Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Dành gói tín dụng ưu đãi khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng cho công nghiệp văn hóa
Nguyễn Linh - 22/12/2023 21:39
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa.

Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi kết luận Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, ngày 22/12.

Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần chủ động, dành nhiều thời gian đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa.

Thủ tướng cho rằng cần chú trọng 6 ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điều hành Hội nghị. (Ảnh: Nhật Bắc)

Đề cập các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan.

Trong đó có các chính sách liên quan gồm chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa", Thủ tướng nêu.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất 2 nhóm giải pháp là huy động nguồn vốn và đánh giá sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá.

“Ở Việt Nam hiện nay, chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hoá có 12 ngành, và từng ngành cũng có cách tiếp cận, thu hút nguồn lực khác nhau, phương thức khác nhau và có thể có định hướng phát triển riêng. Có những ngành hiện nay đã huy động được nguồn vốn khu vực tư nhân, xã hội hoá lớn, nhưng một số ngành, lĩnh vực lại cần có sự đầu tư thích đáng của Nhà nước như phát thanh truyền hình”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu rõ, đối với huy động nguồn lực, lĩnh vực văn hoá là một trong những ngành được xã hội hoá, và theo như ưu đãi hiện nay được hưởng mức ưu đãi cao nhất. Doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hoá sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, 50% trong 9 năm tiếp theo, hưởng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt đời dự án. Đặc biệt, tiền thuê đất cũng được miễn ở mức cao nhất theo quy định hiện hành.

Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung hoàn thiện, trình dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đề cập nhiệm vụ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa (như về thuế, đất đai, đầu tư, tiếp cận tín dụng…), nhất là cho những lĩnh vực ưu tiên (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa…) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Giao Bộ Công thương xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa gắn với thực hiện chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa có tiềm năng xuất khẩu.

Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ đưa các giá trị văn hoá truyền thống, nghệ thuật, lịch sử Việt Nam vào phần mềm ứng dụng tương tác. Chuyển dịch từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công phần mềm sang sản xuất phần mềm thương hiệu Việt, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, từ thị trường trong nước sang thị trường quốc tế.

Thủ tướng cũng lưu ý việc đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành hệ thống thông tin dữ liệu và phát triển hệ sinh thái trực tuyến cho các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Về phía UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng đề nghị xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là phát triển các không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ sáng tạo và người thực hành sáng tạo trên địa bàn; lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững.

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các địa phương cần xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng của địa phương, gắn các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa với du lịch và chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm.

“Hội nghị hôm nay sẽ không thể giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra, nhưng tôi tin rằng sau Hội nghị này, chúng ta sẽ vững tin hơn, có khí thế mới, động lực mới để phát triển ngành công nghiệp văn hóa”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ: Công nghiệp văn hóa là bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân
Phát triển công nghiệp văn hóa đang là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư