Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đại hạ giá tài sản phát mãi, ngân hàng chưa dễ thu hồi nợ xấu
Vân Linh - 09/10/2022 09:19
 
Mặc dù đã giảm giá hàng trăm tỷ đồng so với ban đầu, nhưng nhiều tài sản trị giá hàng ngàn tỷ đồng được các ngân hàng rao bán vẫn rơi vào tình trạng ế ẩm.
Khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú được Sacombank rao bán nhiều lần nhưng chưa bán được

Hạ giá hàng trăm tỷ đồng vẫn ế

Agribank vừa ra thông báo bán đấu giá lần thứ 28 khoản nợ của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng, gồm nợ gốc hơn 352 tỷ đồng, nợ lãi vay hơn 356 tỷ đồng.

Ở lần đấu giá này, Agribank chỉ đưa ra giá khởi điểm là 352 tỷ đồng, bằng chính nợ gốc mà doanh nghiệp này phải trả. Tài sản bảo đảm để thế chấp cho khoản vay là quyền sử dụng đất sản xuất - kinh doanh diện tích 6.952 m2 ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Khoản nợ này bắt đầu được Agribank tổ chức bán đấu giá lần đầu cuối năm 2018, với giá khởi điểm là 405 tỷ đồng.

BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Vertical Synergy VietNam. Tài sản thế chấp khoản vay là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 63 đường Pastuer, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM; 12 bất động sản tại phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM; bất động sản tại địa chỉ 102 Trần Quốc Toản, phường 7, quận 3. TP.HCM. Giá khởi điểm cho toàn bộ tài sản trên là hơn 348 tỷ đồng, giảm hơn 120 tỷ đồng so với thông báo đầu tháng 7/2022.

Tính đến ngày 14/9/2022, tổng dư nợ của Công ty cổ phần Vertical Synergy VietNam tại BIDV là hơn 481 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 347 tỷ đồng và nợ lãi gần 134 tỷ đồng. Như vậy, BIDV rao bán khoản nợ với mong muốn thu hồi phần nợ gốc, bỏ qua toàn bộ phần nợ lãi.

Tương tự, Vietcombank nhiều lần rao bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam. Giá khởi điểm rao bán trong lần gần nhất chỉ gần 926 tỷ đồng, giảm hơn 172 tỷ đồng so với thông báo bán đầu giá hồi đầu tháng 11/2021. Tài sản đấu giá bao gồm các quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và nhà xưởng, hệ thống thiết bị máy móc sản xuất sợi tại nhà máy 1 và nhà máy 2 của công ty này ở Bình Dương.

VietinBank Chi nhánh Phú Quốc thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Toàn Cầu. Tổng dư nợ của doanh nghiệp tính đến ngày 3/8 là hơn 122 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 85,5 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến chào bán khoản nợ bằng tổng giá trị khoản nợ nêu trên, giảm nhiều so với mức giá đưa ra lần đầu. Trước đó, tháng 11/2021, VietinBank cũng rao bán khoản nợ với giá 105,4 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 85,58 tỷ đồng, nợ lãi là 19,86 tỷ đồng.

Ngày 9/9, Công ty Đấu giá Hợp danh Toàn cầu Group thông báo tổ chức bán đấu giá 18 khoản nợ được bán không tách rời được đảm bảo bằng quyền tài sản tại Dự án Khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM do Sacombank đề nghị bán đấu giá. Giá khởi điểm của khoản nợ là 8.640 tỷ đồng, tương đương 53% tổng dư nợ. Khoản nợ này Sacombank đã rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa bán được. So với lần rao bán đầu tháng 8/2022, 18 khoản nợ giảm gần 1.000 tỷ đồng.

Vì sao khó phát mãi?

Việc khó phát mãi tài sản để thu hồi nợ xấu sẽ kéo theo nợ xấu ngân hàng tăng. Số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2022 của các ngân hàng cho thấy, áp lực nợ xấu đang bủa vây khi tổng nợ xấu của 28 ngân hàng tại ngày 30/6 là 122.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm nay.

Quốc hội khóa XV đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 và hoàn thiện các quy định về xử lý nợ xấu là cần thiết, phù hợp.

- TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế

Tại báo cáo kinh tế Việt Nam tháng 8/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, chất lượng tài sản của ngân hàng Việt Nam vẫn là một quan ngại và cần liên tục theo dõi. Dù tỷ lệ đảo bảo an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống vẫn cao hơn yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng tương đối thấp. Ngoài ra, rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản có thể tăng trong bối cảnh phương thức huy động vốn thiếu minh bạch, định giá quá cao, phần nào do đầu cơ.

Theo giới phân tích tài chính, nhiều tài sản bảo đảm khi phát mãi được định giá chưa sát với giá thị trường, nên dù đại hạ giá nhiều lần so với đấu giá lần đầu, ngân hàng vẫn khó bán. Chưa kể, giá khởi điểm phải được sự đồng ý của cả ngân hàng lẫn khách hàng, nên mất nhiều thời gian cho thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm.

Ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho rằng, sở dĩ việc xử lý nợ xấu của ngân hàng còn khó là do dù bất động sản có giá rất cao từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, nhưng số giao dịch thành công không nhiều, ít người mua. Trong khi đó, một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch như khách sạn, nhà hàng cũng phải rao bán tài sản trong bối cảnh sự hồi phục của ngành du lịch chưa mạnh mẽ.

Nhưng điều đáng chú ý, một trong những kênh xử lý nợ xấu là sàn mua bán nợ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm ngoái, được kỳ vọng đem lại làn gió mới trên thị trường, nhưng chưa được như mong đợi. Hoạt động mua bán nợ trên sàn VAMC chưa thực sự sôi động, dẫn tới việc các ngân hàng chủ yếu tự xử lý nợ, thay vì đưa qua sàn này.

Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 gặp nhiều khó khăn về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, thủ tục thay đổi đăng ký giao dịch bảo đảm khi mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định, sở dĩ ngân hàng vẫn khó phát mãi tài sản đảm bảo thu hồi nợ chủ yếu do nền kinh tế khó khăn hậu Covid-19 kéo dài, thị trường giao dịch tài sản thanh khoản thấp. Hơn nữa, tài sản đảm bảo không được bán giảm giá quá nhiều, nên mỗi lần phát mãi, giá chỉ giảm nhỏ giọt, khiến tài sản được đem ra đấu giá 5 - 10 lần vẫn bất thành.

Nợ xấu gia tăng: Rủi ro hay “của để dành” của các ngân hàng?
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh, song nợ xấu có dấu hiệu tăng mạnh ở hầu hết các ngân hàng, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư