Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Đằng sau cáo buộc tỉnh Phú Yên bội ước
Hoàng Thủy - 03/04/2013 08:41
 
Sự thực về thông tin tỉnh Phú Yên gây khó dễ cho Khu công nghiệp Hòa Tâm của Công ty cổ phần Hiệp Hòa Phát.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Gần đây, Công ty cổ phần Hiệp Hòa Phát (HHP) có trụ sở tại TP.HCM đã công khai trên các phương tiện thông tin nêu lên những vấn đề liên quan đến Khu công nghiệp Hòa Tâm tại tỉnh Phú Yên gặp nhiều vướng mắc do chính quyền tỉnh Phú Yên gây ra.

Có vấn đề về tiến độ

Theo Giấy phép đầu tư số 36221000036 do Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cấp cho HHP ngày 26/11/2010, mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển nước sâu và các ngành dịch vụ, với tổng diện tích đất dự kiến sử dụng 2.155 ha.

Cụ thể gồm: Khu công nghiệp lọc hoá dầu, tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa: Diện tích đất dự kiến sử dụng1.080 ha; Khu công nghiệp đa ngành, tại xã Hòa Xuân Đông và xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa: Diện tích đất dự kiến sử dụng 855 ha; Khu cảng Bãi Gốc, tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa: Diện tích đất dự kiến sử dụng 220 ha; và dự kiến sử dụng 1300 ha mặt nước biển.

Tỉnh Phú Yên luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư có tiềm lực khai thác tiềm năng khu vực Vũng Rô

Giấy phép này ghi rõ, tiến độ triển khai dự án mà chủ đầu tư đăng ký và cam kết là 08 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và được chia thành 02 giai đoạn.Giai đoạn 1 (Từ năm 2010 đến năm 2014) bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, xây dựng mạng lưới hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho khu công nghiệp Hoà Tâm gồm: mạng lưới giao thông, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc, nhà máy xử lý nước thải… với khối lượng thực hiện khoảng 79% diện tích của dự án (1.690/2.155 ha), bao gồm toàn bộ diện tích của Khu công nghiệp lọc hóa dầu và một phần của khu công nghiệp đa ngành.

Cụ thể của giai đoạn này như sau, chủ đầu tư sẽ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 trong thời gian từ quý IV/2010 đến quý II/2011; Bồi thường giải phóng mặt bằng (1.690 ha) từ quý IV/2010 đến quý IV/2013. Riêng đối với Khu công nghiệp lọc hoá dầu, chủ đầu tư cam kết san lấp mặt bằng trong thời gian từ quý III/2011 đến quý IV/2012; xây dựng hệ thống thoát nước thải, nước mưa, cấp nước, giao thông từ quý II/2012 đến quý IV/2013; xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, cây xanh, công trình dân dụng trong thời gian từ quý IV/2012 đến quý IV/2013….

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Phú Yên và lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Phú Yên, sau 2 năm kể từ ngày cấp giấy phép, tiến độ triển khai Dự án KCN Hòa Tâm đã không đáp ứng đúng với cam kết của chủ đầu tư.

Đến nay, việc triển khai dự án KCN Hòa Tâm của HHP chỉ mới dừng ở bước lập quy hoạch. Việc lập quy hoạch chi tiết KCN lọc hóa dầu và khu công nghiệp đa ngành tiến độ rất chậm và chưa được phê duyệt. Sau khi Bộ Công thương có văn bản trả lời không đồng ý Trung tâm nhiệt điện Hòa Tâm trong KCN Hòa Tâm, HHP vẫn chưa tiến hành điều chỉnh lại cơ cấu quy hoạch và trình tỉnh phê duyệt.

Quy hoạch tổng thể KKT Nam Phú Yên

Như vậy, thời gian hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 KCN Hòa Tâm chậm hơn 1 năm so với tiến độ Giấy chứng nhận đầu tư và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, chưa thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng và HHP cũng chưa đầu tư bất kỳ một công trình nào trong khu vực này.

Khi so sánh giữa tiến độ cam kết của chủ đầu tư với tình hình thực tại, có thể khẳng định rằng, đến thời điểm này, với tư cách là nhà đầu tư hạ tầng, nhưng HHP chưa triển hoạt động đầu tư nào ngoài việc nghiên cứu quy hoạch, hầu như chưa làm gì so với tiến độ đã cam kết trong giấy chứng nhận đầu tư. Điều này chứng minh rõ, việc HHP công khai đưa thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng là không đúng với sự thật, gây ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường đầu tư của tỉnh Phú Yên.

Ai thu hút Dự án Lọc dầu Vũng Rô?

Liên quan đến việc lãnh đạo HHP quy kết UBND tỉnh Phú Yên “bội ước” với HHP trong việc xúc tiến dự án Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô, ông Trúc khẳng định, Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô là dự án lớn, không thuộc thẩm quyền của đại phương mà do Chính phủ quyết định.

Theo đó, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1856/TTg-DK ngày 22/10/2007, UBND tỉnh Phú Yên đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 361023000005 ngày 18/11/2007 thành lập Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô thực hiện Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô công suất 4 triệu tấn sản phẩm/năm, địa điểm đầu tư tại xã Hòa Tâm và xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Ông Lê Văn Trúc cho biết, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư là Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đã thuê các đơn vị tư vấn giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc hoá dầu quốc tế như UOP (Hoa Kỳ) và JGC (Nhật Bản) đánh giá thì thấy với công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm không có hiệu quả, nên đã có đề nghị cho nâng công suất thiết kế lên 8 triệu tấn/năm (trong đó có 4 sản phẩm hóa dầu).

Với quy mô này, diện tích đất 181 ha tại vị trí cũ không đảm bảo cho việc xây dựng Nhà máy, nên chủ đầu tư đã đặt vấn đề chuyển địa điểm đầu tư vào khu CN4 thuộc KCN Hòa Tâm, theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 23/10/2009 (Quy hoạch xây dụng chung khu kinh tế Nam Phú Yên), là khu vực dành cho công nghiệp lọc hóa dầu với Nhà máy lọc dầu quy mô 10 triệu tấn/năm cung cấp các sản phẩm Naphtha cho cả Khu công nghiệp.

Tỉnh Phú Yên thấy đề nghị trên của Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô là phù hợp, việc chuyển địa điểm đầu tư vào KCN Hòa Tâm là phù hợp với Quy hoạch chung KKT Nam Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô là dự án đầu tư có quy mô lớn, thuộc lĩnh vực an ninh năng lượng, có ý nghĩa quyết định trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Phú Yên nói riêng, là hạt nhân của KKT Nam Phú Yên, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển ngành, lĩnh vực và phát triển kinh tế xã hội của khu vực Nam Trung bộ

Đây nguyện vọng chính đáng của Công ty TNHH dầu khí Vũng Rô, tỉnh Phú Yên đã đồng ý trình Chính phủ xin chủ trương nâng công suất Nhà máy lên 8 triệu tấn/năm và chuyển địa điểm đầu tư vào KCN Hòa Tâm, đồng thời xin được giao đất trực tiếp cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô để sớm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhanh dự án Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô.

Việc chuyển địa điểm Nhà máy lọc dầu 8 triệu tấn/năm vào KCN Hòa Tâm là do nhu cầu nâng công suất của nhà máy của Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, phù hợp với Quy hoạch chung KKT Nam Phú Yên do tỉnh Phú Yên lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chứ không phải là do HHP triển khai lập quy hoạch và thu hút Dự án Lọc dầu Vũng Rô như thông tin mà HHP cung cấp trên các phương tiện truyền thông

Căn cứ vào thời gian cấp phép của 2 dự án (lọc dầu Vũng Rô và KCN Hòa Tâm), có thể nhận thấy rằng, việc HHP nói đã thu hút Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô là không đúng, sai sự thật, vì đến 26/11/2010 Ban quản lý KKT Phú Yên mới cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho HHP thực hiện Dự án KCN Hòa Tâm, trong khi dự án lọc dầu cấp phép từ 2007.

Ai không nhận được thông tin?

Trên phương tiện truyền thông, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Phó tổng giám đốc HHP cho rằng: “Hơn 8 tháng nay, công ty chúng tôi không nhận được bất kỳ một thỏa thuận hay thông tin gì hoặc trao đổi thấu đáo của UBND tỉnh Phú Yên, mặc dù công ty đã nhiều lần kiến nghị và gửi văn bản giải trình những quan ngại liên quan đến tính khả thi của dự án…”. Vậy thực hư của vấn đề này thế nào?

Theo khẳng định của ông Trúc, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản mời HHP để trao đổi về những vấn đề như đã nêu trên (về một số nội dung của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Tâm liên quan đến Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô), nhưng phía HHP có văn bản trả lời do trùng với lịch công tác đã sắp xếp trước, nên đề nghị tỉnh bố trí lịch làm việc vào thời điểm khác (Văn bản số 60/2012/VB-HHP ngày 12/10/2012).

Ngày 09/3/2013, UBND tỉnh Phú Yên tiếp tục có công văn mời HHP làm việc về việc giảm quy mô nghiên cứu KCN Hòa Tâm và một số nội dung khác có liên quan. Tuy nhiên, do lãnh đạo tỉnh bận công tác đột xuất (làm việc với các bộ, ngành Trung ương), nên ngày 12/3/2013, UBND tỉnh có công văn gửi HHP tạm hoãn làm việc.

Ngày 16/3/2013, HHP có Văn bản số 06/2013/VB-HHP gửi UBND tỉnh Phú Yên thông báo trong khoảng thời gian từ ngày 20-28/3 Lãnh đạo HHP đi công tác nước ngoài nên đề nghị UBND tỉnh nếu có chương trình làm việc với HHP sắp xếp lịch làm việc cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho HHP được tham gia. Ngày 28/3/2013, UBND tỉnh có Giấy mời số 69/GM-UBND mời lãnh đạo HHP làm việc về việc giải quyết các vướng mắc trong việc giảm quy mô nghiên cứu quy hoạch tại KCN Hòa Tâm và một số vấn đề có liên quan, thời gian tổ chức buổi làm việc trong ngày hôm nay (03/4/2013).

Những công văn trên liệu có mâu thuẫn với phát ngôn của lãnh đạo HHP trên phương tiện truyền thông? Phải chăng, HHP có ý gì khác hoặc thiếu tính xây dựng nhằm gây tổn hại đến uy tín của địa phương ? Gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của Phú Yên, xét khía cạnh này không biết giữa tỉnh Phú Yên và HHP, ai là thiệt hại?

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư