Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Đại diện Cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Bùi Kim Thùy: Số hóa để bứt phá
 
Chịu nhiều khó khăn khi bị đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng năm 2021, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn mạnh trong giao thương với kỷ lục mới về kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,5 tỷ USD.

Có rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện để phần giá trị gia tăng thu được của Việt Nam lớn hơn, nhưng dường như vẫn chưa đủ để đi nhanh và đi xa. Bà Bùi Kim Thuỳ, Đại diện Cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Thành viên Hội đồng Cố vấn Harvard - Asia Pacific chia sẻ góc nhìn của người làm giao thương hội nhập.

Bà Bùi Kim Thuỳ, Đại diện Cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC)


Rèn luyện để quản lý rủi ro hiệu quả

Thế giới đã biến đổi mạnh do đại dịch. Là người cổ vũ cho giao thương, hội nhập, chị thấy điều gì từ đây?

Thế giới đã trải qua cú sốc lớn, dù lạc quan đến mấy cũng khó ai có thể tưởng tượng, viết hoặc vẽ ra một kịch bản dịch bệnh lâu và chưa từng có như này. Nhưng Covid-19 cũng là động lực phát triển những công nghệ trước đây còn e dè, chưa dám đưa ra như việc sản xuất vắc-xin và các sinh phẩm y tế, vật tư y tế, dược phẩm phục vụ điều trị Covid-19.

Đại dịch cũng cho thấy, các nền kinh tế thiên về dịch vụ, phát triển mạnh về công nghệ số tuy bị ảnh hưởng nhưng không nhiều như các nền kinh tế mà chuyển đổi số diễn ra chưa nhanh, chưa nhiều và phụ thuộc lớn vào sản xuất hàng hóa hữu hình.

Việt Nam cũng nằm trong các nước bị tổn thương do đứt gãy chuỗi sản xuất. Thành tích kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt khoảng 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020 cũng cho thấy thực tế là, thị trường trong nước sẽ không thể giúp tiêu thụ được hết hàng xuất khẩu của Việt Nam sản xuất ra, nếu có đứt gãy thương mại.

Thị trường của nông nghiệp Việt Nam là chợ toàn cầu. Thị trường cho các sản phẩm công nghiệp cũng vậy, bởi các doanh nghiệp FDI (đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu) đang xuất khẩu 70-100% sản phẩm họ tạo ra tại Việt Nam.

Việt Nam có gần 100 triệu dân, còn thế giới có hơn 7 tỷ người, vì thế, chúng ta không thể tự thương nhau bằng cách trông chờ vào sức tiêu thụ trong nước khi đứt gãy chuỗi giao thương, không thể tự thương nhau bằng cách nỗ lực “ăn toàn bộ” nông sản khi Chính phủ đã xác định 3 trụ cột khôi phục kinh tế 2022 là “thúc đẩy sản xuất - kinh doanh,  đẩy mạnh xuất khẩu và giải ngân vốn đầu tư công”. Một nền kinh tế với độ mở rất lớn, với số lượng FTA rất nhiều, với định hướng xuất khẩu, với lượng cung hàng hóa dồi dào, thì không thể “tự thương nhau” bằng cách nỗ lực ăn hết nông sản giải cứu được.

Đứt gãy chuỗi giao thương có phải là điều chị trăn trở nhất khi đại dịch hoành hành vừa qua…?

Đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông bị cản trở và nhiều thứ mà chúng ta chứng kiến thời gian qua thực ra không đáng sợ bằng việc đứt gãy, hay nói cách khác là sự lưu thông không liền mạch trong cách hiểu và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam. Đó là Trung ương và địa phương hiểu khác nhau về cùng một văn bản. Ngay trong một địa phương, các đơn vị hành chính khác nhau cũng có cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề.

Đây mới chính là nguồn cơn để tạo ra sự đứt gãy về nhiều mặt. Cao điểm trong giai đoạn từ tháng 5 tới tháng 9/2021, dù Thủ tướng, Phó thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã nhiều lần nói và thể hiện bằng văn bản về việc không được để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa, nhưng thực tế thì vẫn đứt gãy. Chỉ một ví dụ nhỏ là xe luồng xanh có QR Code được lưu thông không dừng, không chạm, từ điểm đầu tới điểm cuối của hành trình, nhưng vẫn bị dừng và xuất trình giấy tờ tại hàng chục chốt trên đường. Không chỉ mỗi tỉnh, mà mỗi huyện, xã lại có một chốt, nên việc thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là “xe luồng xanh lưu thông không dừng” không thể làm được.

Đứt gãy là từ đó, hàng không ra cảng được, nguyên liệu từ cảng không về nhà máy được và rất nhiều container nằm im tại cảng. Nhiều địa phương có tình trạng bắt lái xe hạ kính, kiểm tra giấy tờ liên quan. Điều này chỉ nói lên rằng, anh không tin lái xe, hay đúng hơn là những chốt đó không tin QR Code do Bộ Giao thông - Vận tải cấp, nên phải kiểm tra giấy tờ. Nghĩa là, người thi hành công vụ không tin chính hệ thống công. Các đơn vị khác nhau không tin nhau. Như thế thì khó đòi hỏi người dân và doanh nghiệp phải tin mình.

Nhưng không phải tới khi có giãn cách, phong tỏa, chúng ta mới nhìn thấy điều này. Trên thực tế, sự không nhất quán trong chính sách và cách thực thi giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vẫn diễn ra (có nơi mong muốn thuận lợi bằng cách đơn giản hóa, minh bạch hóa thủ tục, nhưng có nơi mong muốn kiểm soát bằng cách phức tạp hóa thủ tục). Như vậy, dù chính sách (về lý thuyết và lời văn trên mặt văn bản) thuận lợi đến đâu chăng nữa, mà người thực thi chính sách (trong thực tiễn) không làm, thì đứt gãy giao thương là chuyện bình thường.

Nhưng không phải địa phương nào cũng ngại…

Đúng vậy! Trong suốt quá trình ứng phó với dịch bệnh, để không đứt gãy sản xuất, có những địa phương như Vĩnh Phúc đã khẳng định với doanh nghiệp đóng trên địa bàn rằng, “sản xuất - kinh doanh là việc của các anh, còn xử lý Covid-19 là việc của chúng tôi”.

Cùng với thông điệp đó, họ đã hành động cụ thể. Nếu 7h30’ vào ca thì doanh nghiệp cùng với chính quyền bắt đầu từ lúc 7h và có 30 phút test Covid-19. Âm tính là vào sản xuất và doanh nghiệp/người lao động cố gắng tăng năng suất lên để bù cho 30 phút xét nghiệm. Toàn bộ chi phí test do tỉnh chi trả, bởi chính quyền nhận thức được rõ, doanh nghiệp có sản xuất - kinh doanh thuận lợi thì mới có thuế nộp cho địa phương, tỉnh và dân sẽ hưởng lợi nhờ đó.

Thậm chí, hàng đưa ra cảng trong trường hợp cần kíp cũng được tỉnh điều động xe dẫn đường từ Vĩnh Phúc đến cảng. Chính quyền nói, kể cả cộng chi phí đó thì vẫn không là gì so với thuế doanh nghiệp đóng cho Vĩnh Phúc bao năm nay, không giúp doanh nghiệp thì có tội với họ.

Chúng ta biết về cuộc tháo chạy tự phát của nhiều người lao động từ các tỉnh phía Nam về quê, thì cũng có gần 20.000 công dân Vĩnh Phúc hồi hương và nhiều người trong số đó được đón bằng máy bay tới Nội Bài, rồi đi cách ly tập trung.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhìn nhận, đây chính là cơ hội bổ sung nguồn nhân lực, giúp nông dân ly nông không ly hương, nên đã chủ động vào cuộc đồng bộ. Điều này làm các doanh nghiệp đang đầu tư ở Vĩnh Phúc rất mừng vì có nguồn bổ sung nhân công ngay tại chỗ. Vì vậy, doanh nghiệp đã tìm đến ngay với người lao động sau khi hết cách ly. Có các doanh nghiệp đã tuyển được đủ nhân công cho 2 nhà máy trong năm 2021, bất chấp dịch bệnh. Người lao động về quê có việc làm, thu nhập tốt và ổn định sẽ không ly hương nữa.

Có thể Vĩnh Phúc hiểu rõ triết lý, chúng ta được trả lương từ tiền thuế của doanh nghiệp, sao không giúp doanh nghiệp để họ có động lực tiếp tục sản xuất - kinh doanh và phát triển, đóng góp lại cho địa phương.

Nhưng không phải địa phương nào cũng dũng cảm vượt qua sự an toàn này.

Muốn trở thành trung tâm logistics của khu vực, Việt Nam phải có chính sách xuất nhập khẩu và thông quan thích hợp

Thuận lợi hóa thương mại bắt đầu từ hải quan

Khi nghe ông Nobel Kinder, Giám đốc phát triển bền vững của Nike, thành viên của USABC nói với Thủ tướng Phạm Minh Chính là, gần 200 nhà máy đã quay lại làm việc bình thường, chị có cảm nghĩ gì?

Mô hình kinh doanh của các tập đoàn như Nike là không sở hữu nhà máy, nhưng họ có hợp tác sản xuất với gần 200  nhà máy tại Việt Nam.

Trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc Nike hay bất cứ tập đoàn đa quốc gia nào dừng đặt hàng ở một nơi cụ thể, thì đó là tạm dừng lấy hàng ở nơi này sang lấy hàng tại những nơi khác mà tình hình dịch bệnh ít phức tạp hơn. Khi Việt Nam ổn, họ quay lại ngay và lại dời đi nếu tình hình diễn biến xấu đi.

Đó là việc rất bình thường với những tập đoàn có chiến lược kinh doanh đa quốc gia, có mô hình kinh doanh “chỉ sở hữu thương hiệu và làm thương mại, không trực tiếp sở hữu nhà máy, không trực tiếp sản xuất”.

Các tập đoàn đa quốc gia cũng có chiến lược “China Plus One”, tức là “Trung Quốc + 1” nhằm quản trị rủi ro về nguồn cung hàng hóa, đối phó với bất ổn có thể xảy ra vì bất cứ lý do gì.

Việt Nam sản xuất một lượng hàng hóa không nhỏ cho thị trường thế giới, nhưng thực tế, Trung Quốc vẫn là lớn nhất cả về thị trường lẫn nguồn cung hàng hóa.

Ở góc độ doanh nhân, doanh nghiệp, tư duy của họ là đâu có lợi nhuận thì tôi làm, nên họ tự động sẽ tới Trung Quốc, nơi cũng có các chính sách rất hấp dẫn cho doanh nghiệp.

Việt Nam muốn thu hút đầu tư nhiều hơn thì phải biết cách thuận lợi hóa sản xuất và thương mại với sự phối hợp nhịp nhàng của các bên, không để đứt gãy chuỗi cung ứng “văn bản” quan trọng hơn nhiều so với đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất..

Năm 2021 cũng chứng kiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Theo quan sát của chị, lượng có tăng, còn chất chuyển biến ra sao?

Thế giới vẫn đánh giá cao việc Việt Nam tham gia các sân chơi văn minh nhất toàn cầu. Việt Nam hiện là nền kinh tế đang phát triển duy nhất trên thế giới có hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các nền kinh tế lớn. Trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ hai chỉ sau Singapore về số lượng FTA. Nhưng Singapore là nền kinh tế định hướng dịch vụ, không sản xuất, còn Việt Nam có mức độ đa dạng hóa ngành nghề gần như là nhất.

Nếu đã dám chơi với các nền kinh tế phát triển hùng mạnh, tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo nghĩa là mình đã xác định nâng cấp lên ngang với họ, đáp ứng các tiêu chí khó, dù cần có khoảng thời gian phù hợp để Việt Nam chuyển đổi.

Chúng ta nhìn vào EVFTA thấy xuất khẩu tăng tốt. Ở đây, thuế giảm là động lực cho xuất nhập khẩu, song rõ ràng, mình đã đáp ứng được các tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, các hàng rào kỹ thuật trong thương mại khác thì hàng hóa mới vào được EU.

Nhưng kể cả kim ngạch xuất khẩu đã tăng thì cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nghĩa là, mình còn nhiều dư địa nữa mà thương mại điện tử là một ví dụ. Đây đang được xem là kênh giao thương của tương lai, nhưng ta vẫn chưa xuất khẩu được nhiều qua kênh này.

Hiện Bộ Tài chính/Tổng cục Hải quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. Theo kế hoạch, năm 2022, Nghị định có hiệu lực, nhưng có thể có một năm thí điểm để các bên (khu vực công và doanh nghiệp) đồng bộ hóa hệ thống quản lý trước khi áp dụng chính thức.

Để thuận lợi hóa thương mại, theo chị, khâu nào quan trọng nhất?

Về tổng thể, Việt Nam hướng mặt ra đại dương lớn nhất thế giới, tựa lưng vào lục địa lớn nhất thế giới, nên vị trí địa chính trị, địa kinh tế vô cùng quan trọng trong ASEAN và cần tận dụng điều này trong thập kỷ tới, nếu không, rất lãng phí.

Với vị thế này, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics của khu vực, nhưng để làm được thì phải có chính sách thích hợp, mà quan trọng là chính sách xuất nhập khẩu và thông quan.

Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng thời điểm vàng này để chuyển đổi số, số hóa nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp số và để làm được điều này hiệu quả, chúng ta phải có niềm tin số - Digital Trust - với các đối tác số chiến lược, trong khu vực và trên toàn cầu.

Lấy ví dụ ở Quảng Ninh. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đến đây thông quan vì địa phương này quyết liệt cạnh tranh dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI). Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, tạo điều kiện hết mức cho doanh nghiệp, thời gian thông qua tại Hải quan Quảng Ninh rất nhanh. CPI của Quảng Ninh đứng cao nhất trong mấy năm trở lại đây là do có đóng góp từ hoạt động xuất nhập khẩu/ thông quan của cơ quan hải quan và doanh nghiệp. Khu vực công ở địa phương này đồng hành, chung tay để giải quyết rốt ráo cho doanh nghiệp, dù là ban đêm.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, sang thông quan tại Quảng Ninh có chậm hơn một chút ban đầu, nhưng về lâu dài thì có lợi hơn. Hải quan Quảng Ninh cũng đi đầu trong việc phục vụ doanh nghiệp khi số hóa biểu thuế xuất nhập khẩu, đồng bộ hóa biểu thuế của tất cả các FTA, thuế ưu đãi tối huệ quốc, thuế tự vệ… chỉ trong một bảng biểu tinh gọn. Doanh nghiệp chỉ cần thực hiện các lệnh đơn giản để truy xuất các biểu thuế này và miễn phí thay vì phải trả tiền mua các cuốn biểu thuế như trước.

Nếu nhiều tỉnh cũng có phương châm phục vụ doanh nghiệp như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, thì Việt Nam sẽ có cơ hội nhanh chóng trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới. Nghĩa là, cần có chính sách thuận lợi hóa thương mại một cách thực chất, nhất là từ hải quan, bao trùm lên tất cả là số hóa nền kinh tế và phải đồng bộ. Như vậy mới có thể có sự đột phá và tiến nhanh.

Khó khăn về pháp lý là mấu chốt

Nói về số hóa, chị mới điều hành phiên thảo luận “Nông dân với số hóa để gia tăng xuất khẩu”. Vậy nông dân nhận thức về số hóa ra sao?

Chuyển đổi số là việc phải làm, với bất kỳ ngành nào, bao gồm nông nghiệp. Cũng xin đừng đặt câu hỏi “làm cách nào xuất khẩu nhiều nông sản sang Hoa Kỳ, EU”. Hỏi là đã tự trả lời. Các nền kinh tế phát triển luôn tôn trọng thương mại công bằng và minh bạch, tôn trọng hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao. Do vậy, thương mại nông nghiệp muốn phát triển tốt, xuất khẩu bền vững vào các thị trường khó tính thì phải luôn tuân thủ tiêu chí xuất xứ chặt, tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật chặt, bên cạnh đó phải thường xuyên cập nhật thông tin về các rào cản. 

Trong buôn bán thì rào cản có ở muôn nơi. Nơi khác vượt được thì xuất khẩu được nhiều, mình không vượt được do dùng công nghệ cũ chưa nâng cấp, không tương thích, hay không có “chuyển đổi số” đính kèm, nên đi chậm hơn trên con đường đã phẳng, thì đó là lỗi của mình.

Đơn cử với Hoa Kỳ, ưu điểm của họ là kinh tế số, công nghệ số, kết nối số (tưởng như vô hình và do vậy khó áp thuế). Còn ưu điểm của Việt Nam là sản xuất, xuất khẩu sản phẩm hữu hình, áp được thuế quan và nhìn được bằng mắt thường. Tận dụng hai chiều nghĩa là áp dụng lợi thế của từng bên trong xuất nhập khẩu các sản phẩm/dịch vụ Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó có việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam có ứng dụng, sử dụng các yếu tố đầu vào từ Hoa Kỳ, gồm “công nghệ số”, vật tư nông nghiệp (cả drone - máy bay không người lái sử dụng trong nông nghiệp) và các yếu tố đầu vào chất lượng cao khác.

Nông dân cũng đừng ngại áp dụng số, thời gian đầu có thể làm tăng giá các yếu tố đầu vào, dẫn đến việc tăng giá bán (do phải đầu tư công nghệ), chúng ta phải xem lại quan niệm cạnh tranh bằng giá rẻ. Thay vào đó, cần phải nghĩ bán sản phẩm có hàm lượng công nghệ, trí tuệ cao, hàm lượng chất xám cao và có số hóa trong đó.

Việc số hóa với nông dân, nông nghiệp đang có nhiều dự án hỗ trợ. Chúng tôi đã tính toán được rằng, với các tài trợ hiện nay, thì một người nông dân không tốn quá 500.000 đồng/năm để chuyển đổi số, cài được phần mềm và các app trên điện thoại để truy xuất cả chuỗi hoạt động từ mua bán vật tư, quá trình sản xuất, chăm sóc tới thu hoạch, bán đến tay người mua hàng.

Số hóa cũng giúp kết nối, kiểm soát được thị trường để sản xuất với dung lượng hợp lý. Nếu không kiểm soát được đầu vào, đầu ra, chất lượng nguyên vật liệu, không kết nối được người bán - người mua trên cùng nền tảng, thì khó buôn bán hiệu quả.

Khi nông dân áp dụng chuyển đổi số, kết nối số với đối tác, thì không phải chỉ chờ cơ quan chức năng của Việt Nam giải thích điểm khó trong giao thương. Chính đối tác, nhà nhập khẩu, người đặt hàng, mua hàng sẽ tự khắc nói cho biết phải làm gì để bán được hàng, vì đó là lợi ích thiết thân của chính họ.

Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng thời điểm vàng này để chuyển đổi số, số hóa nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp số và để làm được điều này hiệu quả, chúng ta phải có niềm tin số - Digital Trust - với các đối tác số chiến lược trong khu vực và trên toàn cầu.

Để đi được xa hơn và nâng cao giá trị, cái thiếu của các doanh nghiệp Việt Nam bây giờ theo chị là gì?

Doanh nghiệp luôn kêu thiếu vốn, khó vay vốn là hàng đầu. Tôi lại cho rằng, khó khăn về vốn không phải là nghiêm trọng, mà khó khăn về mặt pháp lý mới là mấu chốt.

Doanh nghiệp không sử dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ chính mình thì không chỉ thua trên sân chơi quốc tế, mà thiệt ngay trên sân nhà. Doanh nghiệp nào tận dụng và tối ưu hóa được nguồn lực từ khung pháp lý, thể chế áp dụng cho họ thì có lợi nhiều hơn.

Các doanh nghiệp lớn có đội ngũ luật sư, công ty tư vấn và nhân sự pháp chế mạnh. Họ luôn đón đầu xu hướng chính sách khi tham gia quá trình soạn thảo thông qua việc đóng góp ý kiến cho các dự thảo trên cơ sở trải nghiệm của chính doanh nghiệp và kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam. Nhờ vậy, họ tận dụng, tối ưu hóa được các lợi ích từ chính sách ban hành sau đó, cũng như tránh được (phần nào) những hệ lụy chính sách không đáng có.

Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, việc làm chính sách là của ai đó, không liên quan tới mình, nên chủ quan không góp ý chính sách, không thông qua các hiệp hội ngành nghề để đề xuất chính sách, nên khi chính sách có hiệu lực thì không tận dụng được. Có vướng mắc lại tìm cách đi cửa sau và sẽ tạo ra rủi ro lớn cho chính doanh nghiệp.

Điều này cần thay đổi vì về lâu dài, khi ra “chợ thế giới”, phải tuân thủ luật chung của thế giới, các cam kết quốc tế và thông lệ quốc tế, nên không gì khác là tuân thủ ngay từ đầu, ngay từ sân nhà, thì sẽ nhẹ nhõm hơn. Còn cứ lách và tránh thì khó đi xa, đi được lâu bền.

Các doanh nghiệp không phân biệt quy mô nên nỗ lực đóng góp các ý kiến xác đáng liên quan đến chính sách. Nếu đóng góp vô tư, có lợi cho ngành của mình và cho đất nước, thì chắc chắn được nghe, bởi các nhà xây dựng chính sách cũng không muốn làm ra “chính sách phòng lạnh”, không thực tế.

Chứng kiến thế giới đối diện với biến cố chưa từng có do dịch bệnh trong 2 năm, tâm trạng của chị thế nào?

Có rất nhiều sự thay đổi. Sự thay đổi rõ nhất của bất cứ cá nhân nào chính là cuộc sống online.

Giờ chúng ta quen với cụm từ “virtual metting”. Nói là ảo, nhưng lại không ảo chút nào.

Trước đây, tôi đã tham gia các đoàn đàm phán, đi nhiều và gặp chuyện múi giờ thay đổi, vị trí địa lý thay đổi, các FTA cũng thay đổi nhiều từ khi bắt đầu tới lúc kết thúc, rồi tới khi làm việc tại USABC thì cũng quen các cuộc làm việc lệch múi giờ do trụ sở USABC tại Mỹ, còn thành viên ở nhiều nơi trên thế giới. Họp trực tuyến với nhiều điểm cầu khác nhau với múi giờ khác nhau đã diễn ra nhiều năm nay.

Nhờ vậy, tôi đã học được cách thích ứng và rèn luyện để thích nghi với các điều kiện, môi trường khác nhau từ trước khi có Covid-19. Vì thế, khi phải làm việc trực tuyến do Covid-19, tôi không mất thời gian để thích ứng, vì cũng đã quen từ trước đó rồi.

Nhưng nếu nói không nhớ những chuyến bay, những chuyến công tác trực tiếp là không đúng (cười…).

Không được tới sân bay nhiều như trước, không có những chuyến công tác trực tiếp dài như trước. Vậy chị dành thời gian rảnh vào thú vui gì?

Bỏ máy tính xuống, tôi rất thư giãn với tất cả những điều xung quanh, kể cả dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn.

Bà tôi là người nấu ăn rất ngon, nhưng bà lại ra đi khi chưa kịp dạy cháu nhiều món ngon, nên đó là động lực để những năm 2007-2008, tôi đã đi học nhiều khóa nấu ăn với những đầu bếp giỏi.

Được nấu ăn ngon là hạnh phúc của phụ nữ, nhất là những lúc chưa thuận lợi cho việc di chuyển như lúc này.
54/63 địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ
9 tháng 2021, 54/63 địa phương có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó 31/63 địa phương tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư