Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đánh giá giữa kỳ KTXH 2016 - 2020 vùng Trung du Miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng
Anh Phong - 24/08/2018 22:31
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phối hợp UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị đánh giá giữa kỳ kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 và xây dựng kế hoạch phát triển năm 2019 vùng Trung du Miền núi phía Bắc (MNPB) và Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH)

Đây là cách làm mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư so với trước đây, khi thay vì trực tiếp làm việc với 63 tỉnh, Thành phố, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam để phổ biến đánh giá và lắng nghe ý kiến của các địa phương.

Lý giải cho cách làm này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, việc đánh giá hàng năm và triển khai kế hoạch với 63 tỉnh, thành phố dù sẽ tạo điều kiện cho các địa phương đóng góp nhiều ý kiến hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đang triển khai thực hiện Luật Đầu tư công với những nguyên tắc và tiêu chí rõ ràng, đồng thời kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ giao chi tiết từng địa phương thì việc trao đổi từng dự án cụ thể ko còn nhiều ý nghĩa.

“Những vấn đề liên vùng mới quan trọng, hình thức này giúp chúng ta có cơ hội nhìn nhận từng địa phương trong bối cảnh chung cả vùng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có cơ hội quan sát, học hỏi các địa phương xung quanh, từ đó đề ra mục tiêu hiệu quả hơn, xác thực hơn”, Thứ trưởng Mạnh nói.

Báo cáo tóm tắt các vấn đề liên quan đến đánh giá giữa kỳ và xây dựng kế hoạch năm 2019, bà Lê Thị Tường Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ nhìn nhận, cả hai vùng MNPB và ĐBSH đã đạt được những chỉ tiêu đáng ghi nhận, phù hợp mục tiêu 2020 đã đề ra.

Đối với vùng ĐBSH, một số kết quả đạt được nổi bật như một số tỉnh, thành phố thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kinh tế - xã hội do HĐND tỉnh đề ra như tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu, thu nội địa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… đề ra cho giai đoạn 2016 – 2020; Là vùng xếp thứ 2 cả nước về thu hút FDI, tiêu biểu là TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh; nhiều địa phương tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn (Hải Phòng, Quảng Ninh)

Bên cạnh đó, vùng đã hình thành một số sản phẩm chủ lực có tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng nền kinh tế như đóng tàu, công nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô,…; Tăng cường ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực: quản lý điều hành công vụ, quản lý công chức viên chức, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, khám chữa bệnh,bảo hiểm…

Tuy nhiên, vẫn còn đó một số tồn tại, hạn chế như thu ngân sách từ hoạt động XNK giảm do tác động của một số chính sách lớn có hiệu lực từ năm 2018, chậm phát triển thị trường xuất khẩu; Số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn hạn chế cả về quy mô và số lượng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất theo quy trình GAP còn ít.

Xây dựng các khu nhà ở, dịch vụ hỗ trợ cho công nhân, người lao động trong các KCN còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Hạ tầng kinh tế - xã hội đang bộc lộ những bất cập, nhất là sự quá tải của hệ thống hạ tầng giao thông đối với các đô thị lớn trong vùng.

Đặc biệt, công tác quản lý tài nguyên và môi trường, nhất là quản lý sử dụng đất đai ở một số đựa phương chưa tốt không đảm bảo theo quy hoạch.

Riêng với vùng Trung du, MNPB, Một số tỉnh thuộc vùng đã đạt được bước tiến đáng kể trong phát triển KT-XH (tăng trưởng cao, năm sau cao hơn năm trước) như Thái Nguyên, Lào Cai, Lạng Sơn, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La; Đã có bước tiến đáng kể trong thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào phát triển công nghiệp, du lịch; Đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Dù vậy cũng không tránh được những hạn chế như Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp, dịch vụ còn chậm; Môi trường đầu tư một số địa phương chưa thuận lợi để hấp dẫn đầu tư trong nước và nước ngoài; Quy mô kinh tế còn nhỏ bé; thu nhập bình quân đầu người thấp hơn bình quân cả nước.

Về kế hoạch năm 2019, bà Thu cho biết, vùng ĐBSH cần tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành CNC, công nghiệp hỗ trợ, phát triển dịch vụ theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất hàng hóa, xây dựng nông thông mới, nâng cao chất lượng GD – ĐT, nguồn nhân lực;

Phát huy đổi mới sáng tạo, và đẩy mạnh khởi nghiệp nhằm tận dụng các cơ hội phát trienr của CMCN lần thứ 4; phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh phục lợi xã hội; giữ vững QPAN, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân toàn vùng trên 8%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (6,8%)

Vùng Trung du và MNPB phấn đấu duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước, khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu, cải thiện hệ thống hạ tầng kt – xh đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh và bảo đảm an ninh quốc phòng; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo đảm QPAN, ổn định chính trị và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Qua báo cáo, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nhìn nhận mục tiêu quan trọng nhất của đánh giá giữa kỳ là cho thấy những thiếu sót để các địa phương phấn đấu hoặc có những điều chỉnh trong những năm còn lại hướng tới hoàn thành mục tiêu 2020.

“Miền núi phía Bắc, tăng trưởng đạt mục tiêu nhưng thu nhập bình quân đầu người còn cách xa mục tiêu, vậy tại sao tăng trưởng đạt mà thu nhập bình quân đầu người ko tăng, phải chăng đầu tư cho phát triển nhưng những hạng mục đấy lại không đóng góp được nhiều cho người dân trên địa bàn”, Thứ trưởng nêu câu hỏi.

Quốc hội bàn kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020
Sáng nay 2/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư