Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 29 tháng 05 năm 2024,
Đắp đê ngăn sóng tiền bẩn
Hà Tâm - 30/08/2013 08:03
 
Nhiều ý kiến cảnh báo, nếu các cơ quan chức năng không sớm có biện pháp ngăn chặn, nạn rửa tiền có nguy cơ gây ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế. Đã đến lúc Việt Nam cần phải sớm chủ động đắp đê ngăn sóng rửa tiền bẩn.

Đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia nước ngoài cùng các bộ, ngành trong nước để hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền.

Động thái này thể hiện sự nỗ lực của NHNN nhằm sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách đen các quốc gia cần theo dõi về nạn rửa tiền.

Chưa thể kết luận hành vi rửa tiền ở Việt Nam thường xảy ra ở lĩnh vực nào qua 51.000 giao dịch đáng ngờ mà cơ quan chức năng tập hợp được
năm 2012. (Ảnh: T.A)

Lợi dụng công nghệ cao để rửa tiền

Theo Cục Cảnh sát kinh tế, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), tội phạm rửa tiền phổ biến nhất ở Việt Nam là đối tượng phạm tội ở nước ngoài, sau đó tuồn tiền “bẩn” về Việt Nam để hợp pháp hóa, chuyển sang tiền sạch.

Ngoài ra, cũng có một bộ phận tội phạm trong nước, sử dụng số tiền lừa đảo, tham nhũng, mua bán ma túy… và hợp thức hóa bằng cách mua bất động sản, chuyển cho người thân, hoặc đầu tư vào các dự án “ma”, hợp đồng kinh tế “ma”.

Tuy nhiên, trên thực tế, các chiêu rửa tiền của tội phạm ngày càng tinh vi và khó phát hiện, đặc biệt là tội phạm rửa tiền sử dụng công nghệ cao.

Ngay cả với những sản phẩm quen thuộc như thẻ tín dụng, tội phạm rửa tiền cũng có chiêu thức để “lách”.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN) cho biết, cơ quan này từng phát hiện một nhóm tội phạm gồm 2 người sử dụng thẻ Visa Debit để tuồn tiền “bẩn” từ Việt Nam ra nước ngoài, sau đó lại chuyển “tiền sạch” vào Việt Nam.

Cách thức này được thực hiện như sau: đối tượng phạm tội thuê 10 người mở thẻ Visa Debit, sau đó mang số thẻ này ra Campuchia. Do Campuchia cho phép các cây ATM nhả nội tệ và USD, nên sau khi mang thẻ sang Campuchia, đồng bọn ở Việt Nam liên tục chuyển tiền vào 10 thẻ Visa Debit trên, còn các đối tượng tại Campuchia cũng liên tục rút tiền tại Campuchia. Số tiền sau khi được rút ra được các đối tượng mua vàng, chuyển về Việt Nam và từng bước hợp thức hóa. Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đang đau đầu nghiên cứu những biện pháp hữu hiệu chống lại chiêu thức này.

Đây chỉ là những chiêu thức rửa tiền mới phát hiện. Còn trên thực tế, việc rửa tiền không chỉ được tiến hành qua ngân hàng, mà qua rất nhiều kênh, như chứng khoán, bất động sản, đánh bạc ở casino…

Thói quen sử dụng tiền mặt, không bắt buộc chứng minh nguồn gốc dòng tiền cộng với tình trạng sở hữu chéo chằng chịt trong các doanh nghiệp, ngân hàng tại Việt Nam cũng khiến việc phát hiện tội phạm rửa tiền thêm khó khăn.

Ông Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, bản thân các ngân hàng cũng rất lo ngại và luôn có ý thức phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, việc khó khăn nhất là làm sao phát hiện các trường hợp rửa tiền.

Để làm được điều này, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, công cụ như điều tra tội phạm và cần có sự phối hợp đồng bộ nhiều cơ quan, đặc biệt là lực lượng cảnh sát.

Nền kinh tế chịu thiệt vì rửa tiền

Ông Nguyễn Văn Ngọc khẳng định, tình trạng rửa tiền gây ra rất nhiều tác hại đối với nền kinh tế Việt Nam, bởi nếu bị coi là nơi thuận lợi để rửa tiền, Việt Nam sẽ trở thành một địa chỉ đầy rủi ro, thiếu minh bạch về chính sách với các nhà đầu tư, khiến họ không dám rót tiền đầu tư.

Cũng do lo ngại về rửa tiền, nên nhiều quốc gia sẽ yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp, định chế tài chính cần cân nhắc, thận trọng hơn khi giao dịch với những tổ chức, cá nhân đến từ Việt Nam.

Điều đáng ngạc nhiên là, dù bị xếp trong danh sách các quốc gia cần theo dõi về rửa tiền, nhưng đến nay, mới chỉ một vài trường hợp rửa tiền ở Việt Nam được phát hiện. Sở dĩ kết quả phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam còn khiêm tốn là, do mãi đến năm 2009, tội danh rửa tiền mới xuất hiện trong Bộ luật Dân sự.

Tiếp đó, chế tài xử phạt đến ngày 7/2/2012 mới bắt đầu có hiệu lực. Như vậy, Việt Nam mới chỉ có cơ sở xử lý tội danh rửa tiền hơn 1 năm nay”, ông Ngọc lý giải.

Được biết, những năm gần đây, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo về giao dịch đáng ngờ. Năm 2012, NHNN đã tập hợp được gần 51.000 giao dịch đáng ngờ và chuyển 160 báo cáo sang cơ quan công an.

“Dù vậy, từ 51.000 giao dịch đáng ngờ này, chưa thể kết luận các hành vi rửa tiền ở Việt Nam thường xảy ra ở lĩnh vực nào”, ông Ngọc nói.

Tiền có thể ảo, nhưng rửa tiền là thật
“Nói trực tiếp các ngân hàng có tham gia thì hiện nay chúng ta chưa có cơ sở để khẳng định. Nhưng qua đây cũng thấy là chúng ta cần tăng cường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư