Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Đánh giá về tham nhũng quá nhẹ, không có điểm mới
Hàn Tín - 22/10/2013 08:45
 
Vụ tố cáo tham nhũng tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức được Sở Y tế Hà Nội thưởng… 320.000 đồng/người. Người tố cáo tham nhũng tại Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình (Quảng Nam) từ chối khen thưởng, vì cho rằng vụ việc tham nhũng chưa giải quyết đến nơi, đến chốn, vẫn còn biểu hiện bao che. Constrexim Bình Định: Những nghi vấn về hợp đồng "ba không"
TIN LIÊN QUAN

Đây là 2 trong số vô vàn ví dụ được Ủy ban Tư pháp dẫn ra trong Báo cáo thẩm tra Công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 vừa được trình Quốc hội để lý giải vì sao tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm.

Theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP), trong 8 tháng đầu năm 2013, ngành thanh tra phát hiện được “những” 73 vụ với 80 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 115 tỷ đồng (đã thu hồi được 59 tỷ đồng); kiến nghị xử lý hành chính 4 tập thể và 28 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ với 34 cá nhân.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (Ảnh: Đức Thanh)

Cơ quan cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng. Tội phạm tham nhũng gây thiệt hại cho xã hội 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng và 155.000 m2 đất, nhưng hiện mới thu hồi được khoảng 900 tỷ đồng.

Theo đánh giá của TTCP thì công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được kết quả tích cực trên một số mặt như hoàn thiện thể chế; cải cách hành chính; công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị…

Tuy đạt được một số kết quả, nhưng tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu suy giảm mà vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi, kín đáo, khó phát hiện.

Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng TTCP cũng thừa nhận, tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và gây bất bình trong xã hội.

“Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đã và đang làm giảm lòng tin của nhân dân đối với công tác này”, ông Tranh phát biểu.

Đánh giá về Báo cáo Công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 của Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho là “quá nhẹ, chưa phản ánh hết thực trạng tham nhũng đang diễn ra nhức nhối”.

Còn Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: “Đánh giá như vậy không thấy điểm gì mới nên khó tìm được các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và đẩy lùi quốc nạn tham nhũng”.

“Năm nào cũng thấy đánh giá: “Tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi phức tạp”. Nghe lắm “nhàm tai” vì nếu cứ đánh giá, nhận định gay gắt, trong khi tham nhũng phát hiện ít hơn thực tế rất nhiều, số vụ việc tham nhũng bị phát hiện xử lý hình sự quá ít khiến người dân mất lòng tin”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý bày tỏ bức xúc trước tệ nạn tham nhũng.

Vì sao mà tham nhũng nhiều lại phát hiện quá ít, còn chế độ đãi ngộ đối với người tố cáo tham nhũng… “như trò đùa” (vụ tố cáo tham nhũng tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức). Và mất lòng tin của người dân (vụ tố cáo tham nhũng tại Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình)?

Theo ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ngoài 2 nguyên nhân kể trên còn rất nhiều nguyên nhân nữa khiến tham nhũng vẫn tiếp tục gây thiệt hại lớn về kinh tế và gây bất bình trong xã hội trong đó có nguyên nhân cơ bản là việc kê khai tài sản, thu nhập theo Luật Phòng chống tham nhũng chỉ được thực hiện trên hình thức.

Theo số liệu của TTCP, năm 2012 có 113.440 người kê khai tài sản lần đầu trên tổng số 115.880 người phải kê khai; 376.200 người được công khai bản kê tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác. Nhưng chỉ có… 3 trường hợp bị phát hiện là kê khai không trung thực.

Ông Hiện cho rằng, kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dựa vào sự tự giác của người phải kê khai; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập chưa phát huy tác dụng. Vì cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan rất khó biết được thực chất số lượng tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và thông thường, vì sợ bị trù dập nên họ rất ngại tố cáo trong trường hợp biết được lãnh đạo kê khai tài sản, thu nhập không đúng.

“Có nhiều trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỷ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỷ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này”, ông Hiện dẫn chứng.

Ông Hiện cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm là do chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản; chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư