Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đại tá Anh hùng chia sẻ nỗi đau da cam
Quý Hưng - 22/12/2014 13:11
 
() Nhìn đồng đội và con cháu đồng đội giữa hòa bình vẫn đang quằn quại với bệnh tật, nghèo khổ, bất hạnh, mình không thể yên lòng nghỉ ngơi được - Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội nạn nhân Chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Doanh nhân Việt và tinh thần “hiệp đồng tác chiến”
Quân đội Nhân dân Việt Nam không để Tổ quốc bất ngờ trong mọi tình huống
Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng

10 năm "nằm vùng"chiến đấu giúp bạn Lào

Đại tá, Anh hùng Nguyễn Đức Hạnh không thể quên cái ngày đầu năm 1959, trong đợt nghĩa vụ quân sự đầu tiên của tỉnh Thái Bình, ông đã xung phong nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, tân binh Hạnh được cử đi đào tạo hạ sĩ quan pháo binh và được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.

Ông cũng không quên những ngày tháng trong cương vị Chính trị viên Đại đội, chỉ huy nhiều trận đánh ác liệt, trong đó có trận Phông Ngư bảo vệ điểm chốt  - cửa ngõ vào Quân khu cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng nước bạn Lào.

Chủ tịch Hội nạn nhân Chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình Nguyễn Đức Hạnh:
Đại tá Nguyễn Đức Hạnh (bên trái) vẫn miệt mài với các hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Nhưng kỷ niệm khắc sâu, máu thịt là 10 năm biệt phái, “nằm vùng” hoạt động trong lòng địch giúp nước bạn Lào. Cuối năm 1965, Nguyễn Đức Hạnh lại được giao làm chính trị viên 1 đội 65 cán bộ chiến sỹ, với mật danh là S3 để tung vào hậu địch Thủ đô Viên Chăn, hỗ trợ các bạn Lào…

Ông kể, đằng đẵng 3 tháng mang vác hành quân bộ vượt qua bao đèo cao, suối sâu và nhiều phòng tuyến của địch, S3 đã vào tới vùng núi cao nơi người H'mông sinh sống để lập căn cứ du kích, làm bàn đạp phát triển cơ sở xuống vùng đồng bằng .

Bà con dân tộc H'mông sống trên núi cao thiếu thốn, khó khăn mọi thứ, Nguyễn Đức Hạnh cùng cán bộ chiến sĩ dành lương khô, muối và thuốc chữa bệnh cho cụ già và trẻ em, còn mình phải đào củ mài, củ sắn, củ khoai ăn thay gạo, thậm chí phải lấy củ nâu đem ngâm cho bớt nhựa chát rồi đồ lên để ăn cho đầy bụng. Từ đó, bà con dân tộc càng thương, càng quý, càng ra sức giúp đỡ bộ đội Bác Hồ xây dựng vùng căn cứ cách mạng.

Phát hiện có lực lượng của ta, địch cho máy bay đến đánh phá, thả cả chất diệt cỏ để phá hủy nương rẫy, rồi dùng máy bay trực thăng đổ quân xuống càn quyét. S3 chỉ có 65 cán bộ chiến sĩ với súng tiểu liên, AK, B40, B41 cùng đạn dược đem theo, trong khi đó lực lượng địch rất đông và được trang bị mạnh.

Trước tình hình đó, Chính trị viên Hạnh và Ban chỉ huy được sự hậu thuẫn của bà con dân tộc đã vận dụng chiến thuật du kích để đánh địch. Địch cứ ra khỏi khu vực cắm trại là bị ta phục kích bắn tỉa, bị mắc vào hầm chông, cạm bẫy rình rập khắp nơi. S3 đã đánh thắng nhiều trận càn của địch như trận ở Phu Nhom, trận ở núi Phu Nuôt, trận ở Nam Lấc. Buộc địch ở trên cao thả dù tiếp tế, S3 lại lấy được vũ khí của địch trang bị cho mình. Địch phải co cụm, ăn không ngon, ngủ không yên, lực lượng bị tiêu diệt dần, cuối cùng phải rút chạy. Ta không những bảo toàn vùng căn cứ mà còn tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn rơi 1 máy bay trực thăng.

Cựu chiến binh Hạnh cũng  không quên những tháng ngày đầy khó khăn, nguy hiểm, từ vùng căn cứ xuống núi xây dựng cơ sở cách mạng tại đồng bằng quanh Thủ đô Viên Chăn. Mưa dầm thấm đất, hàng chục, hàng chục cơ sở cách mạng ở ven Quốc lộ 10 và 13 cùng lực lượng lãnh đạo và du kích ngầm ở 5 huyện Viên Chăn Nua, Viên Chăn Tay, Na Feng, Nhọt Ngừm, Pac Xgua đã được được hình thành và ngày một lớn mạnh, giúp lực lượng của ta "bám dân, bám đất, bám địch", võ trang tuyên truyền đánh các đồn Na Tàn, Hà Kiểng, Na Feng…diệt hàng trăm tên ác ôn, hậu phương của chính quyền ngụy Lào không yên ổn, luôn phải đối phó và phân tán lực lượng chống đỡ.  

Một chiến công nữa của S3 là đã che chở, chỉ đường, dẫn lối cho đặc công của ta đánh 2 mục tiêu quan trọng là Tổng kho 21 trên đường 13, phá 5.000 tấn vũ khí đạn dược và cứ điểm núi Ngà Then trên đường 10, diệt 50 tên địch, thu nhiều súng đạn. Bên cạnh đó, S3 còn thường xuyên cung cấp cho cấp trên nhiều tin tức quan trọng và làm nòng cốt cho lực lượng quần chúng nổi dậy, hậu thuẫn cho quân ta tiếp quản giải phóng Viên Chăn.

Một kỷ niệm không thể nào quên là vào năm 1973, được gọi ra Hà Nội nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, Chính trị viên Hạnh tranh thủ về thăm nhà thì thật bất ngờ và đau xót, vợ đã mất vì bị bệnh nặng, 2 đứa con nhỏ bơ vơ phải ở với người bác. Nhưng chỉ ít ngày sau, trước yêu cầu cấp bách của chiến trường, ông lại tạm biệt 2 con nhỏ, khoác ba lô trở lại vùng căn cứ Lào chiến đấu cho đến ngày nước bạn toàn thắng.

Hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam/ dioxin

Dẫn tôi đi thăm toàn bộ cơ ngơi của Hội nạn nhân chất độc da cam /dioxin Thái Bình, Chủ tịch hội Nguyễn Đức Hạnh tâm sự: “Sau bao năm chiến đấu và phục vụ quân ngũ, tôi muốn nghỉ ngơi nhưng nhìn đồng đội và con cháu đồng đội giữa hòa bình vẫn đang phải đối mặt với bệnh tật, nghèo khổ, bất hạnh, hậu quả của chất độc dam cam/dioxin gây ra, là một người lính từng vào sinh ra tử, mình không thể yên lòng nghỉ ngơi được. Hơn nữa, Thái Bình là một tỉnh có tới  3,4 vạn người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.”

Với tâm niệm ấy, suốt 10 năm qua, người cựu chiến binh này đã lao vào công tác xã hội, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc nạn nhân da cam. Ông đã cùng lãnh đạo Hội xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả hệ thống Hội từ tỉnh tới cơ sở và là một Hội luôn trong tốp dẫn đầu cả nước về hoạt động Hội.

Ông đã cùng các cấp Hội ở Thái Bình đã vận động các doanh nghiệp được trên 40 tỷ và ký kết phối hợp với các cơ quan ban ngành, đoàn thể đồng hành chăm sóc giúp đỡ nạn nhân. Nguồn lực trên đã giúp trên 400 gia đình nạn nhân da cam xây, sửa nhà ; trợ cấp, tặng quà cho trên 20 ngàn lượt nạn nhân; cấp 500 xe lăn, xe lắc, ghế bại não, hàng trăm máy trợ thính và hàng trăm máy bơm nước; khám, cấp trên 60 ngàn thang thuốc Bắc; cấp thuốc Tây cho trên 4000 gia đình miễn phí; tặng trên 200 quạt điện, 120 giường nằm, hàng ngàn chăn, quần áo ấm... khám phẫu thuật chỉnh hình cho hàng trăm các cháu, đưa hàng trăm CCB - nạn nhân đi  phục hồi chức năng; tổ chức dạy và giới thiệu việc làm cho gần 500 con cháu nạn nhân da cam.

Từ hai bàn tay trắng, sau 5 lần chuyển dời, nay Hội nạn nhân chất độc da cam /dioxin Thái Bình đã có cơ ngơi làm việc khang trang với  3 trung tâm, trong đó có Trung tâm tẩy độc đầu tiên của cả nước đã tẩy độc cho trên 1.000 cựu chiến binh - nạn nhân chất độc da cam/dioxin, giúp họ cải thiện sức khỏe, hòa nhập cộng đồng . Ngoài ra, Trung tâm còn chuyển giao chuyên môn tẩy độc cho cán bộ y bác sĩ của cơ quan Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam /dioxin Việt Nam và các tỉnh bạn, góp phần dần tạo ra hệ thống trung tâm tẩy độc cho nạn nhân da cam cả nước.

Còn trong tôi dấy lên niềm xúc động về hình ảnh người cựu binh già 76 tuổi Nguyễn Đức Hạnh nhưng vẫn đang “nhịp bước quân hành” để  chia sẻ bao mảnh đời da cam bất hạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư