Chủ Nhật, Ngày 25 tháng 05 năm 2025,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua:
Khởi công Trump International; Duyệt đầu tư hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways
Hạnh Nguyên (tổng hợp ) - 25/05/2025 08:18
 
Dự án Trump International, Hưng Yên chính thức khởi công; Sun Group được chấp thuận chủ trương đầu tư hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways… Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư tuần qua.

An Giang có 4 chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2025

Đến hết tháng 4/2025, An Giang mới giải ngân hơn 1.294 tỷ đồng, đạt 13,07% kế hoạch vốn Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ năm 2024 tới gần 15%. Trong số 22 chủ đầu tư sử dụng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, có 4 đơn vị chưa giải ngân đồng nào, bao gồm Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo, Ban Quản lý Khu kinh tế, Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nguyên nhân chủ yếu do tập trung thanh toán khối lượng năm trước, nhiều dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn đầu năm, thiếu vật liệu, vướng thủ tục điều chỉnh đầu tư, đấu thầu, bồi thường, sáp nhập đơn vị hành chính.

Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Sở Tài chính An Giang cảnh báo việc sắp xếp lại tổ chức chính quyền địa phương và thiếu hướng dẫn cụ thể sẽ khiến công tác giải ngân tiếp tục gặp khó. Cơ quan này đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, đồng thời hướng dẫn các đơn vị chủ động chuyển tiếp công tác quản lý dự án trước thời điểm sáp nhập hành chính, bảo đảm không gián đoạn. Việc tổ chức lại Ban Quản lý dự án cấp huyện thành đơn vị sự nghiệp của tỉnh cần hoàn tất trước 30/6/2025.

Tăng vốn đầu tư quần thể Khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ lên 2 tỷ USD

Chính phủ vừa chấp thuận điều chỉnh dự án quần thể Khu du lịch sinh thái và đô thị Bà Nà - Suối Mơ, nâng tổng vốn đầu tư lên gần 52.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Dự án sẽ tiếp tục phát triển các công trình thương mại, dịch vụ, hơn 7.000 phòng lưu trú, tổ hợp vui chơi giải trí, mở rộng hệ thống cáp treo lên 10 tuyến và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật – xã hội, hướng đến xây dựng điểm đến nghỉ dưỡng, sống và làm việc chất lượng cao.

Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh Dự án quần thể Khu du lịch sinh thái và đô thị Bà Nà - Suối Mơ.
Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án quần thể Khu du lịch sinh thái và đô thị Bà Nà - Suối Mơ.

Việc điều chỉnh không thay đổi ranh giới dự án mà làm rõ các khu chức năng để khai thác hiệu quả hơn, phù hợp với chiến lược phát triển TP. Đà Nẵng. Đây là bước cụ thể hóa quy hoạch Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, trong đó du lịch là một trong ba trụ cột kinh tế.

Sun World Ba Na Hills – hạt nhân của dự án – đã trở thành biểu tượng du lịch của Đà Nẵng và khu vực, với các danh hiệu quốc tế như “Công viên chủ đề hàng đầu châu Á”, “Điểm du lịch biểu tượng thế giới”. Việc mở rộng đầu tư giai đoạn 2 trong 10 năm tới sẽ góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch quốc tế, thành phố biển đáng sống đẳng cấp châu Á.

Lập Hội đồng thẩm định Dự án tuyến metro Bình Dương - Suối Tiên vốn 56.301 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến metro số 1 đoạn Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên, có tổng mức đầu tư khoảng 56.301 tỷ đồng. Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch, với sự tham gia của đại diện các bộ ngành và địa phương liên quan.

Ảnh minh họa. (nguồn: AI).
Ảnh minh họa. (nguồn: AI).

Dự án có chiều dài 29,01 km, kết nối Thành phố mới Bình Dương với tuyến metro số 1 TP.HCM tại Suối Tiên, đi qua 4 thành phố của tỉnh Bình Dương. Tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 120 km/h, với 19 ga. Dự kiến sử dụng tổ hợp vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn hợp pháp khác.

Việc lập Hội đồng thẩm định là bước quan trọng để hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ thông qua, làm cơ sở trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. UBND tỉnh Bình Dương kỳ vọng khởi công dự án vào năm 2027, đưa vào vận hành từ năm 2031, góp phần hình thành mạng lưới giao thông đô thị liên kết vùng giữa Bình Dương và TP.HCM.

Khánh thành cầu Thiên Trường - Nhịp nối quá khứ hào hùng với tương lai hiện đại

Sáng 19/5, đúng dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, TP. Nam Định tổ chức khánh thành cầu Thiên Trường – cây cầu dây văng đầu tiên vượt sông Đào, nối trung tâm thành phố với các khu vực phía Nam. Công trình dài 1,6 km, trong đó phần cầu chính dài 0,8 km, gồm hai trụ tháp cao 31,5 m, thiết kế hiện đại với 9 bó cáp mỗi trụ, tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.

Các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Thiên Trường.
Các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Thiên Trường.

Cầu Thiên Trường là công trình giao thông trọng điểm, góp phần hoàn thiện hạ tầng thành phố, kết nối thuận lợi với Quốc lộ 21B và tuyến đường trục phía Nam, thúc đẩy phát triển các khu đô thị, công nghiệp, thương mại. Tên gọi “Thiên Trường” gợi nhắc về vùng đất phát tích nhà Trần, mang giá trị văn hóa – lịch sử sâu sắc, thể hiện niềm tự hào và bản sắc quê hương.

Không chỉ phục vụ giao thông, cầu còn là điểm nhấn kiến trúc mới của thành phố, với không gian mở, vỉa hè rộng, cảnh quan đẹp, hứa hẹn trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng sống và thu hút du khách đến với Nam Định.

Khẩn trương triển khai các dự án phục vụ APEC 2027 tại Phú Quốc

Phú Quốc được chọn đăng cai Tuần lễ cấp cao APEC 2027 – sự kiện chính trị, ngoại giao đặc biệt quan trọng của quốc gia, là cơ hội lớn để “đảo ngọc” bứt phá trở thành trung tâm du lịch – kinh tế đẳng cấp quốc tế. Hiện Phú Quốc đã có hơn 300 dự án đầu tư du lịch với tổng vốn hơn 388.000 tỷ đồng, sở hữu hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng, trong đó gần 48% là khách sạn 4–5 sao.

Một góc TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nguồn: KITRA
Một góc TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nguồn: KITRA

Để chuẩn bị cho APEC 2027, Chính phủ đã giao UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì triển khai nhiều dự án trọng điểm như nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, xây dựng Trung tâm hội nghị, Đại lộ APEC, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xử lý môi trường. Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã ký quyết định giao nhiệm vụ và chấp thuận điều chỉnh quy hoạch theo trình tự rút gọn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Tỉnh Kiên Giang đang chọn lọc 29 dự án thành phần, huy động các nguồn vốn và nâng cấp hạ tầng lưu trú phục vụ khoảng 15.000 đại biểu, trong đó có 30 phòng Tổng thống, đảm bảo yêu cầu ngoại giao cấp cao. Với sự chuẩn bị khẩn trương, đồng bộ, Phú Quốc kỳ vọng vừa tổ chức thành công APEC 2027, vừa tạo bước đột phá phát triển bền vững lâu dài.

Đề xuất 590 tỷ đồng làm nút giao cao tốc Bến Lức Long Thành với Quốc lộ 50

Sở Tài chính TP.HCM vừa đề xuất UBND Thành phố bố trí 590 tỷ đồng đầu tư hoàn chỉnh nút giao giữa cao tốc Bến Lức – Long Thành với Quốc lộ 50 tại huyện Bình Chánh. Dự án gồm chi phí xây dựng 457 tỷ đồng, phần còn lại dành cho quản lý, tư vấn và chi phí dự phòng.

Một nút giao kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành
Một nút giao kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành

Theo kế hoạch, báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được lập và phê duyệt trong quý III/2025, hoàn tất thiết kế kỹ thuật và thi công vào quý IV cùng năm, dự kiến hoàn thành và quyết toán trong năm 2026. Việc đầu tư nút giao này được đánh giá là cấp thiết nhằm đảm bảo sự kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả khi cả hai tuyến đường – cao tốc Bến Lức – Long Thành và Quốc lộ 50 – đi vào khai thác.

Sở Tài chính khẳng định dự án đáp ứng đủ điều kiện pháp lý theo Luật Đầu tư công 2024, phù hợp bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026–2030, đồng thời kiến nghị UBND TP sớm chấp thuận chủ trương để kịp tiến độ hoàn thành cao tốc vào năm 2026.

Nam Định khởi công khu nhà ở xã hội Bãi Viên với hơn 1.100 căn hộ cho người thu nhập thấp

Ngày 19/5, tỉnh Nam Định chính thức khởi công Khu nhà ở xã hội Bãi Viên tại phường Mỹ Xá, TP. Nam Định. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 909 tỷ đồng, gồm 6 tòa nhà cao 9 tầng, cung cấp 1.100 căn hộ diện tích từ 25–70m² trên khu đất rộng hơn 30.000m². Đây là bước đi quan trọng cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng về mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Dự án khu nhà ở xã hội Bãi Viên, tọa lạc tại phường Mỹ Xá, Nam Định
Dự án khu nhà ở xã hội Bãi Viên, tọa lạc tại phường Mỹ Xá, Nam Định

Dự án được chia làm 3 giai đoạn thi công từ 2025–2030, cam kết đảm bảo chất lượng, tiến độ và môi trường. Chính quyền tỉnh yêu cầu các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết thủ tục đầu tư, xác nhận điều kiện mua – thuê nhà ở xã hội, đồng thời kêu gọi ngân hàng hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người dân.

Với vị trí đắc địa, thiết kế hiện đại theo định hướng đô thị xanh, khu nhà ở Bãi Viên sẽ góp phần cải thiện diện mạo thành phố và nâng cao chất lượng sống cho người thu nhập thấp, trở thành mô hình kiểu mẫu về an sinh xã hội tại Nam Định.

Quảng Nam đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc Dự án Thủy điện Sông Bung 3A

UBND tỉnh Quảng Nam vừa đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn liên quan phương án đấu nối Dự án Thủy điện Sông Bung 3A do Công ty cổ phần F.C.L làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai tại huyện Nam Giang, công suất 20MW, thuộc Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021–2030.

Hiện nhà đầu tư đang gặp vướng mắc trong việc thỏa thuận phương án tuyến đường dây đấu nối với Tổng Công ty Điện lực miền Trung. Theo phương án đề xuất, đường dây 35kV dài khoảng 30km sẽ kết nối vào TBA 110kV Nam Giang, tận dụng hành lang tuyến hiện hữu để giảm ảnh hưởng đến rừng, đất đai và hạ tầng hiện có.

UBND tỉnh đề nghị Tổng Công ty sớm xem xét phương án tuyến kết hợp với đường dây hiện trạng XT374-E58 Thạnh Mỹ, tạo điều kiện để dự án được triển khai đúng tiến độ, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định và hạn chế tác động đến môi trường và quy hoạch địa phương. Sau khi được thống nhất, nhà đầu tư sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Sở Công Thương thẩm định và báo cáo UBND tỉnh.

LICOGI 13 đầu tư dự án khu công nghiệp 116 ha tại Quảng Trị

UBND tỉnh Quảng Trị vừa chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn Công ty CP LICOGI 13 làm nhà đầu tư Dự án Khu công nghiệp Quán Ngang giai đoạn 3 tại xã Gio Quang, huyện Gio Linh. Dự án có quy mô 116,74 ha, tổng vốn đầu tư 710 tỷ đồng, trong đó LICOGI 13 góp 106,5 tỷ đồng (15%).

Khu công nghiệp Quán Ngang giai đoạn 3 sẽ có quy mô hơn 116 ha. Ảnh: Ngọc Tân
Khu công nghiệp Quán Ngang giai đoạn 3 sẽ có quy mô hơn 116 ha. Ảnh: Ngọc Tân

Dự án dự kiến khởi công vào quý IV/2025 sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 1 sẽ triển khai 60 ha và hoàn thành trong quý II/2027; giai đoạn 2 hoàn tất và đi vào vận hành toàn bộ trong quý I/2029. LICOGI 13 đã thành lập Công ty CP Đầu tư KCN Quán Ngang 3 để thực hiện dự án, với ông Phạm Văn Thắng – Tổng Giám đốc LICOGI 13 – đại diện phần vốn góp chiếm 52% vốn điều lệ.

Tại Quảng Trị, LICOGI 13 còn đầu tư hai nhà máy điện gió LIG – Hướng Hóa 1 và 2 (mỗi nhà máy công suất 48 MW, tổng vốn hơn 4.100 tỷ đồng) và liên danh đầu tư dự án khu nhà ở kết hợp nhà ở xã hội tại KCN Nam Đông Hà.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn nhiệm kỳ tới: Dưới 3.000 dự án, bảo đảm không dàn trải

Tại Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới với tinh thần tinh gọn, hiệu quả, tổng số dự án dưới 3.000, tránh dàn trải, manh mún.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Từ đầu năm, Chính phủ đã giao kế hoạch vốn gần 829.400 tỷ đồng và thúc đẩy giải ngân với hàng loạt biện pháp quyết liệt. Tính đến 30/4/2025, cả nước đã giải ngân 128.500 tỷ đồng, tăng hơn 18.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy vậy, còn 17 bộ, 21 địa phương chưa phân bổ hết vốn, 37 bộ ngành và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình.

Thủ tướng chỉ rõ các nguyên nhân chậm giải ngân như vướng giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu xây dựng, năng lực thực thi yếu, tâm lý né tránh trách nhiệm. Ông yêu cầu khắc phục bằng giải pháp đồng bộ: nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy vai trò tổ công tác, tháo gỡ thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Các bộ, ngành được giao hoàn thiện quy định pháp luật liên quan, nhất là trong đấu thầu và quản lý vốn ODA. Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh hợp tác công tư, khởi công đúng tiến độ các dự án trọng điểm như đường sắt Hà Nội – Hải Phòng – Lào Cai, cao tốc Bắc – Nam, và đảm bảo mục tiêu đến hết 2025 có 3.000 km cao tốc, 1.000 km đường ven biển.

Gấp rút hoàn thiện thủ tục, phấn đấu khởi công Dự án Cảng Phù Cát trong tháng 8/2025

Dự án xây dựng đường băng số 2 và các công trình đồng bộ tại Cảng hàng không Phù Cát (Bình Định) dự kiến khởi công vào ngày 19/8/2025. UBND tỉnh Bình Định đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đầu tư, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rừng để đảm bảo tiến độ.

Dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Phù Cát là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, góp phần nâng cao vị thế kinh tế - xã hội và tăng sức hút đầu tư.
Dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Phù Cát là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, góp phần nâng cao vị thế kinh tế - xã hội và tăng sức hút đầu tư.

Tính đến nay, tỉnh đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Bộ Xây dựng thẩm định và lên kế hoạch phê duyệt dự án đầu tư trong tháng 5/2025. Cùng lúc, các thủ tục về đánh giá tác động môi trường, thẩm định mỏ đất phục vụ dự án, chuyển đổi 75.470 m² đất lúa và 565.300 m² đất rừng sản xuất đang được gấp rút xử lý.

Lãnh đạo tỉnh xác định đây là công trình trọng điểm, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội và tăng sức hút đầu tư cho Bình Định. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại rất lớn nên các cơ quan liên quan được yêu cầu hoàn thành toàn bộ thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu trong tháng 5 – 7/2025 để đảm bảo kịp thời khởi công đúng kế hoạch.

TP.HCM: Đề nghị rút một dự án nhà xưởng cao tầng khỏi chương trình kích cầu đầu tư

Sở Tài chính TP.HCM vừa kiến nghị UBND Thành phố đưa dự án nhà xưởng cao tầng tại lô C27, Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) ra khỏi chương trình kích cầu đầu tư. Dự án do Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC) làm chủ đầu tư, được phê duyệt tham gia chương trình từ tháng 9/2016 với tổng vốn 72,7 tỷ đồng, trong đó khoản vay được hỗ trợ lãi suất là 37,1 tỷ đồng trong 7 năm.

Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP.HCM - Ảnh: Lê Toàn
Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP.HCM - Ảnh: Lê Toàn

Tuy nhiên, đến nay HIPC vẫn chưa ký hợp đồng vay vốn và toàn bộ chi phí đầu tư thực hiện giai đoạn đầu đều từ nguồn vốn tự huy động. Theo quy định, sau 12 tháng không triển khai hoặc không ký hợp đồng vay vốn, dự án sẽ bị rút khỏi chương trình hỗ trợ. HIPC cũng đã có văn bản đề nghị chấm dứt tham gia chương trình. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính đề xuất UBND TP.HCM chính thức rút dự án này khỏi danh sách được hỗ trợ lãi suất kích cầu đầu tư.

TP.HCM chuẩn bị xây thêm “tổ” để đón “đại bàng”

TP.HCM đang triển khai kế hoạch phát triển 14 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 3.833 ha, chia làm ba giai đoạn từ nay đến năm 2033, nâng tổng số khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn lên 36 khu với quy mô hơn 8.369 ha. Thành phố định hướng giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp và chuyển đổi theo chiều sâu, phát triển công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và sáng tạo.

Song song, TP.HCM đang nghiên cứu chuyển đổi một số khu hiện hữu như Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình… sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao, logistics hoặc tích hợp đô thị - dịch vụ.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nhấn mạnh chất lượng hạ tầng mới là yếu tố quyết định. Các yêu cầu cao về nguồn điện ổn định, nước sạch và giao thông kết nối đang là rào cản lớn. Ngoài hạ tầng kỹ thuật, các doanh nghiệp đề xuất thành phố cần phát triển hạ tầng xã hội đi kèm như nhà ở công nhân, nhà trẻ, bệnh viện, trường học… để thu hút và giữ chân nhà đầu tư.

Đại diện Hepza cho biết thành phố đã lên kế hoạch phối hợp ngành điện và cấp nước để đảm bảo năng lực hạ tầng cho các khu công nghiệp mới.

Sun Group được chấp thuận chủ trương đầu tư hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án Hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways (SPA), do Công ty TNHH Hàng không Mặt trời Phú Quốc – một thành viên của Tập đoàn Sun Group – làm chủ đầu tư.

Sun PhuQuoc Airways sẽ hoạt động theo mô hình vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thương mại, kết hợp khai thác các chuyến bay charter phục vụ du lịch trong nước và quốc tế. Hãng hướng đến kết nối Phú Quốc với các trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại và du lịch hàng đầu của Việt Nam và thế giới.

Sun PhuQuoc Airways sẽ chính thức khai thác các chuyến bay đầu tiên, kết nối Phú Quốc với các trung tâm kinh tế - du lịch trọng điểm trong và ngoài nước trong quý IV/2025.
Sun PhuQuoc Airways sẽ chính thức khai thác các chuyến bay đầu tiên, kết nối Phú Quốc với các trung tâm kinh tế - du lịch trọng điểm trong và ngoài nước trong quý IV/2025.

Dự kiến, hãng sẽ khai thác chuyến bay đầu tiên vào quý IV/2025, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận Phú Quốc – hòn đảo được xếp hạng đẹp thứ hai thế giới sau Maldives. Đây là dấu mốc quan trọng không chỉ với ngành hàng không mà còn thúc đẩy phát triển mạnh mẽ du lịch đảo ngọc trong giai đoạn tới.

Bên cạnh SPA, Sun Group hiện đang vận hành Sun Air – hãng hàng không cao cấp chuyên cung cấp dịch vụ bay riêng cho khách hạng sang.

Chỉ đạo mới của Chính phủ về Dự án đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai

Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,7 km, đi ngầm toàn tuyến qua các trục Trần Hưng Đạo – Kim Ngưu – Nguyễn Tam Trinh với 7 ga ngầm và 1 khu lập tàu tại Yên Sở.

Tổng vốn vay nước ngoài dự kiến cho dự án là hơn 1,258 tỷ USD (khoảng 29.130 tỷ đồng), đến từ ADB, AFD và KfW. UBND TP. Hà Nội sẽ là bên vay lại toàn bộ khoản vay.

Các đoàn tàu thuộc Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Các đoàn tàu thuộc Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Hà Nội, TP.HCM và các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết triển khai cơ chế đặc thù phát triển mạng lưới đường sắt đô thị theo Nghị quyết 188/2025/QH15.

Bộ Tài chính xác nhận dự án đủ cơ sở pháp lý để trình Thủ tướng phê duyệt và kiến nghị giao UBND TP. Hà Nội phối hợp với các đối tác quốc tế lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tiến tới trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Đây là tuyến trục quan trọng, dự kiến phục vụ gần 488.000 lượt hành khách/ngày.

Hé lộ doanh nghiệp đề xuất hoàn thiện cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 bằng vốn PPP

Tập đoàn Đèo Cả vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu, đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017–2020 theo hình thức đối tác công tư (PPP), không sử dụng ngân sách nhà nước.

Hiện có 5 đoạn tuyến dài 356 km do Nhà nước đầu tư nhưng chưa thu phí, cần nâng cấp từ 4 làn xe hạn chế lên 6 làn xe theo quy hoạch. Tổng thể, có 18 dự án thành phần với chiều dài khoảng 1.144 km cần mở rộng, tổng vốn dự kiến hơn 152.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Đèo Cả cam kết thu xếp vốn từ nguồn hợp pháp trong nước, hoàn vốn bằng thu phí và đóng góp cho ngân sách trong quá trình khai thác. Doanh nghiệp cũng kiến nghị kết hợp đầu tư PPP và đầu tư công để rút ngắn thời gian thực hiện.

Bộ Xây dựng đang báo cáo Chính phủ chủ trương đầu tư và đề xuất điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hướng đến khởi công từ quý IV/2025. Nếu thực hiện toàn bộ tuyến bằng PPP, ngân sách nhà nước có thể tiết kiệm tới 152.000 tỷ đồng.

Đà Nẵng lập thủ tục đầu tư nút giao thông Túy Loan vốn 400 tỷ đồng

UBND TP. Đà Nẵng đang triển khai thủ tục đầu tư nút giao thông Túy Loan, thuộc tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, với tổng vốn dự kiến khoảng 400 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 50%, phần còn lại do địa phương cân đối.

Nút giao thông Túy Loan, thuộc Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang được lập thủ tục đầu tư.
Nút giao thông Túy Loan, thuộc Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang được lập thủ tục đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ đã giao TP. Đà Nẵng quản lý nút giao Túy Loan theo Quyết định số 905/QĐ-TTg, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông, phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp khả năng bố trí nguồn lực của thành phố.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Ban Quản lý dự án các công trình giao thông – nông nghiệp thành phố triển khai lập dự án đầu tư, bảo đảm kết nối đồng bộ về tải trọng và hạ tầng tại nút giao.

Bộ Xây dựng được giao bàn giao và lập hồ sơ điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng nút giao cho TP. Đà Nẵng để tổ chức đầu tư, quản lý và khai thác hiệu quả.

Chuẩn bị mở rộng giai đoạn tiếp theo dự án Khu công nghiệp Quảng Trị

Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị do liên doanh VSIP – Amata – Sumitomo làm chủ đầu tư đang bước vào giai đoạn chuẩn bị mở rộng. Giai đoạn 1 với quy mô 96,05 ha, tổng vốn trên 500 tỷ đồng, đã hoàn thành 95% hạng mục san nền và hạ tầng kỹ thuật. UBND tỉnh Quảng Trị đã cho thuê đất qua 4 đợt, đảm bảo tiến độ thực hiện đến năm 2025.

Hiện nhà đầu tư đang triển khai Nhà máy xử lý nước thải, đường giao thông nội bộ và các hệ thống kỹ thuật khác. Đồng thời, chuẩn bị thi công tuyến đường nhánh kết nối với Quốc lộ 1 và tuyến đường sắt Bắc – Nam trong tháng 5/2025.

Tỉnh Quảng Trị cũng chỉ đạo rà soát quỹ đất để lập quy hoạch khu nhà ở công nhân và khu tái định cư phục vụ cho giai đoạn 2–3. Dự kiến khu tái định cư rộng 18 ha, vốn đầu tư khoảng 120 tỷ đồng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 80 hộ dân và di dời trên 500 lăng mộ.

Dự án được xây dựng theo lộ trình 3 giai đoạn đến năm 2032, tổng quy mô sử dụng đất 481,2 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.074 tỷ đồng. Đây là dự án hạ tầng công nghiệp trọng điểm của tỉnh Quảng Trị.

Quảng Nam xem xét phục hồi pháp lý cho Khu du lịch sinh thái Lê Phan

Sau hơn 20 năm trì trệ, Dự án Khu du lịch sinh thái Lê Phan tại phường Cẩm An, TP. Hội An tiếp tục vướng mắc pháp lý. UBND tỉnh Quảng Nam vừa giao Sở Tài chính nghiên cứu, xem xét phục hồi pháp lý đầu tư cho dự án, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thành lập bộ phận điều hành tại địa phương.

Dự án từng bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai, nhưng sau khi Công ty Lê Phan Resort khiếu nại, Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luận tỉnh thu hồi chưa đúng quy định vì chưa hết thời hạn gia hạn sử dụng đất.

Tỉnh Quảng Nam sau đó điều chỉnh diện tích thuê đất còn 31.715 m², đất giao không thu tiền còn 3.408,4 m². Hội An cũng đã bàn giao 35.124 m² đất sạch cho doanh nghiệp. Tuy vậy, dự án đến nay vẫn chưa thể triển khai. Tỉnh yêu cầu rà soát toàn diện để nhà đầu tư có cơ sở điều chỉnh hồ sơ, tiếp tục thực hiện dự án theo đúng quy định.

Dự án Trump International, Hưng Yên chính thức khởi công

Chiều 21/5, Dự án Trump International, Hung Yen – tổ hợp sân golf, biệt thự cao cấp và khu nghỉ dưỡng mang thương hiệu Trump đầu tiên tại Việt Nam – đã chính thức khởi công tại Hưng Yên. Dự án do Công ty Hưng Yên (thuộc Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc) và Tập đoàn Trump phối hợp thực hiện.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây là dự án biểu tượng góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh Việt Nam.

Dự án gồm hai sân golf do Bryson DeChambeau thiết kế, dinh thự siêu sang giới hạn và hệ tiện ích quốc tế như clubhouse, spa, khu ẩm thực – wellness. Với vị trí chiến lược bên sông Hồng, dự án kỳ vọng hoàn thành trong hơn 2 năm, đón đầu APEC 2027, đưa Hưng Yên trở thành điểm đến golf và nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á.

Hải Dương tiếp tục đưa 8 dự án đầu tư công vốn hơn 2.400 tỷ đồng vào hoạt động

Trong tháng 5/2025, Hải Dương dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng 8 dự án đầu tư công cấp tỉnh với tổng vốn hơn 2.400 tỷ đồng. Các dự án trọng điểm gồm cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 390 (412 tỷ đồng), mở rộng đường tỉnh 391 (1.392 tỷ đồng), xây dựng Bệnh viện Phụ sản Hải Dương giai đoạn II (223 tỷ đồng) và chỉnh trang Đại lộ Võ Nguyên Giáp, đường Trường Chinh (89 tỷ đồng).

Bốn dự án thủy lợi khác cũng được hoàn tất, trong đó có sửa chữa trạm bơm và cải tạo công trình đê điều. Tỉnh Hải Dương hiện đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 26,77%, cao hơn trung bình cả nước và xếp thứ 12 toàn quốc. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công để đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2025.

Dự án metro 56.301 tỷ đồng của Bình Dương chưa làm rõ phương án huy động vốn

Bộ Tài chính vừa có ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến metro số 1 Bình Dương – Suối Tiên với tổng mức đầu tư sơ bộ 56.301 tỷ đồng. Dù UBND tỉnh Bình Dương đã đề xuất cơ cấu vốn gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn thu từ phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), Bộ Tài chính đánh giá báo cáo chưa làm rõ phương án cân đối, huy động vốn cũng như thiếu thuyết minh tổng mức đầu tư theo quy định pháp luật.

Tuyến metro số 1 của Bình Dương sẽ nối với tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn
Tuyến metro số 1 của Bình Dương sẽ nối với tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Trong bối cảnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hợp nhất với TP.HCM thành một đơn vị hành chính mới, Dự án có thể áp dụng các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 188/2025/QH15. Tuy nhiên, nếu muốn triển khai ngay, Bình Dương cần sớm hoàn thiện hồ sơ để đủ điều kiện thẩm định. Theo kế hoạch, dự án dự kiến khởi công năm 2027, vận hành năm 2031.

Đề xuất đầu tư cao tốc Mộc Châu - cửa khẩu Tây Trang trong giai đoạn 2026 - 2030

UBND tỉnh Điện Biên đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đầu tư tuyến cao tốc Mộc Châu – Sơn La – Điện Biên – cửa khẩu Tây Trang trong giai đoạn 2026–2030, nhằm hoàn thiện toàn tuyến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên (CT.03). Tuyến có chiều dài khoảng 305 km, quy mô 4 làn xe, điểm đầu nối với cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, điểm cuối tại cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên).

Tuyến cao tốc này có ý nghĩa chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng khu vực Tây Bắc. UBND tỉnh Điện Biên cam kết tự thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Bộ Xây dựng đề xuất đưa dự án vào danh mục hạ tầng chiến lược ưu tiên đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026–2030. Hiện tuyến đường bộ từ Hà Nội đi Điện Biên còn hạn chế, nguy hiểm, không đáp ứng nhu cầu vận tải, trong khi đoạn cao tốc Hà Nội – Mộc Châu dài 119 km đang được triển khai, dự kiến hoàn thành năm 2028.

Bình Định bố trí 1.746 tỷ đồng xây đường băng số 2 sân bay Phù Cát

HĐND tỉnh Bình Định vừa thông qua nghị quyết bố trí 1.746 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để thực hiện Dự án xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại Khu bay Cảng hàng không Phù Cát, giai đoạn 2025–2028. Trong đó, khoảng 200 tỷ đồng sẽ được bố trí trong năm 2025, phần còn lại phân bổ cho giai đoạn 2026–2030.

Dự án có tổng mức đầu tư 3.246 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý, bao gồm phần hỗ trợ từ Trung ương. Bình Định cũng đã đề xuất Bộ Tài chính bố trí thêm 700 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024.

Tại cùng kỳ họp, HĐND tỉnh cũng thông qua việc điều chỉnh danh mục các khu đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Dự án Không gian phát triển đô thị và bến siêu du thuyền Đề Gi (5.200 ha) được chia nhỏ, thay bằng 4 khu mới với tổng diện tích 592 ha, nhằm phù hợp tình hình thực tế và quy định pháp luật hiện hành.

Hồ sơ mời thầu Dự án LNG Cà Ná sẽ đóng vào cuối tháng 6/2025

UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt hồ sơ mời thầu Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Cà Ná, với chi phí thực hiện khoảng 56.006 tỷ đồng, đặt tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam. Hồ sơ được phát hành từ ngày 29/4/2025 và sẽ đóng thầu vào 14h ngày 30/6/2025, mở thầu cùng ngày lúc 16h tại Sở Công thương tỉnh. Hình thức lựa chọn là đấu thầu rộng rãi quốc tế, với mức bảo lãnh dự thầu 560,06 tỷ đồng.

Sau khi nhận hồ sơ, tỉnh sẽ tiến hành đánh giá từ 1/7 đến 30/7, thẩm định kết quả đến 14/8 và dự kiến phê duyệt nhà thầu vào 20/8/2025. Dự án được kỳ vọng gắn với Cảng biển tổng hợp Cà Ná, đóng vai trò chiến lược trong phát triển năng lượng và hạ tầng logistics của tỉnh. Hiện đã có một số nhà đầu tư quan tâm nhưng chưa nộp hồ sơ do cần thời gian chuẩn bị và cập nhật theo quy định mới.

Dự án Trump International, Hung Yen chính thức khởi công
Chiều 21/5, Công ty Hưng Yên (thành viên của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HSX: KBC) và Tập đoàn Trump tổ chức lễ khởi công quần thể sân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư