Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Đại học Quốc gia TP.HCM thành lập Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng
Thùy Vinh - 20/07/2019 10:08
 
Nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam thích ứng với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) đã quyết định thành lập và đưa vào hoạt động Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng (VNUHCM-IBT).

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật kiêm Giám đốc VNUHCM-IBT cho biết, VNUHCM-IBT là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập có tư cách pháp nhân, được ĐHQG-HCM giao cho trường trực tiếp quản lý hoạt động.

VNUHCM-IBT triển khai hoạt động nghiên cứu chính sách, phản biện và tư vấn chính sách, đào tạo về quản lý triển khai công nghệ trên thị trường tài chính Việt Nam.

Trong giai đoạn trước mắt, VNUHCM-IBT sẽ ưu tiên thực hiện các nghiên cứu, đề xuất các chính sách cần thiết ở Việt Nam hiện nay:  Khung pháp lý cho các ứng dụng của Fintech như: tiền mật mã (Cryptocurrency), tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile money), ví điện tử (Mobile wallet), chuyển tiền ngang hàng (Peer-to-Peer transfer), cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer lending), huy động vốn cộng đồng (Equity-based crowdfunding); Chuyển đổi số của các NHTM Việt Nam; Khung phân tích hệ sinh thái ngân hàng số.

Đồng thời, VNUHCM-IBT cũng vừa ra mắt sách Ngân hàng số: từ đổi mới đến cách mạng nhằm cung cấp toàn cảnh, cập nhật về sự phát triển của khu vực tài chính toàn cầu trong làn sóng cách mạng công nghệ và các thách thức cho mô hình ngân hàng truyền thống.

Các áp lực chuyển đổi số, chiến lược chuyển đổi số của ngân hàng và viễn cảnh sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong quản trị ngân hàng là nội dung quan trọng của sách.

Một phần đáng kể của sách được dành ra để phân tích sâu về tiền số, ứng xử của ngân hàng trung ương với tiền số tư nhân và triển vọng phát hành tiền số của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm giúp người đọc phân định rõ các kiến thức về chủ đề mà hiện đang có rất nhiều quan điểm khác nhau.

Ngân hàng số: từ đổi mới đến cách mạng được biên soạn hướng đến người đọc là các nhà hoạch định chính sách quản lý vĩ mô, lãnh đạo và nhân viên các tổ chức tài chính-ngân hàng, sinh viên và những người quan tâm đến cuộc cách mạng số trong lĩnh vực ngân hàng.

Các tác giả là những chuyên gia giàu kinh nghiệm của Trường Đại học Kinh tế-Luật, Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP.HCM. 

Người dân được hưởng gì từ ngân hàng số?
Thế giới tiến vào cách mạng công nghiệp 4.0 khiến thói quen tiêu dùng thay đổi, trong đó có việc sử dụng ngân hàng số (digital banking). Bắt nhịp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư