Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Đánh giá nguy cơ bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân có thể xuất hiện tại Việt Nam
D.Ngân - 06/05/2022 17:55
 
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, đánh giá nguy cơ bệnh có thể xuất hiện tại Việt Nam thời gian tới.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, tính đến nay trên thế giới đã ghi nhận 228 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 20 quốc gia thuộc khu vực châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, trong đó đã có 4 trường hợp tử vong. Đây là số liệu được cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới.

Đã có 4 trường hợp tử vong do viêm gan không rõ nguyên nhân.

Bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan.

Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt.

Đa số các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E). 

Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết, nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra. Tuy nhiên, các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.

Trước thực tế nêu trên, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Pasteur TP.HCM; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên về việc tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.

Để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong; Cục Y tế dự phòng đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới; 

Phối hợp với địa phương lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam gửi về Cục Y tế dự phòng để theo dõi, tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ.

Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, hỗ trợ các địa phương, đơn vị triển khai giám sát, phòng chống và xét nghiệm viêm gan virus trong đó tập trung vào hoạt động tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn và đạt tỉ lệ bao phủ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. 

Thường xuyên cập nhật các hướng dẫn chuyên môn và giám sát, phòng chống bệnh viêm gan virus, tổ chức tập huấn đào tạo cho cán bộ y tế tại các địa phương trên địa bàn Viện phụ trách.

Phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện các nghiên cứu, điều tra về bệnh viêm gan vi rút để cung cấp thêm thông tin, bằng chứng và tham mưu cho Bộ Y tế trong việc xây dựng chính sách, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật phòng chống bệnh viêm gan virus.

Cũng liên quan về bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân, PGS.TS.Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, ngay sau khi có thông tin WHO cảnh báo về ca viêm gan cấp được coi là viêm gan bí ẩn ở trẻ em ghi nhận tại một số nước, lãnh đạo Bệnh viện đã yêu cầu các bác sĩ cần chú ý đến bệnh lý này, bao gồm các bệnh nhân khám hậu Covid-19; Bệnh viện hiện chưa ghi nhận ca bệnh gan không rõ nguyên nhân ở trẻ nhỏ. 

Tuy vậy theo ông Điển, chúng ta không chủ quan. Nếu có bệnh nhân tổn thương gan tối cấp, các bác sĩ sẽ lưu ý thêm về nguyên nhân gây bệnh. Hằng năm, Bệnh viện vẫn có một vài trường hợp viêm gan tối cấp nguyên nhân liên quan, như ngộ độc paracetamol do quá liều; do virus viêm gan A, B, C…

Thông tin thêm về căn bệnh còn khá bí ẩn này, GS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, triệu chứng rõ nhất cần cảnh giác của bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em tại nhiều quốc gia hiện nay là xuất hiện đột ngột các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng dữ dội, sốt, tiêu chảy, nôn mửa, đặc biệt lưu ý nếu trẻ vàng da hay vàng mắt.

Điều bất thường và đáng lo ngại là cho đến nay, các ca bệnh được phát hiện đều không liên quan đến các loại virus thông thường gây bệnh viêm gan cấp tính (viêm gan A, B, C, D, E). Theo chuyên gia này, giới chuyên môn nghiêng về hướng adenovirus có đột biến.

Đồng quan điểm, TS.Trương Anh Thư, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đối tượng mắc bệnh viêm gan bí ẩn hiện nay ghi nhận trên thế giới là trẻ em trong độ tuổi từ 1 tháng đến 16 tuổi không có bệnh kèm theo, hầu hết là dưới 10 tuổi và nhiều nhất là nhóm dưới 5 tuổi. Một số trường hợp đã từng mắc Covid-19 hoặc nhiễm adenovirus trước đó. 

"Nguyên nhân gây bệnh chưa xác định. Hiện có 3 giả thuyết đang được đưa ra là do adenovirus, biến chứng hậu Covid-19 và nhiễm độc, trong đó giả thuyết đầu tiên được nghĩ tới nhiều nhất", TS.Anh Thư cho hay. 

Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em có liên quan gì tới Covid-19 và vắc-xin Covid-19 hay không? PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết, hai bệnh lý này không có sự liên quan trực tiếp. Nhưng có nhiều yếu tố trong khi đại dịch chưa kết thúc mà người dân cần phải lưu ý.

Thứ nhất, nhiều giả thuyết đưa ra, trong lúc Covid-19 phải giãn cách xã hội, người dân quan tâm tới phòng ngừa nên ít người mắc bệnh. Nhưng khi đã nới lòng các biện pháp, các bệnh lây nhiễm sẽ tăng lên, những đứa trẻ không có miễn dịch chống adenovirus sẽ bị yếu đi, khi nhiễm virus có thể gây ra tình trạng bệnh nặng hơn.

Thứ hai, sau Covid-19 nhiều người lơ là phòng bệnh. Người dân chỉ quan tâm các triệu chứng mất mùi, đau họng, sốt, khó thở mà quên đi triệu chứng khác.

Thứ ba, không liên quan trực tiếp tới Covid-19, nhưng khi đồng nhiễm Covid-19 với adenovirus, virus này dễ đột biến hơn, chủng của nó độc tính hơn chứ không phải do nhiễm Covid-19 gây ra tình trạng nặng hơn.

Hiện có ba trẻ ở Đông Nam Á đã tử vong do viêm gan, nên nguy cơ lây nhiễm sang Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, PGS Dũng nhấn mạnh một số triệu chứng mà các bậc cha mẹ cần phải theo dõi. 

Đầu tiên, trẻ nhiễm adenovirus sẽ có triệu chứng đau bụng dữ dội, sốt, nước tiểu sậm màu hay phân nhạt màu. Triệu chứng rõ nhất cần cảnh giác là vàng da hay vàng mắt.

Do adenovirus vừa lây theo đường hô hấp, đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp nên việc tuân thủ các biện pháp vệ sinh thông thường lây nhiễm theo đường hô hấp như đeo khẩu trang, không tụ tập, giữ khoảng cách là quan trọng.

“Trong thời điểm này, nên lưu ý thêm những biện pháp vệ sinh truyền theo đường tiêu hóa vì adenovirus chủ yếu lây qua cả hô hấp, tiêu hóa. Gia đình cần hướng dẫn các con em tiếp tục giữ vệ sinh như rửa tay thường xuyên sau khi đi vệ sinh, không ăn uống chung”, chuyên gia khuyến cáo.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, các phụ huynh nên cho con mình đi tiêm vắc-xin Covid-19. Trẻ tiêm chủng tốt có ưu điểm sẽ giảm sự đột biến của virus trong tương lai.

PGS Dũng khuyến cáo, các chuyên gia dịch tễ nên giám sát adenovirus để phát hiện ca mắc ban đầu và số ca mắc có tăng hay không. Các bậc phụ huynh theo dõi sát được triệu chứng của con mình sẽ giúp cho trẻ được phát hiện điều trị sớm và cũng cảnh báo sớm cho ngành y tế triển khai các biện pháp dịch tễ kịp thời.

Còn TS.Trương Anh Thư đề nghị những việc cần làm hiện nay là, các phụ huynh, thầy cô, cơ sở y tế cần cập nhật thông tin, theo dõi để phát hiện sớm nhất có thể những trẻ có triệu chứng của bệnh, thực hiện tốt vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt và vệ sinh đường hô hấp ở những nơi trẻ thường xuyên có mặt, không để trẻ tiếp xúc với những trẻ bị ốm khác.

Tin mới về Covid-19 ngày 26/4: 203 triệu chứng của hậu Covid-19; cảnh báo viêm gan ở trẻ
Theo Bộ Y tế, người dân cần đi khám khi sức khỏe suy giảm trong thời gian dài sau khỏi bệnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư