Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đào kênh bằng vốn BOT
Anh Minh - 28/04/2018 08:10
 
Nếu được triển khai minh bạch, có phương án, hình thức thu giá hợp lý, thì các dự án PPP đường thủy sẽ mang lại những lợi ích lớn, vượt trội so với chi phí đầu tư.

Mở lối cho dự án PPP luồng đường thủy

Mặc dù mới dừng ở bước nghiên cứu tiền khả thi, nhưng Dự án BOT Nâng cấp tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền nối sông Tiền và sông Hậu vẫn được các chuyên gia đường thủy nội địa đánh giá là táo bạo và có tính khả thi cao.

Tuyến kênh Lấp Vò - Sa Đéc đang quá tải. Ảnh: A.M
Tuyến kênh Lấp Vò - Sa Đéc đang quá tải. Ảnh: A.M

Theo đề xuất đầu tư do Ban Quản lý dự án 7 vừa trình Bộ Giao thông - Vận tải, Dự án sẽ nâng cấp tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền đạt chuẩn kênh cấp III đường thủy nội địa với bề rộng đáy luồng lớn hơn 30 m, chiều sâu chạy tàu lớn hơn 3 m, đảm bảo cho các phương tiện có trọng tải lớn như sà lan 300 - 600 tấn; tàu sông container với chiều cao 3 lớp lưu thông thuận tiện.

Dự kiến, tuyến sẽ bắt đầu từ sông Hậu - Rạch Bù Húc hiện hữu, chạy qua vị trí cầu Mương Khai trên Quốc lộ 54 tuyến kênh hiện hữu - đào đoạn tuyến mới dài 3,7 km đến vị trí cầu Xã Vạt trên Quốc lộ 80 - kênh Lấp Vò - Sa Đéc - sông Tiền (tại vị trí cầu Cái Đôi trên đường Trần Văn Voi).

Với vị trí chiến lược là tuyến kênh có cự ly ngắn nhất kết nối giữa sông Tiền với sông Hậu, việc nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền sẽ giảm cự ly và thời gian lưu thông, tăng năng lực vận tải bằng đường thủy.
Tính toán sơ bộ cho thấy, sau khi được nâng cấp cải tạo, tuyến kênh này sẽ rút ngắn 37 km giữa sông Tiền và sông Hậu, rút ngắn 45 km quãng đường từ TP.HCM đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tiết kiệm mỗi năm ít nhất 133 tỷ đồng chi phí vận chuyển.

Bên cạnh đó, Dự án còn tiến hành nâng cấp hệ thống cầu yếu trên quốc lộ, các vị trí cầu bắc ngang kênh đạt tĩnh không thông thuyền tối thiểu 7 m (14 cầu); hệ thống báo hiệu đường thủy đồng bộ trên toàn tuyến đảm bảo cho khai thác đường thủy; hệ thống kè bảo vệ bờ dài 4,86 km.

Hiện kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền là tuyến giao thông đường thủy quan trọng nối giữa sông Tiền và sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp, điểm đầu giáp sông Sa Đéc, nối liền với sông Tiền và điểm cuối giáp với sông Hậu. Tuyến kênh này có tổng chiều dài khoảng 20 km, hiện trạng mặt kênh rộng 30 - 35 m và sâu 2 m, đáy kênh có nhiều đoạn bị bồi lắng cạn kiệt và trên tuyến kênh có nhiều cầu giao thông nông thôn với tĩnh không thấp, không bảo đảm luồng giao thông thủy cho các phương tiện vận tải lớn.

Theo tính toán sơ bộ của Ban Quản lý dự án 7, tổng mức đầu tư của Dự án là 2.276 tỷ đồng, trong đó, nhà đầu tư tham gia 48% kinh phí để đầu tư các hạng mục liên quan đến đường thủy, kết cấu hạ tầng và công trình phải hoàn trả do nạo vét; ngâan sách nhà nước tham gia 52% để đầu tư nâng cấp cầu yếu trên Quốc lộ 80, chi phí quản lý và dự phòng phí.

“Đây là cơ cấu đầu tư tối ưu, đảm bảo tính khả thi tài chính cho Dự án”, ông Lê Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho biết. 

Loay hoay thu giá

Tuyến đường thủy nội địa từ Cần Thơ - Đồng Tháp - TP.HCM kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền không phải là tuyến độc đạo, nên nếu áp dụng hình thức BOT, chủ phương tiện thủy vẫn còn lựa chọn miễn phí khác.

Hiện tuyến kênh Lấp Vò - Sa Đéc đang là tuyến đường thủy nội địa chủ lực với lưu lượng hàng hóa thông qua vào cuối năm 2016 ước đạt 13,1 triệu tấn hàng và 126.825 lượt phương tiện qua lại. Tuyến đường thủy này đang bị quá tải, trong khi không thể tiếp tục mở rộng do mật độ dân cư, nhà máy sản xuất dày đặc hai bên kênh.

“Đây là thời điểm cần xem xét việc nâng cấp tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền để giảm tải cho tuyến Lấp Vò - Sa Đéc”, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá.

Tại Dự án kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền, Ban Quản lý dự án 7 đề xuất áp dụng mức thu giá dự kiến khoảng 1.800 đồng/tấn trọng tải; 3 năm tăng phí một lần, mỗi lần 7,5%. Với mức thu giá nói trên, Dự án có khả năng hoàn vốn trong vòng 18 năm, dự kiến bắt đầu từ quý IV/2018.

Do đến nay chưa có dự án BOT đường thủy nào đi vào khai thác, nên Ban Quản lý dự án 7 tạm đề xuất áp dụng hình thức thu giá tự động không dừng. Trong giai đoạn đầu (khoảng 2 năm), Dự án sẽ thu giá hoàn vốn bằng hình thức: thu giá qua đăng kiểm; thu qua cảng vụ; thu thủ công thông qua các trạm thu giá bố trí 2 đầu tuyến kênh (cửa ra tại cầu Xả Vạt trên Quốc lộ 80 và ra sông Hậu tại vị trí cầu Mương Khai trên Quốc lộ 54).

Được biết, tại Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc (dự án đường thủy đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT), sẽ đưa vào khai thác cuối năm 2018, doanh nghiệp dự án dự kiến áp dụng thu giá dịch vụ thủ công.

Khác với các dự án BOT đường bộ, hình thức thu giá dịch vụ hoàn vốn cho dự án nâng cấp đường thủy nội địa luôn là thách thức cho cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Ngoài việc chưa có tiền lệ, việc thu giá dịch vụ đường thủy theo tấn tải trọng quy đổi là rất phức tạp do sự chênh lệch giữa trọng tải đăng ký với trọng tải thực tế rất lớn. 

“Đây cũng là mối quan ngại lớn cho các nhà đầu tư có ý định đầu tư các dự án đường thủy nội địa”, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy cho biết.

Trong khi đó, đại diện một số đơn vị vận tải thủy cũng tỏ ra băn khoăn về cách tính giá cước thu phí như thế nào cho hợp lý và cần tính toán sao cho phù hợp trong bối cảnh khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang sử dụng loại hình vận tải qua đường sông, để giảm bớt tình trạng quá tải cho đường bộ.

“Nhà đầu tư và cơ quan nhà nước phải tính toán nhất định để chủ hàng chịu đựng được mức phí, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp vận tải sử dụng đường thủy”, ông Phạm Minh Nghĩa, nguyên Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho hay.

Khơi mở cơ chế đầu tư dự án PPP đường thủy đầu tiên
Doanh nghiệp khai thác cảng và nhà đầu tư sẽ góp tiền nạo vét, nâng cấp luồng tàu vào cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) để đón tàu có trọng tải 50.000 DWT...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư