Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Dấu hiệu suy giáp người dân cần biết
D.Ngân - 28/05/2024 07:23
 
Một bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp nhưng lại không hay biết và cứ nghĩ rằng đó là dấu hiệu của bệnh tiêu hóa.

Trước nhập viện một tháng, ông Mùi, địa chỉ quậnTân Phú TP.HCM thấy mệt nhiều, chóng mặt, dáng vẻ chậm chạp. Người nhà nghĩ ông thiếu máu nên cho ông uống thuốc bổ máu.

Ảnh minh họa.

Ông Mùi còn bị táo bón kéo dài. Khi đến bệnh viện ông được nội soi dạ dày, đại tràng, xét nghiệm máu, kết quả cho thấy ông không bị xuất huyết tiêu hóa hay bệnh đường ruột.

ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng Khoa Nội Tim mạch 1, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, các triệu chứng của bệnh nhân đều hướng tới bệnh lý tiêu hóa nhưng cận lâm sàng không ghi nhận điều này.

Khai thác thêm triệu chứng, bác sĩ nhận thấy ông Mùi có biểu hiện chóng mặt khi thay đổi tư thế từ nằm sang đứng, nhịp tim chậm, hay bị lạnh, ngủ nhiều hơn bình thường.

Nghi ngờ ông mắc bệnh lý tuyến giáp, bác sĩ chỉ định xét nghiệm TSH (hormone kích thích tuyến giáp) thì phát hiện suy giáp. Đây là tình trạng tuyến giáp không tạo ra đủ hormone khiến quá trình trao đổi chất chậm lại, gây ra các triệu chứng mệt mỏi, nhạy cảm với thời tiết lạnh, táo bón, nhịp tim chậm, yếu cơ, giọng khàn, gặp vấn đề về trí nhớ…

Theo bác sĩ Kiều, suy giáp ở người lớn tuổi thường diễn tiến âm thầm, không triệu chứng hoặc có triệu chứng dễ nhầm với các bệnh lý khác. Như ông Mùi hơn một tháng hay bị lạnh, người lừ đừ buồn ngủ, nhịp tim chậm, người nhà nghĩ do ông lớn tuổi nên tác phong chậm chạp.

Nếu bác sĩ không nghĩ tới bệnh lý tuyến giáp và chỉ định xét nghiệm TSH, rất khó để phát hiện chính xác bệnh dẫn tới điều trị không đúng hướng, triệu chứng kéo dài. Bệnh diễn tiến nặng gây khó thở, bướu cổ, các bệnh về tim, bệnh thần kinh ngoại biên, hôn mê phù niêm (tình trạng nguy hiểm gây hôn mê, hạ thân nhiệt cực nhanh xuống 24 - 32 độ C, mất phản xạ, co giật và suy hô hấp).

Ông Mùi được kê toa thuốc làm tăng lượng hormone tuyến giáp. Sau hai tuần bệnh nhân hết táo bón, đi tiêu phân vàng, giảm chóng mặt khi thay đổi tư thế, tiếp tục được duy trì hormone giáp thay thế lâu dài.

Nhiệm vụ chính của tuyến giáp là sản xuất hormone thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3) kiểm soát quá trình chuyển hóa, tăng cường sản xuất năng lượng, duy trì nhiệt độ cơ thể và ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan gồm tiêu hóa, tim mạch, thần kinh. Sự cân bằng của hormone giáp rất quan trọng. Nếu lượng hormone tuyến giáp quá cao sẽ gây cường giáp. Ngược lại, lượng hormone quá thấp gây suy giáp.

Suy giáp là bệnh lý phổ biến có thể gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt là phụ nữ trên 60 tuổi, phụ nữ sau mãn kinh, người có tiền sử mắc các bệnh về tuyến giáp (chẳng hạn như bướu cổ), từng phẫu thuật tuyến giáp, từng điều trị phóng xạ ở tuyến giáp, cổ hoặc ngực, tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh tuyến giáp, phụ nữ mang thai hoặc sinh con trong 6 tháng, người mắc đái tháo đường tuýp 1, mắc bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp hoặc hội chứng Turner, hội chứng Sjogren.

Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh suy giáp bằng cách không cắt lể khi có bướu giáp, bổ sung i-ốt vào bữa ăn hàng ngày (các thực phẩm chứa nhiều i-ốt gồm trứng, các sản phẩm từ sữa, thịt, gia cầm và hải sản, rong biển).

Bác sĩ Kiều khuyến nghị, cách tốt nhất để ngăn bệnh diễn tiến nghiêm trọng là phát hiện sớm, theo dõi các dấu hiệu và điều trị nhanh chóng. Ngay khi gặp bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ suy giáp, người bệnh nên đi khám để được kiểm tra và điều trị phù hợp.

Gánh họa vì chần chừ khám chữa bệnh
Rất nhiều người chủ quan khi mắc bệnh phổi mô kẽ, đến viện muộn hoặc bỏ qua điều trị, khi được phát hiện thì đã muộn, có khi phải trả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư