Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Đánh thức du lịch vùng đất “chín rồng”
Phú Khởi - 10/04/2016 13:10
 
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thiên nhiên ban tặng đất đai phì nhiêu, màu mỡ, sản vật tự nhiên phong phú, khí hậu mát mẻ, ôn hòa. Nơi đây không chỉ có thế mạnh về nông nghiệp, mà còn có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua, lĩnh vực này chưa được khai thác đúng mức.

Với vị trí địa lý ở hạ lưu sông Mê Kông, con sông lớn nhất Ðông Nam Á, ÐBSCL có diện tích tự nhiên 40.000 km2, bằng 5,6% diện tích của lưu vực, với mạng lưới sông ngòi, kinh, rạch chằng chịt, được mệnh danh là “thế giới sông nước” (Water world). Từ lâu, loại hình du lịch bằng tàu, ghe len lỏi vào sâu trong các kinh rạch, trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng sông nước đã rất hấp dẫn du khách khi đến với ĐBSCL.

ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới như: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim, Phú Quốc… Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, cả vùng đã có 4 khu ramsar, chiếm một nửa số khu ramsar của cả nước. Đây là những tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá.

Quần thể du lịch - vui chơi giải trí Vinpearl Phú Quốc (Kiên Giang)
Quần thể du lịch - vui chơi giải trí Vinpearl Phú Quốc (Kiên Giang)

Du lịch ĐBSCL còn có nhiều khả năng kết nối tour, tuyến với TP.HCM, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông; đồng thời có thể khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái miệt vườn; nghiên cứu - nghỉ dưỡng; văn hóa - lễ hội, tâm linh, đến du lịch biển, đảo chất lượng cao…

Theo Hiệp hội du lịch ĐBSCL (MDTA), sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình liên kết phát triển du lịch do MDTA khởi xướng đã đạt được một số kết quả nhất định. Cơ sở hạ tầng trong vùng có sự chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất kỹ thuật được quan tâm đầu tư, nhiều khu vui chơi giải trí, khách sạn, resort được đầu tư mới. Ðiển hình như quần thể du lịch - vui chơi giải trí Vinpearl Phú Quốc (Kiên Giang), Khu du lịch sinh thái quốc tế (Cà Mau), Khu di tích văn hóa - lịch sử và du lịch Núi Sam (An Giang), Khách sạn Mường Thanh (TP. Cần Thơ), Khu du lịch Nhà Mát (Bạc Liêu). Ðặc biệt, xây dựng được sản phẩm du lịch chung “ĐBSCL - một điểm đến 4 địa phương”.

Lượng khách đến tham quan du lịch ÐBSCL liên tục tăng lên. Nếu năm 2011, các địa phương tham gia Chương trình đón 13 triệu lượt khách, thì năm 2015 đón 25 triệu lượt khách, tăng bình quân 12%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 16%/năm. 32 điểm du lịch trong vùng cũng được xét công nhận là điểm  du lịch tiêu biểu. Ngành du lịch ÐBSCL tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm giữa Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau và Bạc Liêu; Chương trình liên kết hợp tác cụm phía Đông ĐBSCL, giữa Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long - Trà Vinh; Chương trình liên kết hợp tác phát triển vùng ÐBSCL giữa Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang do Dự án EU - Tổng cục Du lịch hỗ trợ; triển khai thực hiện đề án phát triển sản phẩm du lịch ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đánh giá: thời gian qua, du lịch ĐBSCL phát triển rất sôi động, với tốc độ bình quân trên 2 con số. Tuy nhiên, du lịch ÐBSCL phát triển chưa bền vững, chưa khai thác đúng mức tiềm năng thế mạnh của mình. Chính sách thu hút đầu tư thời gian qua chưa thật sự hấp dẫn, quy trình thủ tục xem xét phê duyệt dự án đầu tư vào du lịch còn phiền hà, năng lực quy hoạch phát triển du lịch xanh còn hạn chế.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, tình hình thu hút đầu tư vào khu vực ÐBSCL nói chung, lĩnh vực du lịch nói riêng trong thời gian qua còn rất khiêm tốn. Về đầu tư kết cấu hạ tầng dùng chung cho vùng bằng ngân sách giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt 467 tỷ đồng, mức bình quân mỗi năm chưa đến 100 tỷ đồng.

Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến cuối năm 2015, cả vùng chỉ có khoảng 1.000 dự án, tổng vốn đăng ký 12 tỷ USD, chiếm 5% về số dự án và 2,2% về vốn so với cả nước. Riêng FDI lĩnh vực du lịch chỉ có 30 dự án, với vốn đăng ký 200 triệu USD, chiếm 2,9% về số dự án và 1,6% về vốn FDI vào vùng này.

Về nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển chính thức (ODA), trong giai đoạn 2010 - 2015, cả vùng thu hút được 4 dự án trong lĩnh vực du lịch, tổng vốn 80,4 triệu USD, nhưng chưa có dự án dành cho phát triển tổng thể du lịch. Số địa phương được thụ hưởng chỉ là một vài tỉnh nằm trong hành lang kinh tế Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Theo Thứ trưởng Hiếu, để có cơ sở phát triển và thu hút đầu tư vào du lịch của vùng, thì cần tăng cường đầu tư cho phát triển du lịch, đảm bảo từ 8 - 10% trong cơ cấu vốn đầu tư từ ngân sách; tăng cường huy động nguồn vốn ODA cho dự án thích ứng biến đổi khí hậu kết hợp phát triển du lịch và huy động tối đa nguồn vốn của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư cho phát triển du lịch.

Kiên Giang kêu gọi đầu tư vào 4 vùng du lịch trọng điểm
Là tỉnh trọng điểm về du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư