Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đại hội VPBank: Lợi nhuận 5 tháng đạt 50% kế hoạch năm, không chia cổ tức
T.L - 29/05/2020 16:33
 
Chiều nay (29/5), Ngân hàng TMCP VPBank (HOSE: VPB) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.
f
Năm 2020 VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế khoảng 10.214 tỷ đồng.

Hết tháng 6/2020, lợi nhuận sẽ vượt 6.000 tỷ đồng

Báo cáo tại Đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, đầu năm nay, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng rất tham vọng: Lợi nhuận trước thuế đạt 13.500 - 14.000 tỷ đồng, tăng 29%. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra buộc ngân hàng phải điều chỉnh kế hoạch.

Theo kế hoạch mới được trình ĐHCĐ, năm nay, VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế khoảng 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% so với năm 2019. Trong đó, lợi nhuận ngân hàng mẹ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 15%, song lợi nhuận của FE Credit sẽ điều chỉnh giảm nhẹ bởi quan điểm phát triển thận trọng, có thể phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.

Các chỉ tiêu tăng trưởng khác trong năm 2020 của ngân hàng hợp nhất vẫn tiếp tục tăng như quy mô tổng tài sản dự kiến đạt mức 425.132 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2019; tăng trưởng tín dụng 12,3%; huy động vốn tăng 10,4%...

“Con số lợi nhuận giảm 1,1% so với năm ngoái có thể sẽ khiến cổ đông buồn, song đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn trong khủng hoảng là điều quan trọng nhất. Dù vậy, ban lãnh đạo ngân hàng nhận thức được rằng, nếu tình hình diễn biến tích cực, chúng tôi sẽ quyết tâm đạt được kết quả cao hơn. Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận như hiện nay, nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, khả năng năm nay lợi nhuận đạt được sẽ cao hơn 10-20% so với mục tiêu lợi nhuận trình ĐHCĐ. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để mang lại hiệu quả cao nhất cho cổ đông”, ông Vinh nói.

Con số được CEO VPBank đưa ra tại Đại hội cho thấy, cuối quý I/2020, lợi nhuận VPBank đạt hơn 2.900 tỷ đồng, song đến cuối tháng 4/2020 đã đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Tại thời điểm ĐHCĐ, lợi nhuận ngân hàng đã vượt 5.100 tỷ đồng – bằng 50% kế hoạch cả năm và dự kiến sẽ đạt 6.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2020.

Năm 2019 là năm thành công của VPBank khi lần đầu tiên lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng, thuộc Top 2 ngân hàng TMCP tư nhân có lợi nhuận cao nhất; Tái cấu trúc đạt nhiều thành công (tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng doanh thu chỉ còn 33,9%); Giải quyết dứt điểm nợ xấu  tại VAMC; Là một trong 4 ngân hàng đầu tiên hoàn thành 3 trụ cột Basel II…   

10 năm lợi nhuận tăng 27 lần

Tại đại hội, cổ đông VPBank sẽ bỏ phiếu để bầu ra Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2020 - 2025.

Danh sách ứng cử vào Hội đồng quản trị của VPBank có 5 ứng viên, trong đó 4 ứng viên cũ là: ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch), ông Bùi Hải Quân (Phó chủ tịch), ông Lô Bằng Giang (Phó chủ tịch), ông Nguyễn Đức Vinh (thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc) và một người mới là ông Nguyễn Văn Phúc - ứng cử vào vị trí thành viên HĐQT độc lập.

Ông Phúc được bầu thay thế cho ông Nguyễn Văn Hảo, thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ hiện tại.

Trong 10 năm qua, với 2 nhiệm kỳ liên tục, HĐQT VPBank đã khiến ngân hàng này hoàn toàn lột xác, hầu hết các chỉ tiêu của VPBank từ tổng tài sản, dư nợ tín dụng, huy động vốn… đều tăng 14-16 lần. Từ vị trí Top 15, VPBank vươn lên Top 5 ngân hàng có quy mô lớn nhất về tổng tài sản, dư nợ cho vay, tiền gửi…

Đặc biệt, chất lượng tăng trưởng của VPBank thể hiện rõ hơn qua doanh thu, lợi nhuận. Cụ thể, trong 10 năm qua, doanh thu của ngân hàng tăng 39 lần, đạt 36.000 tỷ đồng cuối năm 2019, đứng đầu trong khối ngân hàng TMCP tư nhân. Tương tự, lợi nhuận của VPBank trong 10 năm qua cũng tăng tới 27 lần. Các chỉ số sinh lời như ROA, ROE… đều nằm trong top ngân hàng dẫn đầu hệ thống, cho thấy chiến lược phát triển 10 năm qua của VPBank đã mang lại hiệu quả.

Từ một ngân hàng cho vay, từ năm 2018, VPBank đã có sự chuyển hướng về chiến lược và đang trở thành một trong những ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất thị trường, mang lại trải nghiệm hấp dẫn với khách hàng, tạo hình ảnh một ngân hàng đa năng hoàn chỉnh.

Đến nay, VPBank là ngân hàng có số lượng khách hàng cá nhân lớn nhất trong số ngân hàng TMCP tư nhân với hơn 10 triệu khách hàng (bao gồm cả khách hàng của FE Credit), là ngân hàng có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn nhất thị trường, phát hành thẻ tín dụng lớn nhất thị trường và cũng là ngân hàng dẫn đầu về chi tiêu thẻ tín dụng… Năm 2019,  VPBank là ngân hàng có doanh thu dịch vụ ngoài lãi lớn nhất khối ngân hàng TMCP cổ phần tư nhân.

Tổng giám đốc VPBank cho rằng, điểm yếu của VPBank hiện nay là chi phí vốn còn tương đối cao. Chi phí vốn cao chủ yếu do xuất phát từ khẩu vị cho vay của ngân hàng chấp nhận phân khúc cho vay khá rủi ro. Tuy vậy, nhờ NIM thuộc top cao nhất thị trường, VPBank vẫn có hiệu quả tốt. Cuối năm 2019, NIM của VPBank là  9,7%, cao gấp đôi NIM trung bình của các ngân hàng “đồng lứa”. Riêng NIM của ngân hàng mẹ vừa qua dù đã giảm song vẫn duy trì ở mức 4,7-5%, NIM hợp nhất là trên 6%, cao hơn mặt bằng chung toàn ngành. Dù vậy, lãnh đạo VPBank vẫn đặt mục tiêu đa dạng hóa huy động để giảm chi phí vốn đầu vào.

Không chia cổ tức, có thể giảm room vốn ngoại xuống 15%

Tại ĐHCĐ diễn ra chiều nay, lãnh đạo VPBank đã đưa ra một số đề xuất để trình ĐHCĐ thông qua.

Về cổ tức, mặc dù kết thúc năm 2019, ngân hàng vẫn còn lợi nhuận chưa phân phối là hơn 7.000 tỷ đồng, song lãnh đạo ngân hàng dự kiến không chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu, mà trình cổ đông giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2019 để tăng vốn chủ sở hữu. Cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của VPBank đã vượt 42.000 tỷ đồng, trong khoảng Top 5 ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất thị trường.

Hội đồng quản trị (HĐQT) VPBank cũng trình phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP) năm 2020. Tổng số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 17 triệu cổ phiếu, giá bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng với mức giải tỏa tối đa là 30% sau 1 năm, 35% sau 2 năm và 35% sau 3 năm.

Ngoài ra, HĐQT VPBank cũng kiến nghị cổ đông ủy quyền cho HĐQT linh hoạt mua lại cổ phiếu quỹ tùy theo diễn biến thị trường.

Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (hiện trên 20%), HĐQT đề xuất, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài bán bớt cổ phiếu đến đâu, ngân hàng sẽ giảm “room” đến đó, dự kiến giảm xuống 15% để giành cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài khác.

Sau Be, Shopee và Sendo, đến lượt Tiki cam kết hỗ trợ cho tiểu thương VPBank
Tiếp nối Be, Shopee và Sendo, Tiki trở thành đối tác thứ 4 của VPBank tham gia hỗ trợ cho học viên trong chương trình đào tạo Học viện Tiểu thương...
Bình luận bài viết này
  • vân 06:43 | 30-05-2020
    Đừng phát hành cổ phiếu thì chả cần chia cho ai cả
Xem thêm trên Báo Đầu Tư