Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 10 năm 2024,
Đánh giá về chống tiêu cực còn “mờ nhạt”
Nguyễn Lê - 17/09/2024 14:30
 
Công tác phòng, chống tham nhũng được đánh giá có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn, cả ở Trung ương và địa phương, song phần kết quả chống tiêu cực lại chưa rõ ràng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm

Mới định tính, chưa định lượng

Chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám (dự kiến khai mạc ngày 21/10), báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37.

Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn, cả ở Trung ương và địa phương, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với nhận định trên. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Nổi lên là các sai phạm lớn ở một số lĩnh vực như quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản...

“Phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn... để trục lợi”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga chỉ rõ.

Nêu ý kiến thảo luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bà Nguyễn Phương Thủy nói, vừa qua, Bộ Chính trị ban hành một loạt quy định liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong từng lĩnh vực cụ thể. Bà Thủy nhấn mạnh, đây cũng là cơ sở chính trị hết sức quan trọng trong việc triển khai một cách có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng như vi phạm pháp luật nói chung.

“Trong báo cáo của Chính phủ có nêu tình hình về công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, nhưng khi phân tích, đánh giá về từng mặt hoạt động cụ thể, thì mới tập trung vào mảng các công tác về phòng, chống tham nhũng; về phần tiêu cực, lợi ích nhóm, chưa thấy được đề cập”, bà Thủy nhận xét.

Theo bà Thủy, từ tháng 9/2023 (khi xem xét báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 - PV), Ủy ban Thường vụ Quốc hội có yêu cầu bổ sung phần đánh giá liên quan đến công tác phòng, chống tiêu cực. “Nhưng trong báo cáo năm nay, nội dung này hết sức mờ nhạt và cũng chưa được phân tích, đánh giá làm rõ. Đây chính là những mảng còn chưa có quy định cụ thể cũng như cách thức triển khai thực hiện còn chưa rõ, chưa thống nhất, do đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác này”, bà Thủy phát biểu.

Hồi âm sau đó, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải thích, hiện nay, chưa có quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mang tính định lượng về tiêu cực, mà chỉ mang tính định tính và chủ yếu là suy thoái, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong phiên họp vừa rồi cũng nói là, từ tiêu cực dẫn đến tham nhũng, tiêu cực là nguyên nhân chính dẫn tới tham nhũng và là một trong những nguyên nhân của tham nhũng. Do vậy, để khắc phục được vấn đề này, tới đây, các cơ quan chức năng sẽ tham mưu Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xác định tiêu chí và làm rõ hơn việc này”, ông Phong nói.

Sớm trình Quốc hội nghị quyết đặc thù để tháo gỡ khó khăn

Ngoài nội dung trên, ông Đoàn Hồng Phong còn đề cập vấn đề liên quan đến công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Đó là, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về Đề án 153 - “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” và triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án 153.

Ông Phong cho biết, Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua và ban hành Kết luận số 77-KL/TW, sau đó, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch và thành lập tổ công tác. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành kế hoạch, giao một số bộ, ngành tham mưu Thủ tướng trình Quốc hội nghị quyết đặc thù để tháo gỡ khó khăn theo Đề án 153. Về thời gian, Thủ tướng Chính phủ giao trong tháng 9/2024, Chính phủ làm xong để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV; giao Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội xin bổ sung nội dung này vào chương trình Kỳ họp.

Cho biết, “hôm nay mới nghe Tổng thanh tra Chính phủ nói việc xây dựng nghị quyết đặc thù”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, đây là một nghị quyết quy phạm pháp luật. Để đưa vào chương trình Kỳ họp thứ tám phải qua 2 giai đoạn. Cụ thể, trước ngày 21/9 phải trình để thẩm tra đưa vào chương trình, được đưa vào chương trình mới tiến hành soạn thảo. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp để cho ý kiến, tiếp đó mới trình Quốc hội.

“Hiện nay, chưa thấy có thông tin gì từ phía Chính phủ. Nếu làm, đề nghị các đồng chí phải tham mưu Chính phủ làm rất nhanh”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói với Tổng thanh tra Chính phủ.

Tội phạm tăng cao do năng lực hay trách nhiệm

Bên cạnh báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật cũng đã được Ủy ban Tư pháp thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, năm 2024, một số loại tội phạm tăng mạnh, như tội phạm có tổ chức tăng 89,47%; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 89,90%; tham ô tài sản tăng 50,75%; đánh bạc trên mạng Internet tăng 113,2%. Một số tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường gia tăng, như sản xuất, buôn bán hàng giả tăng 92,24%; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 74,5%; gây ô nhiễm môi trường tăng 103,23%. Đối với tội phạm về tham nhũng, chức vụ, phát hiện 936 vụ, tăng 37,85%.

Vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, quản lý thông tin cá nhân, tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Tuy nhiên, năng lực phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này tại một số địa phương còn hạn chế, không theo kịp diễn biến của tình hình, theo đánh giá của cơ quan thẩm tra.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ, Bộ Công an cần đánh giá, vì sao loại tội phạm có tổ chức lại tăng. Số vụ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt, tham ô tài sản tăng là vì đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt, nhưng tội phạm có tổ chức tại sao tăng, cần phải đánh giá, ông Phương nói.

Phân tích từ góc độ quản lý nhà nước, ông Phương nhắc đến một trong các nguyên nhân được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu, đó là năng lực phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng tại một số địa phương hạn chế. Theo ông, cần nói rõ, năng lực phát hiện và xử lý tại một số địa phương, hay từ Trung ương đến địa phương đều hạn chế, nhất là do năng lực, hay do cả trách nhiệm cũng phải rõ.

“Tôi nghĩ, có nhiều việc là do trách nhiệm, biết việc đó có thể làm được, nhưng không làm hoặc làm không đến nơi, đến chốn, đùn đẩy, né tránh, đấy là trách nhiệm, không phải là năng lực”, ông Phương nhấn mạnh.

Ông Phương cho rằng, cần phân tích các vụ việc cụ thể rồi mới rút ra nguyên nhân, từ đó mới khắc phục được. “Nếu nói về trách nhiệm, thì phải tăng cường quản lý. Trách nhiệm của người đứng đầu các cấp một số địa phương hay trong hệ thống chính trị từ Trung ương? Việc này phải đánh giá toàn diện, khách quan”, ông Phương nêu quan điểm.

Nêu một số nguyên nhân khiến gia tăng các loại tội phạm, thậm chí là tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng nói: “Công tác nắm tình hình, quản lý nghiệp vụ, quản lý đối tượng, quản lý địa bàn của lực lượng công an, có nơi, có lúc, chúng tôi nghiêm túc đánh giá thấy rằng, còn chưa được hiệu quả. Thậm chí, chúng tôi thẳng thắn nhận thấy rằng, có trường hợp cán bộ bao che, dung túng cho tội phạm đến mức phải xử lý cả bằng biện pháp hình sự”.

Quy định pháp luật về tài chính, doanh nghiệp còn sơ hở

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chưa chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền lợi dụng, “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện “lách luật”, hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện vi phạm trong một số trường hợp còn chưa hiệu quả.

Báo cáo thẩm tra dẫn chứng, kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đã nêu: công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, thu tiền thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chưa thực hiện tốt dẫn đến việc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thu hộ tiền thuế cho Nhà nước, nhưng số tiền thu hộ không được hạch toán, nộp vào tài khoản định danh riêng biệt, nên đã bị chủ sở hữu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lợi dụng để chiếm dụng.
Chủ tịch Quốc hội: Quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật
Chúng ta yêu cầu Chính phủ phải liêm chính thì bản thân công tác lập pháp cũng phải liêm chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư