trong luật việc phân chia kinh phí công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhằm bảo đảm bảo tính linh hoạt, hài hòa.

Đối với nội dung này, cơ quan soạn thảo đồng tình với đề xuất dự thảo luật chỉ mang tính nguyên tắc, việc phân chia kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ có các quy định chi tiết của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện, ông Khang báo cáo thêm. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư