Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đảng và Bác Hồ với Quân đội Nhân dân Việt Nam
Đại tá Nguyễn Huy Thục - 22/12/2014 07:05
 
() Cùng với tiến trình cách mạng, những đội vũ trang do Đảng gây dựng, Bác Hồ chăm lo, nhân dân nuôi dưỡng làm nòng cốt cho phong trào khởi nghĩa đã từng phần lớn mạnh thành quân đội quốc gia, dân tộc - công cụ quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Quân đội Nhân dân Việt Nam không để Tổ quốc bất ngờ trong mọi tình huống
Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng
Chuyện bức ảnh Bác Hồ chụp với hai tư lệnh "Phát - Tài"
Đức ‘Nhân’ trong đạo làm tướng của Võ Nguyên Giáp
Ảnh quý về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

70 năm - chặng đường hoa lửa

Mầm mống đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được hình thành từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, với tên gọi Đội tự vệ Đỏ, Đội tự vệ Công nông. Tiếp đến, Đội du kích Bắc Sơn, Quân du kích Nam Kỳ, Cứu quốc quân, Quân du kích Ba Tơ… đã lần lượt ra đời, đóng vai trò nòng cốt cho những cuộc khởi nghĩa từng phần ở các địa phương.

Kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân, Bác Hồ với Quân đội Nhân dân
Mít-tinh kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức ngày 20/12 tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

Kế thừa và phát huy những điểm mạnh cơ bản của các đội quân tiền thân đó, ngày 22/12/1944, theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Quân đội Nhân dân Việt Nam chính thức được thành lập.

Tháng 8/1945, thời cơ chín muồi, Quân đội Nhân dân Việt Nam và các đội tự vệ, du kích ở địa phương đã tổ chức và hậu thuẫn cho quần chúng cách mạng nổi dậy tổng khởi nghĩa, đập tan xiềng xích thực dân - phong kiến, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân trên cả nước. Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời, Quân đội cùng Công an nhân dân đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, bảo vệ nhân dân.

Tiếp đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam và các lực lượng vũ trang nhân dân lại cùng toàn dân kề vai sát cánh anh dũng chiến đấu, từng bước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp (1945 - 1954), mà đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, mở ra một chương mới cho cách mạng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Nhưng Pháp vừa rút đi, thì Mỹ lại nhảy vào tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam. Khác với Pháp, Mỹ là một cường quốc quân sự mạnh bậc nhất thế giới trên tất cả mọi phương diện. Phát huy chiến quả và kinh nghiệm của một thập kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1944 - 1954), được toàn Đảng, toàn dân hết lòng chăm lo và hậu thuẫn, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng trưởng thành vượt bậc trên tất cả mọi phương diện: tổ chức, lực lượng, vũ khí, phương tiện chiến tranh và nghệ thuật quân sự, khẳng định vai trò nòng cốt của mình, từng bước “đánh cho Mỹ cút”, rồi “đánh cho ngụy nhào”, mà đỉnh cao nhất là cuộc tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975). Đến đây, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, quét sạch quân thù xâm lược, thu non sông đất nước về một mối.

Tiếp tục phụng sự Tổ quốc và nhân dân, những năm sau khi đất nước thống nhất, Quân đội Nhân dân Việt Nam lại cùng toàn dân liên tục đánh bại các thế lực xâm lược trên các tuyến biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia, góp phần tích cực vào bảo vệ công cuộc lao động hoà bình, ổn định đất nước, tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh của Tổ quốc.

Dấu ấn đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh

Nhìn lại chặng đường 7 thập kỷ gian khổ, nhưng hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, có thể thấy dấu ấn đậm nét về đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, được xây dựng trên cơ sở những nguyên lý xây dựng quân đội kiểu mới của Đảng, Quân đội Nhân dân Việt Nam mang bản chất của giai cấp công nhân, có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Là công cụ bạo lực chủ yếu của Đảng và Nhà nước, Quân đội thực sự làm nòng cốt cho toàn dân chiến đấu giành chính quyền, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh để thực hiện bằng được khát vọng cháy bỏng của toàn dân tộc là “làm cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Bác Hồ đến thăm các đơn vị quân đội tham gia Chiến dịch Biên giới 1950
Bác Hồ đến thăm các đơn vị quân đội tham gia Chiến dịch Biên giới 1950

Thứ hai, trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”. Người cũng thường xuyên nhắc nhở và giáo dục cán bộ, chiến sỹ phải “bám lấy dân, làm sao cho được lòng dân”, bởi “bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi”. Đây chính là sự vận dụng sáng tạo quan điểm tư tưởng quân sự “trăm họ là binh” của dân tộc ta với một chất mới; đồng thời cũng là sự vận dụng thành công luận điểm về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Thực tiễn thắng lợi trong quá trình khởi nghĩa, chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 70 qua là những minh chứng hùng hồn để khẳng định rằng, được xây dựng trên cơ sở nguyên lý vũ trang toàn dân, nên Quân đội ta thực sự là quân đội của dân, do dân và vì dân. Bởi, Quân đội Nhân dân Việt Nam được sinh ra từ lực lượng chính trị của quần chúng cách mạng, được xây dựng và phát triển trên cơ sở lực lượng hùng hậu của nhân dân, được hậu thuẫn vững chắc là sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Quân đội Nhân dân thực chất là làm cho Quân đội luôn giữ vững chức năng của lực lượng chiến đấu nòng cốt bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ bản sắc dân tộc. Đây là chức năng, nhiệm vụ, đồng thời cũng là mục tiêu chiến đấu cơ bản, lâu dài và không đổi của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thứ ba, đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn” được in dấu trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, thể hiện ở việc kết hợp nhân tố quyết định con người với vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Trong quá trình tiến hành khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang nhân dân, mà nòng cốt là Quân đội Nhân dân, đã lần lượt đương đầu thắng lợi với những đội quân xâm lược có số lượng đông, vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại hơn ta gấp nhiều lần. Đó chính là kết quả của sự kết hợp nhân tố quyết định là con người với vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự. Đó là sự kết hợp ưu thế tuyệt đối về chính trị, tinh thần, tài thao lược, trí thông minh, sáng tạo của cán bộ, chiến sỹ đối với việc khai thác, sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự cả thô sơ và hiện đại có được của quân đội ta trong từng thời kỳ lịch sử. Chính sự kết hợp này đã góp phần hình thành và thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam - nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Nội dung cốt lõi của nghệ thuật quân sự là sự kết hợp sức mạnh chính nghĩa, sức mạnh toàn dân đánh giặc với thế trận hiểm hóc của chiến tranh nhân dân; kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang 3 thứ quân…

Tiếp tục kế thừa và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc theo quan điểm toàn dân đánh giặc, “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, trong giai đoạn hiện nay, cần phải tập trung nghiên cứu nghệ thuật tác chiến chống bạo loạn lật đổ, chống các hoạt động vũ trang phản cách mạng, chống lấn chiếm biên giới trên đất liền, trên biển và hải đảo..., đồng thời nghiên cứu nghệ thuật chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, chống chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao, vũ khí tinh khôn.

Có thể nói, hiện thực lịch sử đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 70 năm qua đã đã phản ánh sâu sắc và đậm nét vai trò nòng cốt của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược giải phóng đất nước, gìn giữ hoà bình, bảo vệ Tổ quốc.

Năm tháng sẽ tiếp tục qua đi cùng với những thay đổi từng ngày của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, song điều khẳng định chắc chắn là, Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn mãi giữ vững và phát huy truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; mãi mãi là lực lượng chiến đấu nòng cốt trong công cuộc giữ vững hòa bình, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hôm nay và mai sau.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư