Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đấu giá cổ phần PVOIL: Độ “nóng” vừa đủ, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường
Thu Hương - 29/01/2018 15:38
 
Phiên đấu giá cổ phần của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) diễn ra ngày 25/1/2018 đã kết thúc với giá đấu thành công bình quân là 20.196 đồng/cổ phiếu, huy động được hơn 4.160 tỷ đồng từ thị trường.

Thành công hơn dự kiến

Cách đây hơn nửa năm, trao đổi với báo giới, lãnh đạo PVOIL chia sẻ, nếu đấu thành công ở mức 15.000 đồng/cổ phiếu là thành công. Trước khi PVOIL phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), nhiều công ty chứng khoán đã định giá cổ phiếu của doanh nghiệp này ở mức hơn 15.000 đồng/cổ phiếu và mức giá kỳ vọng sau một năm là hơn 18.000 đồng/cổ phiếu. Còn ngay trước thềm đấu giá, đo độ nóng cung - cầu, đại diện Công ty Chứng khoán Bản Việt phán đoán, ít nhất giá đấu phải trên 18.000 đồng/cổ phiếu mới có cơ hội trúng thầu.

.
IPO PVOIL có độ nóng vừa đủ, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường chứng khoán hiện nay cũng như cung - cầu trên thị trường.

Thực tế, theo kết quả đấu giá do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố, giá đấu thành công thấp nhất là 19.200 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến này cho thấy, IPO PVOIL có độ nóng vừa đủ, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường chứng khoán hiện nay cũng như cung - cầu trên thị trường. Khối lượng đặt mua PVOIL cao nhất là 50 triệu cổ phiếu.

Có tổng cộng 1.378 nhà đầu tư trúng đấu giá, trong đó có 45 tổ chức và 1.333 cá nhân. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ trúng đấu giá 68,476 triệu cổ phiếu, bằng 33% lượng cổ phiếu chào bán trong đợt IPO và bằng gần một nửa khối lượng đặt mua 151 triệu cổ phiếu của 54 tổ chức đầu tư nước ngoài đăng ký. Kết quả đấu giá cho thấy, các nhà đầu tư nội đã nhiệt tình hơn, trả giá cao hơn để sở hữu cổ phiếu PVOIL.

PVOIL là đơn vị thành viên duy nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia phát triển hoàn chỉnh khâu hạ nguồn của ngành dầu khí trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, kinh doanh dầu thô và chế biến, tồn trữ, phân phối các sản phẩm dầu.

Sức hút lớn của PVOIL

Thành công hơn dự kiến của đợt IPO này của PVOIL một lần nữa chứng minh sức hút của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí nói chung và của PVOIL nói riêng.

Tiềm năng của PVOIL nằm ở khả năng phát triển mạng lưới phân phối bán lẻ thông qua mua bán - sáp nhập (M&A), mở rộng thị phần từ 22% lên 35%, nâng tỷ trọng bán lẻ từ 24% lên 35% tổng sản lượng và tỷ trọng của kênh bán lẻ công nghiệp tăng từ 18% lên 35%. Tại Lào, thị phần bán lẻ của PVOIL chiếm đến 22% và có khả năng tăng hơn nữa.

Có 8 nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, muốn trở thành cổ đông chiến lược của PVOIL, trong đó có 6 nhà đầu tư nước ngoài là Shell, Idemitsu, KPE, Puma (Thụy Sỹ), SK (Hàn Quốc), một nhà đầu tư đến
từ Trung Đông cùng 2 tổ chức trong nước là Quỹ đầu tư Sacom và Công ty Sovico. 

Việc phát triển mảng dịch vụ phi dầu mỏ (như cửa hàng tiện lợi, rửa xe - thay nhớt, đồ ăn nhanh...), cây xăng có dư địa phát triển cực lớn của PVOIL, vì theo thông lệ quốc tế, mảng này chiếm tỷ trọng  40 - 50% trong lợi nhuận của các hãng lớn. Với kinh nghiệm và công nghệ quản lý của đối tác chiến lược, PVOIL hoàn toàn hội đủ điều kiện để khai thác, phát triển mảng dịch vụ này.

Điểm hấp dẫn nữa của PVOIL là khả năng tham gia lĩnh vực kinh doanh nhiên liệu hàng không. Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOIL cho biết, PVOIL đang có sự chuẩn bị để tham gia thị trường này. Các đối tác chiến lược cũng nhìn thấy ngay cơ hội đó và bày tỏ quyết tâm tham gia lĩnh vực nhiên liệu bay. “Với kinh nghiệm của các đối tác lớn, chúng tôi sẽ giành được một phần miếng bánh này. Nếu làm tốt, lợi nhuận từ riêng lĩnh vực này sẽ đạt 100 - 200 tỷ đồng mỗi năm”, ông Dương nhận định.

Ngay sau khi IPO, PVOIL sẽ tiếp tục triển khai các bước trong phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm việc hoàn tất các thủ tục để tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu và chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM trong vòng 3 tháng kể từ ngày kết thức đợt chào bán IPO, đồng thời hoàn tất việc chào bán 44,72% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược.

Ông Đinh Văn Sơn, thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa PVOIL cho biết, sau cổ phần hóa, PVOIL không chỉ là doanh nghiệp có vốn góp, mà còn là bạn hàng, một đối tác quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Với việc giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xuống 35,1%, PVOIL được xem là cơ hội đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư chiến lược.

PVOIL: Kinh doanh đại trà xăng sinh học E5 từ ngày 1/1/2018
PVOIL đang thực hiện chuyển đổi, cải hoán cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống cửa hàng xăng dầu bán lẻ, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư