Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đại hội Hiệp hội Cảng biển Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2021 - 2025
Thanh Sơn - 12/12/2020 12:15
 
Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đã tổ chức Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2021 - 2025 với sự tham gia của hơn 300 đại biểu từ 80 cảng thành viên trên địa bàn TP. Hải Phòng.

Phát biểu khai mạc đại hội, ông Nguyễn Tường Anh, Tổng giám đốc CTCP Cảng Hải Phòng cho biết, thành phố Hải Phòng hiện có 49 bến cảng, có tổng chiều dài cầu bến hơn 11 km. Trong đó, Cảng Hải Phòng là một thành viên tích cực của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, tổ chức liên kết nghề nghiệp của các doanh nghiệp khai thác cảng biển, cùng hợp tác, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong chiến lược phát triển của mình, Cảng Hải Phòng chú trọng mở rộng và phát triển các dịch vụ logistics, liên doanh liên kết với các đối tác, khách hàng lớn nhằm cung cấp dịch vụ trọn gói, hợp lý hóa tổ chức vận tải cho khách hàng, giảm thiểu chi phí logistics, nâng cao tính cạnh tranh của Cảng Hải Phòng và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước.

Ông Nguyễn Tường Anh,  Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng phát biểu khai mạc đại hội
Ông Nguyễn Tường Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng phát biểu khai mạc đại hội

Trình bày báo cáo tại Đại hội, ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, trong gần 5 năm (từ 2016 đến 2019), hàng hoá thông qua cảng biển tăng 66% về tổng sản lượng và 56% về hàng container, bình quân mỗi năm tăng hơn 14%. Khối lượng hàng nhập/xuất qua các cảng VPA trong năm 2019 đạt khoảng 334 triệu tấn (tăng 14% so với 2018). Trong đó, hàng container đạt khoảng 15,6 triệu TEU (tăng gần 12%); 7 tháng năm 2020 hàng container tiếp tục tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2019 ngay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Đoàn Chủ tịch điều hành đại hội
Đoàn Chủ tịch điều hành đại hội

Một trong những vấn đề chính của cảng biển Việt Nam hiện nay được thảo luận đại hội, đó là sự phát triển không đồng bộ giữa cảng biển với cơ sở hạ tầng luồng lạch, hành lang giao thông đường bộ kết nối với hậu phương và chuỗi dịch vụ logistics hỗ trợ đi kèm. Quy hoạch phát triển cảng biển theo 6 nhóm cảng chưa có cơ chế phối kết hợp giữa những địa phương trong từng nhóm cảng để bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả cao nhất.

Từ năm 2016 đến nay, giá dịch vụ cảng biển tiếp tục bị cạnh tranh, giảm thêm dưới áp lực của các hãng tàu biển nước ngoài, kể cả các liên doanh có vốn đầu tư của hãng tàu. Hiện nay, giá dịch vụ khai thác container của cảng biển Việt Nam cao nhất chỉ bằng 47% so với phí THC (phụ phí xếp dỡ tại cảng) của hãng tàu. Giá làm hàng container vận chuyển nội địa chỉ bằng 13% THC. Cho đến nay, giá dịch vụ hạ tầng cảng biển phục vụ cho cho vận tải nội địa bị ép xuống mức thấp nhất. Do đó, cần có cơ chế và những giải pháp mang tính đột phá để bảo đảm tính đồng bộ, phối kết hợp liên ngành, liên vùng trong quy hoạch và thu hút đầu tư thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển một cách hiệu quả và bền vững, vừa bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư nhưng vẫn bảo đảm được chủ quyền và đạt được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế biển của quốc gia.

Mới đây, thành phố Hải Phòng đã có Tờ trình số 145/TTr-UBND gửi Bộ Xây dựng trình thẩm định điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, sẽ mở rộng quy hoạch khu bến Lạch Huyện về phía Tây, tăng diện tích từ 600 ha với chiều dài cảng 10 km theo quy hoạch kỳ trước lên thành 2.000 ha với chiều dài cảng 55 km, công suất dự báo khoảng 110 triệu TEU. Bổ sung cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 và 3 và các tuyến đường sắt phục vụ khu bến Lạch Huyện. Thành phố cũng xác định việc kế thừa vị trí và đề nghị chuyển đổi chức năng cảng Nam Đồ Sơn thành cảng dân dụng (có thể chuyển đổi sang cảng quân sự khi cần); bổ sung cảng hàng lỏng và cảng tổng hợp tại đảo Cái Tráp; cảng Văn Úc tại cửa sông Văn Úc (huyện Tiên Lãng); kế thừa khu bến Đình Vũ, bổ sung các bến phục vụ hàng tổng hợp, container, xăng dầu, tiếp nhận tàu trọng tải tới 20.000 tấn.

“Với những kết quả đạt được và định hướng trên, tương lai phát triển của hệ thống cảng biển Hải Phòng còn rất rộng mở, có rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực cảng biển, logistics đến và đầu tư và thành phố. Đó là niềm tự hào và sự khẳng định rõ ràng, chắc chắn nhất cho vị thế cảng biển Hải Phòng, vị thế của thành phố Hải Phòng. Là bệ đỡ để Hải Phòng phát triển đột phá, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đề ra”, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng khẳng định tại Đại hội.

Ban Chấp hành Hiệp hội Cảng biển Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2021 - 2025 ra mắt tại Đại hội. Ảnh: An Đăng
Ban Chấp hành Hiệp hội Cảng biển Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2021 - 2025 ra mắt tại Đại hội. Ảnh: An Đăng

Đại hội đã tiến hành bầu ra Ban Chấp hành gồm 18 thành viên. Kết quả, ông Lê Công Minh tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam khóa IX; ông Hồ Kim Lân cũng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hải Phòng nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Rào 3
UBND thành phố Hải Phòng đang tiến hành việc nghiên cứu xây dựng cầu Rào 3, và tuyến đường trục đô thị nối từ quận Lê Chân qua quận Dương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư