Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dấu ấn doanh nhân lập nghiệp
Anh Hoa - 13/10/2014 10:04
 
Dẫu biết “cuộc chiến” bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp trên đấu trường quốc tế luôn lạnh lùng và khốc liệt, nhưng doanh nhân Việt Nam đã sẵn sàng chinh chiến, gây dựng tầm vóc mới của những người tiên phong.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đặng Văn Thành: Duyên nợ nghề nông
Tinh thần dân tộc, tinh thần doanh nhân: Động lực phát triển đất nước
Doanh nhân Phạm Đình Đoàn: Người tiên phong
Doanh nhân F1 trải lòng về thế hệ kế cận
   
  Cơ hội để doanh nhân Việt chứng tỏ bản lĩnh và tầm vóc của mình ngày càng lớn  

1

Cuối cùng Giải thưởng Ernst & Young “Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp Việt Nam 2014” đã thuộc về ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen. Ông Vũ đã vượt qua 5 doanh nhân xuất sắc để được xướng tên tại lễ trao giải thưởng này trong tuần qua tại Hà Nội.

Trong bối cảnh Việt Nam thiếu cơ sở vật chất, thị trường bất động sản đóng băng, thì ông Vũ, với chiến lược riêng của mình, đã lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen điềm nhiên phát triển, đạt dấu mốc tăng trưởng ấn tượng, trở thành tập đoàn sản xuất tôn thép hàng đầu Đông Nam Á, vươn ra chinh phục thị trường quốc tế.

Đến với kinh doanh như sự sắp đặt của số phận, nhưng việc gắn bó và gây dựng cơ đồ nghìn tỷ lại là kết quả của tinh thần kinh doanh rực lửa, những nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua sóng gió thương trường của ông Vũ.

Hiện nay, Tôn Hoa Sen sở hữu nhà máy có quy mô hàng đầu Đông Nam Á và đi đầu trong việc đầu tư công nghệ. Với tầm nhìn vượt ra ngoài lãnh thổ đất nước, ông Vũ đã sớm chớp lấy cơ hội từ cuộc chơi toàn cầu để nhanh chóng đưa Tôn Hoa Sen đi đến hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Với ông Vũ, thách thức và khó khăn là những trải nghiệm giá trị dành cho tinh thần phấn đấu, sáng tạo để tồn tại và phát triển. Ông sẽ đại diện cho doanh nhân Việt tham dự Giải thưởng Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp thế giới - MEOY2014, được tổ chức tại Monaco tháng 6/2015.

Năm 2012, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đã trở thành doanh nhân duy nhất của Việt Nam tham dự giải thưởng này. Nhưng ngôi vị quán quân đã thuộc về TS. James Mwangi, CEO kiêm Giám đốc quản lý Ngân hàng Equity của Kenya. Sau sự kiện này, giới doanh nhân Việt đặt câu hỏi: “Ông Đức còn thiếu yếu tố nào trong cuộc đua ngôi vị quán quân của một giải thưởng quy mô toàn cầu?”.

Ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc EY Việt Nam, người đồng hành với ông Đức trong chuyến đi ấy chia sẻ, những câu hỏi của Hội đồng bình xét dành cho ông Đức mang tính thực tế rất cao, vô cùng thẳng thắn đến mức lạnh lùng và tàn nhẫn. Ông Đức trả lời những câu hỏi đó rất thành công, thật và chân thành.

“Việc doanh nhân Việt Nam có đạt tới ngôi vị quán quân hay không không chỉ phụ thuộc vào chúng ta thiếu cái gì, mà còn phụ thuộc đối thủ chúng ta là ai. Ông Đức đã phải chiến đấu với những doanh nhân rất mạnh”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, trong cuộc đua năm ấy, ông Michael Spencer, Tổng giám đốc Tập đoàn ICAP (Anh) - doanh nhân đoạt Giải WEOY 2010 - thành viên Hội đồng bình xét ấn tượng với những thành quả mà ông Đức làm được trong 20 năm lập nghiệp. Đây là những bước đột phá mà doanh nhân tại các quốc gia phát triển khó có thể làm được, qua đó, thế giới hiểu thêm vì sao một đất nước mới có gần 40 năm thống nhất đã có một đội ngũ doanh nhân đông đảo với doanh thu lên đến hàng tỷ USD và hàng hóa xuất khẩu trên khắp thế giới.

Còn với riêng ông Đức, dấu ấn đọng lại khi tham gia tranh giải ở đấu trường quốc tế là tinh thần và bản lĩnh kinh doanh rực lửa. Đây là sự cổ vũ để ông tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng đưa Hoàng Anh Gia Lai vươn ra khỏi biên giới Việt Nam, sánh tầm với các công ty lớn trên thế giới.

2

Nếu ông Cường, Tổng giám đốc EY Việt Nam chấp nhận, đấu trường quốc tế có những đối thủ mạnh và doanh nhân Việt khó thắng, thì ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT, Chủ tịch Hội đồng Bình xét giải thưởng này tại Việt Nam lại nghĩ khác. Với kinh nghiệm thi thố quốc tế, ông Bình hứa sẽ bàn cách để ông Vũ có tinh thần thi tốt nhất.

“Chúng tôi sẽ không vào trận khi chưa quyết tâm. Trong nhà thì thế nào cũng được, nhưng ra quốc tế thì ngày nào đó doanh nhân Việt Nam phải chiếm ngôi vị quán quân”, ông Bình khẳng định ước mơ không chỉ của riêng ông, mà của các thế hệ doanh nhân Việt Nam.

Ông Lê Phước Vũ cũng mang trong mình tư tưởng, thi thố không phải vì riêng Hoa Sen, mà vì màu cờ sắc áo của các thế hệ doanh nhân Việt Nam, với suy nghĩ chắc nịch: “Phải để thế giới tôn trọng Việt Nam”.

“Tôi đã từng xin rút lui khỏi giải thưởng này, nhưng giải thưởng đã đến với tôi như một cái duyên, để tôi thay mặt doanh nhân Việt Nam tới Monaco thể hiện trách nhiệm với đất nước. Đất nước mình có nhiều bất lợi khi đi sau, vì chiến tranh, bị tụt hậu và vì nghèo, nhưng chúng ta cũng có cái lợi của người đi sau. Nếu biết nhìn nhận yếu tố yếu - mạnh để lựa chọn con đường, có sự quyết tâm, thì chúng ta sẽ có cách để vượt lên phía trước”, ông Vũ chia sẻ.

Theo ông Vũ, cơ hội đối với doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn khi mở cửa hội nhập với kinh tế thế giới, nguồn đầu tư vào nhiều, dân số đông, lợi thế tuổi trẻ. Nhưng cộng đồng doanh nhân cũng không ngừng mong mỏi các cơ quan nhà nước phải sáng suốt và có trách nhiệm hơn thì mới tạo ra nền kinh tế phát triển bền vững, trước mắt là trong nước, sau đó vươn ra nước ngoài.

“Tôi thấy thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay đẹp và sáng hơn rất nhiều so với thời chúng tôi. Chỉ cần thế hệ người lớn, lớp doanh nhân đi trước có cách hành xử đúng, thì tôi tin những khuôn mặt đó sẽ cùng chúng tôi tạo ra sự hưng thịnh cho dân tộc Việt Nam”, ông Vũ tự tin.

Ý kiến - Nhận định

Đã tìm được lời giải cho đội ngũ kế thừa

 Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang

63 tuổi, tôi đã tìm được lời giải cho đội ngũ kế thừa mà bấy lâu nay tôi loay hoay. Tôi sẽ lấy 6 tiêu chí của Giải thưởng EOY là tiêu chí doanh nhân lập nghiệp trên toàn cầu (gồm tinh thần doanh nhân, tầm nhìn chiến lược, năng lực tài chính, tư duy đổi mới, ảnh hưởng cộng đồng trên phạm vi quốc tế và tính chính trực) để làm bài học truyền đạt cho thế hệ trẻ tại Dược Hậu Giang.

Tạo cơ hội cho người khác đi lên

Ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch HĐQT, kiêm CEO Công ty cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco)

Trong sự thành đạt của một doanh nhân luôn có sự góp sức của nhiều người. Nhưng sự thành đạt ấy chỉ bền vững khi tạo được lợi ích cho xã hội. Mình có điều kiện, tại sao không tạo cơ hội cho người khác đi lên. Tôi có một tuổi thơ nghèo khó, được những tấm lòng nhân ái chở che. Khi thành đạt rồi, tôi không quên xung quanh mình còn nhiều người nghèo khó, bất hạnh.

Có niềm tin vào mục tiêu của mình

Ông Nguyễn Trong Khang, Chủ tịch HĐQT, CEO Tập đoàn Công nghệ MK

Ở đâu cũng có cơ hội và thách thức, quan trọng là bản thân cần phải kiên trì và đam mê với mục tiêu của mình. Đây chính là yếu tố then chốt của doanh nhân thành đạt. Vẫn còn nhiều cơ hội cho MK phát triển không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên thế giới.

Tôi có một niềm tin rằng, khi mình đã mang đến sản phẩm tốt cho thị trường, không lý nào mình lại bị chối từ.

Lấy tốc độ thắng quy mô, lấy sáng tạo thắng kinh nghiệm

Ông Phan Quốc Công, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng gia dụng Quốc tế (ICP)

Tập đoàn lớn giống con voi, điểm mạnh là quy mô, nhưng sẽ di chuyển chậm chạp hơn. Mình có cơ cấu bé hơn, linh hoạt hơn, nên điểm mạnh của mình là tốc độ, áp dụng cái mới nhanh hơn, thì phải lấy tốc độ thắng quy mô. Thứ hai là mình chỉ có thể thắng được những tập đoàn có kinh nghiệm bằng sự sáng tạo, tạo sự khác biệt. Lớp trẻ ngày càng được học hành tốt hơn, có môi trường để phát huy sức sáng tạo.

Ông Lê Phước Vũ thi bản lĩnh doanh nhân thế giới Ông Lê Phước Vũ thi bản lĩnh doanh nhân thế giới

() Được chọn từ 18 ứng viên, ông Lê Phước Vũ sẽ là đại diện Việt Nam tham dự giải thưởng Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp thế giới, tổ chức tại Monaco vào tháng 6/2015.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư