Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dán nhãn tiết kiệm năng lượng: Doanh nghiệp trì hoãn
Thanh Hương - 01/03/2013 17:10
 
Thời điểm bắt buộc dán nhãn năng lượng của các sản phẩm liên quan theo Quyết định 51/2011/QĐ-TTg đã phải lùi lại từ 6 tháng đến 1 năm, bởi cơ quan quản lý không lường hết khối lượng công việc phải làm, trong khi doanh nghiệp có ý trì hoãn thực hiện.
TIN LIÊN QUAN

Có không ít vướng mắc đối với việc nhập khẩu các sản phẩm phải dán nhãn tiết kiệm năng lượng

Theo Bộ Công thương, chương trình dán nhãn năng lượng có mục tiêu nhắm tới là 17 loại phương tiện, thiết bị tiêu thụ năng lượng trong các lĩnh vực gia dụng, thương mại, công nghiệp và giao thông vận tải. Tương ứng với mỗi loại phương tiện, thiết bị, lại có tới hàng chục dòng sản phẩm, chủng loại. Vì vậy, khối lượng công việc liên quan đến dán năng lượng cho các thiết bị theo quy định là rất lớn.

“Chưa kể, trên thị trường có nhiều dòng sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu, số lượng doanh nghiệp kinh doanh với hệ thống phân phối lớn, rộng khắp nước, nên việc triển khai có số lượng lớn, khó khăn với nhiều đối tượng liên quan”, báo cáo của Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ nhận định và đề nghị lùi thời hạn dán nhãn tiết kiệm năng lượng so với lộ trình đưa ra trước đó (từ ngày 1/1/2013) và đã được Chính phủ phê duyệt.

Điểm đáng nói khác là, dù theo Bộ Công thương, các phòng thử nghiệm phục vụ dán nhãn năng lượng như Quatest 1, Quatest 3 và Chi cục Đo lường chất lượng TP.HCM đều được trang bị đủ năng lực về thiết bị, con người, đủ đáp ứng yêu cầu thử nghiệm dán nhãn. Tuy nhiên, hai mặt hàng là máy lạnh và tủ lạnh vẫn thiếu cơ quan thử nghiệm, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình thử nghiệm mẫu. Bộ Công thương đã chỉ định bổ sung 2 phòng thử nghiệm ở Thái Lan và Hàn Quốc, nhằm đáp ứng yêu cầu dán nhãn cho hàng hóa nhập khẩu.

Đã hoàn thành dán nhãn năng lượng đúng hạn ngày 1/1/2013 cho tất cả các dòng sản phẩm điều hòa nhiệt độ được sản xuất trong năm 2013 và một số dòng đã sản xuất trong năm 2012, ông Roh Yun Ho, Giám đốc Ngành hàng Điều hòa nhiệt độ của LG tại Việt Nam cho hay, ngoài việc kiểm tra sản phẩm trong nước, LG đã chủ động thực hiện việc kiểm tra sản phẩm tại các phòng thí nghiệm ở nước ngoài.

Tuy nhiên, những đơn vị chủ động như LG chưa nhiều. Ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận xét, có nhiều doanh nghiệp có xu hướng trì hoãn thực hiện dán nhãn năng lượng, chờ đợi xem năng lực quản lý, thực hiện chương trình dán nhãn của cơ quan chức năng ra sao. Tâm lý chờ đợi này dẫn tới hiện tượng doanh nghiệp chỉ quan tâm tới việc dán nhãn khi thời hạn bắt buộc cận kề, gây tình trạng ùn tắc hồ sơ tại cơ quan đăng ký, dẫn tới khó kiểm tra, thử nghiệm để xử lý và cấp giấy chứng nhận kịp thời hạn.

Việc nhập khẩu các sản phẩm thuộc danh mục phải dán nhãn tiết kiệm năng lượng cũng có nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho hay, Quyết định 51/2011/QĐ-TTg quy định, không được nhập các thiết bị có hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. Tuy nhiên, không có căn cứ nào để hải quan xác định, so sánh được mức hiệu suất năng lượng tối thiểu khi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa có yêu cầu dán nhãn năng lượng và cũng không biết căn cứ nào để xử lý nếu hàng hóa không đạt yêu cầu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư