Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đại gia thủy sản Phương Nam hồi sinh
- 12/06/2013 06:56
 
Được ngân hàng tái cơ cấu nợ, thu xếp xong khoản nợ 1.600 tỷ đồng và có phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, Công ty thủy sản Phương Nam vừa được cấp lại giấy đăng ký kinh doanh.
TIN LIÊN QUAN

Trao đổi với báo chí chiều 11/6, ông Trần Văn Trí, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) cho biết Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng vừa cấp lại giấy phép đăng ký kinh doanh cho Công ty Phương Nam với vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Minh Trí, đại diện Công ty Cổ phần dịch vụ Đất Việt (Hà Nội).

"Ngày 13/6 công ty sẽ công bố thông tin chính thức. Cũng như Thủy sản Bình An trước đây, khi Phương Nam vượt qua sóng gió thì tôi từ nhiệm, giao quyền điều hành lại cho người có kinh nghiệm hơn mình. Tôi chỉ tham gia vào Hội đồng quản trị với giá trị góp vốn hơn 100 tỷ đồng", ông Trí nói.

Ông Trí từng nghỉ việc nhà nước để gánh vác Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) bên bờ vực phá sản vì khối nợ và lỗ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Vợ ông, nữ doanh nhân nổi tiếng một thời, Diệu Hiền đổ bệnh phải đi nước ngoài chữa trị. Sau khi Bianfishco được các ngân hàng cơ cấu nợ, mời gọi được cổ đông lớn (Ngân hàng SHB của bầu Hiển), ông Trí rời khỏi công ty và đầu quân sang Phương Nam, lãnh trách nhiệm giải cứu đại gia thứ hai này trước nguy cơ phá sản.

Ông Trí cho biết Thủy sản Phương Nam đã thu xếp được khoản nợ 1.600 tỷ đồng. Ảnh: Thiên Phước

Ông Trần Văn Trí tiếp nhận "ghế nóng" tại Thủy sản Phương Nam đầu tháng 11/2012. Khi đó, công ty này nợ Agribank Sóc Trăng 548 tỷ đồng. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Sóc Trăng là chủ nợ lớn thứ hai với 341 tỷ, còn lại là LienVietPostBank Sở giao dịch Hậu Giang (hơn 328 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank, 147 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, gần 147 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) chi nhánh Bạc Liêu (80 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng vướng 8 tỷ đồng.

Sau 7 tháng điều hành, thực hiện các biện pháp tái cấu trúc với các ngân hàng, vị giám đốc này cho biết công ty thu xếp được các khoản nợ nêu trên và sẽ trả dần trong thời gian tới. Trong 295 tỷ đồng vốn điều lệ mới, chồng nữ doanh nhân Diệu Hiền chiếm 34,17%, ông Nguyễn Minh Trí đại diện 62,43% và 3% còn lại thuộc về cổ đông cũ Huỳnh Phúc Quế. Với tỷ lệ cổ phần nắm giữ, ông Nguyễn Minh Trí sẽ là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Phương Nam.

Ông Trí cho rằng miền Tây là vựa tôm, cá lớn của cả nước, cần được quan tâm đầu tư, khai thác hiệu quả. Đây là lý do ông cùng lúc giải cứu Thủy sản Phương Nam, tham gia tái cấu trúc Công ty Thủy sản Ngư Long ở Đồng Tháp (nợ hơn 200 tỷ đồng), Công ty Thủy sản Minh Trí (Vĩnh Long, nợ hơn 100 tỷ), Công ty Thiên Mã (Cần Thơ, nợ khoảng 700 tỷ đồng)… nhằm vực dậy ngành thủy sản, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

"Sau khi vượt qua khó khăn, Công ty Bình An đã hoạt động tốt, chuẩn bị đại hội cổ đông lần 2 và tới đây là Thủy sản Phương Nam. Khi các công ty cùng ngành được tái cấu trúc, kinh doanh hiệu quả trở lại thì nông dân miền Tây có đầu ra ổn định cho tôm cá, xuất khẩu cũng tăng trở lại", ông Trí đánh giá.

Duy Khang

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư