Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Dần “cởi trói” cho mua sắm vật tư y tế
Dương Ngân - 13/03/2023 08:01
 
Tình trạng bệnh nhân phải vật vã chờ mổ, bác sĩ bất lực nhìn bệnh nhân chuyển nặng sẽ được cải thiện, song để giải quyết căn bản, vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Người bệnh được lợi, bệnh viện thở phào

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trung bình mỗi ngày, Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình mổ cho 40-45 trường hợp, nhưng ngày 1/3/2023 chỉ còn đủ vật tư, hóa chất để mổ 20 ca. Một bác sĩ cho hay, theo lịch mổ, anh sẽ phẫu thuật cho 19 bệnh nhân, nhưng vật tư, hóa chất chỉ đủ để mổ cho 9 bệnh nhân, những trường hợp khác được tư vấn chờ.

Các bác sĩ lo ngại, việc hoãn mổ có thể khiến bệnh nhân nhẹ chuyển dần sang nặng. Chẳng hạn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân 70 tuổi gãy cổ xương đùi, cần phải mổ trong vòng 1-2 tuần, nếu không, sẽ bị loét do tì đè, bệnh nhân có thể tử vong do bội nhiễm phổi.

Ngoài việc tiếp nhận người bệnh vào thẳng khám và cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức còn phải tiếp nhận bệnh nhân nặng do tuyến dưới chuyển lên. Các bác sĩ đã cố gắng khắc phục tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị thiết yếu trong một thời gian dài, mà không thể yêu cầu bệnh nhân mua vật tư, hóa chất ở ngoài mang vào. Nhiều ca mổ nội soi cần 3-4 dụng cụ, các bác sĩ phải tận dụng đồ cũ hấp lại, hoặc dùng đồ cá nhân của mình, song ngay cả những đồ như vậy cũng không còn nhiều.

Nếu có những văn bản pháp quy rõ ràng, công khai, minh bạch, các bệnh viện sẽ hoạt động trơn tru. Khi nghị quyết được ban hành, bệnh viện sẽ thực hiện đúng nghị quyết, không lợi dụng việc tháo gỡ của nghị định để vụ lợi, mà phải tuân thủ đúng pháp luật.

- PGS-TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Điều đáng nói, tình trạng trên không phải là cá biệt, mà tồn tại ở hầu hết bệnh viện công lập trong gần hai năm qua, mọi biện pháp được đưa ra chưa giải quyết được triệt để. Thiếu thuốc, vật tư y tế khiến người bệnh khốn khổ, trong khi nhiều bệnh viện không dám đấu thầu, mua sắm vật tư vì liên quan đến quy định 3 báo giá.

Ngày 3/3, Chính phủ ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP thay thế Nghị định 98/2021/NĐ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhập khẩu trang thiết bị y tế. Ngày 4/3 vừa qua, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP tháo gỡ việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hướng dẫn sử dụng và chi trả bảo hiểm y tế cho máy mượn, máy đặt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, Nghị quyết số 30/NQ-CP có hiệu lực ngay khi ban hành nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, kịp thời mở ra cơ chế đáp ứng nguồn cung cầu về thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất…, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế hiện nay.

Nghị quyết số 30/NQ-CP cũng là căn cứ để các bộ, ngành, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất và các nhà quản lý các cấp, lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ các bên, góp phần đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế nhằm phục vụ tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Còn nhiều việc phải làm

Một trong các quy định mới mà lãnh đạo các cơ sở y tế cho là sẽ cởi trói cho việc đấu thầu mua sắm vật tư y tế là không cần phải tham khảo 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau. Bên cạnh đó, với việc tự động gia hạn giấy phép nhập khẩu, các bệnh viện có thể nhập thiết bị y tế dễ dàng hơn. Chẳng hạn, với những vật liệu trong hệ thống máy ECMO (tim phổi nhân tạo) nằm ở cảng lâu nay, các bệnh viện sẽ sớm có thiết bị để điều trị cho bệnh nhân.

Theo PGS-TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, sau khi Chính phủ ban hành 2 văn bản nêu trên, Bệnh viện đã bắt tay ngay vào thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất theo quy định mới. Nghị quyết 30/NQ-CP cho phép các máy móc đã hết hạn hợp đồng liên doanh, liên kết, còn sử dụng được, chưa cần phải thực hiện thủ tục làm sở hữu toàn dân, được xem xét đưa vào sử dụng và bảo hiểm y tế vẫn thanh toán.

“Quy định này đã ‘cởi trói’ cho Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế khác”, PGS-TS. Đào Xuân Cơ nói và cho hay, Bệnh viện đang rà soát từng thiết bị xem sau thời gian dừng hoạt động cần phải khắc phục, sửa chữa như thế nào để đưa vào phục vụ khám, chữa bệnh.

Với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, theo GS-TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện, với việc Nghị định 07/NĐ-CP được ban hành, tình trạng thiếu vật tư, hóa chất đã được giải quyết. Bên cạnh đó, Chính phủ cho phép, sau khi đấu thầu mua hóa chất công khai, các bệnh viện được dùng máy của đơn vị bán hóa chất mang đến và được thanh toán bảo hiểm y tế cho bệnh nhân. Các máy cho, tặng, biếu cũng được đưa vào tài sản công dù chưa xác lập được sở hữu.

Tuy chính sách mới đã tạo thuận lợi hơn cho các bệnh viện, nhưng theo GS-TS. Trần Bình Giang, Nghị quyết 30/NQ-CP chỉ là giải pháp cấp bách. Về lâu dài, các bộ, ban, ngành cần xây dựng văn bản pháp quy có tính chất căn cơ trong công tác mua sắm đấu thầu, sửa đổi các thông tư, nghị định cũ, xây mới quy định về đấu thầu.

Về phía ngành y tế, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng, các cơ quan liên quan cần tiếp tục xây dựng văn bản pháp quy tạo thuận lợi cho việc mua sắm mang tính chất chuyên ngành, chứ không áp dụng mua sắm thuốc hóa chất, vật tư, thiết bị như mua sắm hàng hóa thông thường.

Trong khi đó, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị, cùng với việc ban hành nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan sớm ban hành thông tư, nghị định về vấn đề quản lý mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất tại các bệnh viện.

Giá thiết bị y tế sẽ được quản lý ra sao?
Cùng với thuốc, thiết bị y tế là mặt hàng đang được quan tâm liên quan tới công tác quản lý giá trong lĩnh vực.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư