Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đắng chát vụ đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Anh Minh - 22/01/2019 08:32
 
Sẽ cần ít nhất một phiên tòa nữa để giải tỏa những ấm ức của bên bán và bên mua trong vụ đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
.
.

Đáo tụng đình

Bản án sơ thẩm số 2706/2018/KDTM-ST của Tòa án Nhân dân (TAND) quận Bình Thạnh (TP.HCM) về vụ tranh chấp hợp đồng mua bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương chưa thể làm hài lòng cả bên mua, đồng thời là nguyên đơn - Công ty CP Tập  đoàn Yên Khánh và bên bán, đồng thời là bị đơn - Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết, đã gửi báo cáo đến Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về nội dung bản án sơ thẩm, đồng thời đề xuất thực hiện quyền kháng cáo để bảo vệ quyền lợi của bên bán.

Trước đó, vào ngày 28/12/2018, TAND quận Bình Thạnh đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm thụ lý số 1532/2018/TLST-KDTM ngày 17/8/2018 về tranh chấp Hợp đồng mua bán quyền thu phí theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 516/2018/QĐXXST-KDTM ngày 16/11/2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 385/2018/QĐST-KDTM ngày 4/12/2018 để lùi ngày xét xử tới 28/12/2018.

Theo Bản án số 2706/2018/KDTM-ST, TAND quận Bình Thạnh chấp thuận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Yên Khánh và buộc Tổng công ty Cửu Long thanh toán cho bên mua 127,5 tỷ đồng bao gồm tiền thuế VAT mà đơn vị này đã nộp thay cho Nhà nước nằm ngoài điều kiện hợp đồng (gồm cả tiền phạt chậm nộp thuế) là 117,479 tỷ đồng và tiền lãi tính đến ngày 25/12/2018 là 6,824 tỷ đồng; tiền bù do thi công hệ thống quản lý giao thông thông minh - ITS là 2,39 tỷ đồng, tiền lãi phát sinh từ ngày 5/2/2015 đến 25/12/2018 là 0,85 tỷ đồng.

TAND quận Bình Thạnh tuyên Tổng công ty Cửu Long phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền đầy đủ làm một lần cho Công ty Yên Khánh số tiền 127,5 tỷ đồng ngay khi Bản án có hiệu lực pháp luật. Kể từ ngày Công ty Yên Khánh có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Tổng công ty Cửu Long không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả số tiền nêu trên, thì hàng tháng, Tổng công ty Cửu Long còn phải trả cho Công ty Yên Khánh số tiền lãi theo quy định tại Điều 468, Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án tại thời điểm thanh toán.

Trong khi đó, trái với mong muốn của bên bán, TAND quận Bình Thạnh chỉ chấp thuận 1 phần yêu cầu phản tố của bị đơn và buộc nguyên đơn phải thanh toán số tiền 160,33 tỷ đồng cho Tổng công ty Cửu Long do lỗi chậm thanh toán theo quy định của Hợp đồng. Công ty Yên Khánh phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền đầy đủ một lần cho Tổng công ty Cửu Long số tiền 160,33 tỷ đồng ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày Tổng công ty Cửu Long có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty Yên Khánh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả số tiền nêu trên, thì hàng tháng, Công ty Yên Khánh còn phải trả Tổng công ty Cửu Long số tiền lãi theo quy định tại Điều 468, Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án tại thời điểm thanh toán.

Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Thành Đô (Hà Nội) - bên cung cấp bảo lãnh thực hiện hợp đồng mua bán quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong phạm vi số tiền bảo lãnh không vượt quá 100,2 tỷ đồng, khi Công ty Yên Khánh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả tiền cho Tổng công ty Cửu Long đối với số tiền 160,33 tỷ đồng ngay khi Bản án có hiệu lực pháp luật.

Điều đáng nói là, TAND quận Bình Thạnh không chấp thuận 1 phần yêu cầu phản tố của Tổng công ty Cửu Long đối với 176 tỷ đồng tiền lãi chậm thanh toán mà bên bán yêu cầu Công ty Yên Khánh phải trả. Tổng công ty Cửu Long được quyền khởi kiện Công ty Yên Khánh đối với số tiền này theo quy định pháp luật bằng vụ án dân sự khác.

TAND quận Bình Thạnh không cho cấn trừ vì các đương sự bao gồm Công ty Yên Khánh và BIDV Chi nhánh Thành Đô không đồng ý cấn trừ. Án phí mà Công ty Yên Khánh phải chịu là 268 triệu đồng và phía Tổng công ty Cửu Long phải chịu là 448 triệu đồng.

Thất bại toàn diện

Được biết, năm 2013, Tổng công ty Cửu Long được Bộ GTVT giao ký kết và quản lý Hợp đồng mua bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (Hợp đồng số 4746) trị giá 2.004,1 tỷ đồng, được thực hiện từ ngày 1/1/2014 - 31/12/2018 với bên mua (thông qua đấu giá) là Công ty Yên Khánh. Tại Hợp đồng số 4746, bằng Thư bảo lãnh số 1513600014094, BIDV - Chi nhánh Thành Đô nhận bảo lãnh hợp đồng cho Công ty Yên Khánh với số tiền là 100,2 tỷ đồng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán, xử phạt vi phạm hợp đồng và các nghĩa vụ khác của bên B.

Tranh chấp hợp đồng bắt đầu nảy sinh khi trong quá trình thực hiện, Công ty Yên Khánh bị bên bán phạt 264,736 tỷ đồng với lý do chậm thanh toán theo điều khoản hợp đồng. Theo Hợp đồng số 4746, Công ty Yên Khánh phải nộp đủ số tiền bán quyền thu phí là 2.004,1 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước trong 3 đợt và kết thúc nộp đợt cuối vào tháng 10/2014, nhưng thực tế, Công ty Yên Khánh đã nộp thành 15 đợt và kết thúc đợt thanh toán cuối vào ngày 31/3/2017.

Căn cứ quy định Hợp đồng và thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, ngày 30/7/2018, Tổng công ty Cửu Long đã gửi văn bản số 1910/CIPM-TCKT, yêu cầu  BIDV - Chi nhánh Thành Đô thanh toán toàn bộ giá trị bảo lãnh thực hiện hợp đồng với số tiền là 100,2 tỷ đồng, nhằm thu hồi số tiền phạt trên cho ngân sách nhà nước. Ngoài khoản tiền 100,2 tỷ đồng bảo lãnh thực hiện hợp đồng, để thu hồi đủ số tiền phạt, Tổng công ty Cửu Long còn yêu cầu Yên Khánh bàn giao lại quyền thu phí 4 tháng còn lại. 

Trong khi Tổng công ty Cửu Long vẫn còn loay hoay với việc thúc nợ, ngày 17/8/2018, Công ty Yên Khánh bất ngờ khởi kiện bên bán ra tòa. Lý do là bên mua đã thực hiện xong các nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng số 4746 và không có bất cứ hành vi vi phạm hợp đồng nào khác. Công ty Yên Khánh đòi Tổng công ty Cửu Long thanh toán cho bên mua 127,5 tỷ đồng bao gồm tiền thuế VAT (gồm cả tiền phạt chậm nộp thuế) là 117,479 tỷ đồng và tiền lãi tính đến ngày 25/12/2018 là 6,824 tỷ đồng; tiền bù do thi công hệ thống quản lý giao thông thông minh - ITS là 2,39 tỷ đồng, tiền lãi phát sinh từ ngày 5/2/2015 - 25/12/2018 là 0,85 tỷ đồng.

Đúng 10 ngày sau, phía Tổng công ty Cửu Long nộp đơn phản tố gửi tới TAND quận Bình Thạnh, trong đó khẳng định phía Công ty Yên Khánh đã vi phạm quy định về thanh toán được đề cập trong Hợp đồng và đề nghị Tòa tuyên phạt bên mua số tiền phạt chậm thanh toán trị giá 264,7 tỷ đồng tương đương 150% lãi suất cơ bản theo năm do Ngân hàng Nhà nước công bố trên số tiền chậm thanh toán yêu cầu.

Bên bán cũng đề nghị Tòa ra phán quyết yêu cầu BIDV - Chi nhánh Thành Đô thanh toán toàn bộ giá trị bảo lãnh thực hiện hợp đồng với số tiền 100,2 tỷ đồng, nhằm thu hồi số tiền phạt trên cho ngân sách. Vào ngày 11/12/2018, phía Tổng công ty Cửu Long tiếp tục có đơn bổ sung yêu cầu tính lãi do chậm thanh toán số tiền từ ngày 30/12/2013 - 31/3/2017 (thời điểm Công ty Yên Khánh nộp xong tiền mua quyền thu phí) là 176,4 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, phán quyết của TAND quận Bình Thạnh vẫn còn khoảng cách khá xa so với mong muốn của cả bên bị và bên nguyên. Với Tổng công ty Cửu Long, ngoài việc phải theo tiếp một vụ kiện nữa để thu hồi cho ngân sách số tiền 176 tỷ đồng tiền lãi chậm thanh toán mà TAND quận Bình Thuận gác sang một phiên xử khác, bên mua chỉ đạt được 1 phần mục tiêu khi chỉ được nhận số tiền 160,33 tỷ đồng (tương đương mức phạt 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm theo Luật Thương mại 2005).

Trong khi đó, tại phiên tòa, bên mua vẫn một mực khẳng định họ không vi phạm nghĩa vụ thanh toán vì Tổng công ty Cửu Long không gửi văn bản xử phạt trong thời hạn 5 ngày đối với các lần thanh toán trễ như quy định của hợp đồng.

Cần phải nói thêm rằng, mục tiêu lớn nhất của việc bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương chính là việc Nhà nước thu về ngay một khoản tiền lớn để có kinh phí đầu tư cho các dự án hạ tầng khác. Song, việc bên mua thanh toán “lai rai” đến tận tháng 3/2017, đồng thời bị rơi vào cuộc tranh chấp hợp đồng thương mại rất phức tạp, kéo dài, có thể coi là thất bại toàn diện của bên bán trong thương vụ bán quyền thu phí này.

Chưa có phương án thu phí trở lại 

Từ 0h ngày 1/1/2019, toàn bộ hoạt động thu phí trên tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương phải tạm dừng do Hợp đồng bán quyền thu phí tuyến đường này cho Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh hết hiệu lực. Trong khi đó, phương án thu phí mới thay thế vẫn chưa được thông qua.

Cùng ngày, các cơ quan của Bộ Công an cũng phát đi thông báo bắt giữ khẩn cấp Ngô Bá Thắng, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh chi nhánh Long An và 4 người khác để điều tra về hành vi “mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế” tại các trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương có tổng mức đầu tư hơn 9.884 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Tuyến đường dài 62 km, với 6 làn xe, được thiết kế với vận tốc 120 km/giờ. Tuyến đường chính thức thông xe từ ngày 3/2/2010. Mức phí từ 1.000 - 8.000 đồng/km/lượt xe tùy tải trọng, thời gian thu phí trên 20 năm.

Thương vụ bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương: Bên bán, người mua đều nhận trái đắng
Thương vụ bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến thời điểm này có thể coi là trái đắng đối với cả bên bán và bên mua.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư