Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh Bắc Giang
Phương Linh - 17/06/2024 12:31
 
Cách Hà Nội khoảng 50 km, Bắc Giang có vị trí địa lý thuận lợi, gần kề các trung tâm kinh tế lớn của vùng. Tỉnh có tiềm năng du lịch không nhỏ, đang chờ được đánh thức.

Bắc Giang được thiên nhiên ưu đãi, có đủ núi, sông, đồng bãi, bốn mùa đều có hoa thơm trái ngọt. Tỉnh đang trở thành điểm đến du lịch miệt vườn, du lịch tâm linh hấp dẫn.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm tới công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch, nhờ đó, nhiều thắng cảnh của Bắc Giang đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến như: chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà, khu vực khởi nghĩa Yên Thế…

Với địa hình phong phú và đa dạng, Bắc Giang có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, điểm du lịch cộng đồng bản Ven (Yên Thế)…

Gần đây, vùng cây ăn quả tại tỉnh đang được biết đến như một điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, thu hút được khá nhiều du khách. Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, vải thiều chín sớm tại huyện Tân Yên và Lục Ngạn bắt đầu được người dân cho thu hoạch.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lưu Xuân San, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Bắc Giang cho biết, các hợp tác xã, công ty lữ hành đang đẩy mạnh khai thác các tour du lịch check-in, trải nghiệm tham quan vườn vải - một loại hình du lịch đang hút khách hiện nay.

Không chỉ có vải thiều, du khách đến Bắc Giang còn được thưởng thức nhiều loại trái cây khác như ổi, nhãn, táo Đài Loan, nho, dưa, cam, bưởi… Đây đều là những đặc sản mà du khách thường chọn lựa sau mỗi chuyến tham quan để làm quà cho người thân.

“Tỉnh đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm thông qua các vườn vải thiều và các loại cây ăn quả khác. Việc khai thác các giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ trở thành thế mạnh của địa phương”, ông San cho hay.

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến du lịch, những năm gần đây, Bắc Giang đã lồng ghép quảng bá du lịch với các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều, hội chợ cam bưởi và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Cùng với đó, liên kết các tour, tuyến, kết nối các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh như du lịch văn hóa tâm linh chùa Am Vãi, đền Hả, tham quan làng nghề truyền thống và vùng cây ăn quả ở Lục Ngạn…

Thời gian tới, Bắc Giang sẽ ưu tiên tập trung xây dựng và phát triển 4 sản phẩm du lịch chủ lực gồm: du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí gắn với thể thao golf; du lịch cộng đồng.

Trong đó, tiếp tục xây dựng, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa hiện có gắn với con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và phục dựng các điểm di tích theo dấu chân Phật hoàng. Qua đó, xây dựng phát triển du lịch Tây Yên Tử thành thương hiệu du lịch của Bắc Giang. Tiếp tục thu hút đầu tư dự án tại hồ Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn); khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Thực hiện Nghị quyết 112/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về việc phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chú trọng liên kết du lịch và các ngành kinh tế khác, tạo nên chuỗi giá trị cho sản phẩm du lịch địa phương.

Theo đó, Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh có quy mô lớn, tạo sức lan tỏa trở thành khu du lịch quốc gia, xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du miền núi phía Bắc.

Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu tất cả các tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững; đón được ít nhất 3 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 3.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng và phát triển bền vững; phấn đấu đón được 7,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 7.500 tỷ đồng, tạo ra khoảng 10.000 việc làm.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo các chuyên gia, trước hết, Bắc Giang cần phải đẩy mạnh việc quảng bá, thông qua các chiến dịch truyền thông hiệu quả, kết nối với các công ty lữ hành và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế. Việc này không chỉ giúp tăng cường nhận diện thương hiệu, mà còn thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm du lịch.

Chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng hạ tầng. Phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái, tận dụng những giá trị độc đáo của vùng đất này. Các vườn vải thiều, sâm Nam núi Dành, hay các làng nghề truyền thống như mỳ Chũ đều có thể trở thành điểm nhấn thu hút du khách.

Ngoài ra, cần quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có kiến thức và kỹ năng. Đây là những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Xuất khẩu của Hải Phòng, Bắc Giang tăng trưởng ấn tượng
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của 2 địa phương đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn là Hải Phòng và Bắc Giang ghi nhận tăng trưởng cao trong 5 tháng ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư