Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Đấu giá tần số bất thành: Phổ cập 5G lỡ một nhịp
Hữu tuấn - 18/06/2023 08:11
 
Việc đấu giá tần số 4G, 5G bất thành khiến lộ trình thương mại hóa 5G chậm mất một nhịp.
Là công nghệ tương lai, 5G được dự báo trở thành công nghệ di động thống trị trên thế giới vào năm 2029. Ảnh: Đ.T

Năm 2023 phải đấu giá xong tần số 4G, 5G

Trong tháng 5 và tháng 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 3 lần đấu giá băng tần 4G và 5G là A1 (2.300 - 2.330 MHz), A2 (2.330 - 2.360 MHz), A3 (2.360 - 2.390 MHz), với giá khởi điểm cho 3 khối băng tần là 17.394 tỷ đồng.

Cụ thể, các khối băng tần A1, A2, A3 đều có giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm. Với mức giá khởi điểm này, mỗi nhà mạng sẽ trả phí tần số ít nhất 386 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, đến hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của từng khối A1, A2, A3, không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá. Vì vậy, các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các khối băng tần A1, A2, A3 đã không thành.

Một nhà mạng cho biết, ở thời điểm hiện tại, 4G vẫn tiếp tục mở rộng vùng phủ, đáp ứng tốt khách hàng và giá thiết bị 4G rẻ, trong khi 5G là công nghệ chuẩn bị cho tương lai, với chi phí đầu tư 5G rất lớn, tới hàng tỷ USD. Với giá khởi điểm như hiện tại thì chi phí rất lớn. Bên cạnh đó, nhà mạng phải đầu tư rất nhiều hạng mục hạ tầng, thị trường. Trong khi đó, thị trường viễn thông đang bão hòa, doanh thu từ dịch vụ thoại, SMS suy giảm mạnh, data giá ngày càng rẻ. Vì vậy, sau khi tính toán, nhà mạng không tham gia đấu giá tần số 5G.

Theo lộ trình mà Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến, năm 2023 sẽ thương mại hóa diện rộng công nghệ mới 5G. Nguyên tắc đầu tư là hạ tầng mạng lưới phải đi trước một bước, hạ tầng mạng phải đủ mạnh mới tạo nền tảng tốt cho việc ứng dụng các công nghệ mới. Nỗ lực đấu giá 3 khối băng tần A1, A2, A3 là phục vụ chiến lược đó.

“Nhiệm vụ trọng tâm năm nay của Cục Tần số vô tuyến điện là đấu giá tần số 4G, 5G. Tần số mà chúng ta cấp ra cho các nhà mạng Việt Nam đang ít hơn khá nhiều so với các nước khác, dẫn đến chất lượng dịch vụ thấp, chi phí đầu tư hạ tầng tăng. Do vậy, việc đấu giá tần số 4G/5G thành công trong năm nay đã trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Cục Tần số”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ cho Cục Tần số vô tuyến điện.

Thương mại hóa 5G diện rộng sẽ trễ một nhịp

Nếu năm 2023 đấu giá thành công tần số 5G, thì việc thương mại hóa diện rộng 5G mới có thể được thực hiện. Trong trường hợp không đấu giá thành công, có thể sẽ tính đến phương án dùng tần số 2G để phát triển 5G, bởi theo lộ trình, đến tháng 9/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tắt sóng 2G trên toàn quốc.

“Các nhà mạng tại Việt Nam bắt đầu tắt sóng 2G và 3G. Vì vậy, các nhà mạng đều có nhu cầu băng tần để cung cấp các dịch vụ băng rộng. Cũng như việc xây dựng đường cao tốc, xây dựng mạng 5G cần hạ tầng băng rộng. Để có được băng rộng thì việc đấu giá tăng tần cần được triển khai mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, họ cũng cân nhắc các yếu tố khi tiến hành đấu giá băng tần… Quá trình triển khai 5G không chỉ là câu chuyện phủ sóng, mà nhà mạng còn quan tâm đến hoàn vốn, sinh lời trên hạ tầng đó. Nokia thấy, vấn đề lớn nhất ở Việt Nam hiện nay là thị trường, người dùng và dịch vụ”, ông Hoàng Ngọc Thức, Giám đốc Công nghệ (CTO) Nokia Việt Nam phân tích.

Còn ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào khuyến nghị, khi triển khai 5G, cần có sự cân đối giữa các công nghệ. Hiện nay, 4G được triển khai rộng rãi, độ phủ lớn và băng thông tốt, phù hợp trên thị trường, đáp ứng được hầu hết các phương án sử dụng. Vì vậy, nên tận dụng, khai thác hết tiềm năng của 4G. Việc triển khai 5G cần tiếp cận đầu tư từng bước, dần mở rộng theo các hình thức độc lập (standalone) và không độc lập (non-standalone).

Theo ông Denis Brunetti, Việt Nam nên tận dụng công nghệ non-standalone, tức là công nghệ 5G xây dựng trên nền công nghệ 4G. Mặt khác, khi triển khai 5G, các nhà mạng hợp tác chặt chẽ với các khách hàng để tính toán phương án sử dụng như thế nào, nên ứng dụng ở đâu để thực hiện đầu tư từng bước và tăng dần, chứ không nên đầu tư lớn, đồng bộ.

Ở góc độ nhà mạng, ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, đấu giá băng tần là điều kiện tiên quyết để xây dựng mạng 5G. Nhưng với các nhà đầu tư như VNPT, khi đấu giá băng tần, phải xây dựng phương án đầu tư kỹ lưỡng, hạn chế chi phí hạ tầng cao. “Nếu phát triển mạng 5G rộng rãi, đầu tư lớn, nhưng phía khách hàng/doanh nghiệp chưa có sự tương thích, chưa có nhu cầu, thì không đạt hiệu quả. Do vậy, VNPT đang làm việc với một số nhà máy sản xuất để xây dựng các kết nối riêng. Chúng tôi tập trung vào thị trường ngách trước khi tiến tới thị trường đại chúng. Để công nghệ 5G có cơ hội bùng nổ, cần xây dựng chương trình 5G đồng tốc để tạo lợi ích cân bằng, từ cả phía chính phủ, nhà cung cấp mạng, khách hàng doanh nghiệp, người sử dụng dịch vụ…”, ông Hy chia sẻ.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, lộ trình thương mại hóa 5G diện rộng vẫn còn bỏ ngỏ. Cánh cửa này chỉ được mở ra khi việc đấu giá tần số 5G thành công. Điều này khá khó khăn, khi kỳ vọng nguồn thu từ đấu giá 5G khá cao. Trong khi đó, các nhà mạng đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, nên nguồn vốn đầu tư cho công nghệ mới cần được tính toán cẩn trọng.

5G sẽ vượt qua 4G vào năm 2029 để trở thành công nghệ di động thống trị, với tỷ lệ sử dụng 5G đạt trên 85% tại các thị trường 5G hàng đầu.

5G sẽ bổ sung gần 1.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030 và mang lại lợi ích cho mọi lĩnh vực, trong đó các ngành dịch vụ (46%) và sản xuất (33%) mang lại nhiều giá trị nhất; đóng góp kinh tế của lĩnh vực di động sẽ vượt con số 6.000 tỷ USD vào năm 2030.

(Báo cáo kinh tế di động toàn cầu 2023 của Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu -GSMA)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích lý do 13 năm chưa đấu giá tần số
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích lý do 13 năm chưa thực hiện đấu giá tần số, trả lời đại biểu Quốc hội về nguyên nhân và câu hỏi có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư