Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Dấu hiệu vi phạm tại Công trình thủy lợi Suối Đá
Linh Đan - 07/08/2022 13:51
 
Việc khảo sát địa chất để lập dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, sử dụng kết quả khảo sát để lập thiết kế bản vẽ thi công Dự án Công trình thủy lợi Suối Đá tại Đắk Nông có dấu hiệu vi phạm.
Dự án Công trình thủy lợi Suối Đá có nhiều sai phạm. Ảnh: P.T

Xác định không đúng địa chất thực tế

Dự án Công trình thủy lợi Suối Đá (xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư với kinh phí 90 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là bảo đảm cung cấp nước tưới cho 1.000 ha cây nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng số lượng canh tác lúa nước từ 1 vụ lên 2 vụ trong năm, cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho 1.750 hộ dân trong khu vực.

Mang ý nghĩa quan trọng như vậy, nhưng khi đi vào thi công, công trình này liên tục chậm tiến độ, thậm chí kéo dài hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu. Đáng chú ý, tại Kết luận thanh tra số 631/TB-TTr ngày 21/6/2022, Thanh tra tỉnh Đắk Nông cho biết, kết quả khảo sát địa chất để lập dự án đầu tư Dự án Công trình thủy lợi Suối Đá không đúng với hiện trạng địa chất thực tế.

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, 3/7 hố khoan tại tuyến kênh chính khu tràn dâng kết hợp khảo sát xác định địa chất “trạng thái nửa cứng, cứng” không đúng địa chất thực tế là “nền đất yếu, có tính nén lún cao, sức chịu tải nhỏ và tính thấm cao”. 1/9 hố khoan tại tuyến kênh nhánh N2 xác định địa chất “…trạng thái nửa cứng, cứng” không đúng địa chất thực tế (trong phạm vi độ sâu đến 4 m) là “…trạng thái dẻo mềm, có tính nén lún cao, sức chịu tải nhỏ; trạng thái bão hòa, kết cầu rời rạc - chặt vừa”.

Trong phạm vi kênh chính đi qua vị trí có ao, hồ hiện hữu, đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Anh Khoa Nghệ An không xem xét lại các kết quả khảo sát, đánh giá trước các rủi ro có thể xảy ra khi thi công thực tế hoặc khoan khảo sát địa chất ngay tại vị trí đi qua ao, hồ để xác định địa tầng của các lớp đất, nhằm đưa ra giải pháp thiết kế cho phù hợp thực tế.

Kết quả khảo sát cũng chưa làm rõ, chưa đánh giá các điều kiện địa chất công trình có liên quan đến tính ổn định (thấm, chịu lực, lún, trượt) của các công trình để sơ bộ xác định biện pháp xử lý đối với những vấn đề địa chất công trình phức tạp theo quy định về nội dung và khối lượng khảo sát địa chất công trình giai đoạn báo cáo đầu tư tại Điểm 5.3.4.1 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8477:2010.

Việc khảo sát lập thiết kế cơ sở chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định tại điểm 2.2.2, khoản 2, Phần II, Thông tư số 06/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 của Bộ Xây dựng hướng dẫn khảo sát địa chất phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công trình; chưa cung cấp đầy đủ số liệu để xác định phương án tổng mặt bằng, san nền, các công trình hạ tầng kỹ thuật chủ yếu, xử lý nền, móng, kết cấu chịu lực chính của công trình; chưa kiến nghị phương pháp thăm dò và xác định khu vực có điều kiện địa chất bất lợi cần khảo sát trong bước tiếp theo… theo quy định tại điểm 2.2.6, Mục 2.2, khoản 2, Phần II, Thông tư 06/2006/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Thanh tra tỉnh Đắk Nông còn cho rằng, chiều sâu hố khoan địa chất tại đoạn Km0+820 – Km1+500 tuyến Kênh chính khu tưới tràn dâng là 6 m, không phù hợp với việc lập thiết kế cơ sở (phương án chọn trong dự án đầu tư). Đoạn này chiều sâu đào móng kênh > 10 m. Trong khi đó, chiều sâu hố khoan địa chất tại đoạn Km0+00 đến Km0+230 tuyến Kênh nhánh N2 khu tưới tràn dâng là 4 m, không phù hợp với việc lập thiết kế cơ sở đoạn này có chiều sâu đào móng kênh > 8 m, là không đúng quy định.

Điều lạ là, ngày 25/10/2021, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Anh Khoa Nghệ An có Văn bản 212/CV-CT cho rằng, các thủ tục pháp lý, hồ sơ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ, hợp đồng liên quan đến việc khảo sát dự án đã bàn giao cho chủ đầu tư. Công ty này không còn lưu trữ, không cung cấp được cho Thanh tra tỉnh Đắk Nông các tài liệu như biên bản lấy mẫu, giao mẫu khoan, nhật ký khảo sát… thể hiện khối lượng thực hiện các hố khoan địa chất. Trong khi đó, hợp đồng tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư đã được nghiệm thu, thanh toán giá trị hoàn thành hơn 2,9 tỷ đồng.

Tính sai khối lượng thiếu và thừa

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, khi lập, phê duyệt các tuyến kênh, chủ đầu tư và tư vấn thiết kế còn chủ quan, chưa xem xét hết nhiệm vụ khảo sát và kết quả khảo sát của bước thiết kế trước để xây dựng nhiệm vụ khảo sát bước thiết kế sau phù hợp với việc thiết kế. Trong hồ sơ nhiệm vụ khảo sát bước lập thiết kế bản vẽ thi công, chỉ xác định khoan khảo sát địa chất 9 hố khoan tại khu vực tràn dâng, xác định không khoan khảo sát địa chất tại các tuyến kênh, mà sử dụng kết quả khảo sát địa chất bước thiết kế cơ sở kém chất lượng, có vi phạm như trên để làm căn cứ lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công các tuyến kênh.

Việc khảo sát địa chất giai đoạn lập thiết kế bản vẽ thi công, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt không thực hiện đầy đủ nguyên tắc bố trí các điểm thăm dò, chưa cung cấp đủ số liệu để xác định các mặt cắt dọc và mặt cắt ngang đặc trưng cho các loại địa tầng trên tuyến quy định tại tiết b, điểm 2.3.3 và điểm 2.3.6, mục 2.3, khoản 2, Phần II Thông tư 06/2006/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Trong quá trình lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km0+820 - Km1+500 tuyến kênh chính khu tưới tràn dâng có chiều sâu đào móng kênh là 10,27 m, sâu hơn chiều sâu hố khoan khảo sát địa chất (6 m); đoạn Km0+00 - Km0+230 thuộc kênh nhánh N2 Khu tưới tràn dân có chiều sâu đào móng kênh là 8,39 m, sâu hơn chiều sâu hố khoan khảo sát địa chất (4 m) là không đúng quy định.

Việc lập nhiệm vụ khảo sát, thực hiện khảo sát nói trên không thực hiện đúng quy định tại điểm b, khoản 4, khoản 5, Điều 12, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP; việc sử dụng kết quả khảo sát ở bước lập thiết kế cơ sở không đáp ứng được yêu cầu của bước thiết kế bản vẽ thi công là không đúng quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 20, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, trong dự án đầu tư có xác định hiện trạng khu vực gần tuyến Kênh nhánh N4 có 315 m kênh hiện hữu của người dân. Tuy nhiên, trong hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã không đề cấp hiện trạng này và có giải pháp thiết kế liên quan đến việc sử dụng lại tuyến kênh cũ. Điều này dẫn đến việc trong thời gian thi công Kênh nhánh N4 phải phá dỡ kênh cũ (có ảnh hưởng đến việc tưới 6 ha lúa của người dân đang canh tác trong thời gian thi công), phải bổ sung thiết kế để thi công hoàn trả kênh cũ.

Đối với việc lập hồ sơ dự toán phần điều chỉnh, bổ sung, Công ty Đường Việt còn tính sai khối lượng thừa (hơn 313 triệu đồng), tính sai khối lượng thiếu (giá trị tạm tính là hơn 717 triệu đồng), xác định giá trị dự toán không chính xác, thực hiện không đúng quy định tại khoản 1, Điều 9, Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; thiết kế bố trí một số vị trí cống lấy nước trên kênh chưa phù hợp với thực tế là thực hiện chưa đảm bảo quy định tại khoản 2, Điều 20, Nghị định 46/2015/NĐ-CP.

Việc khảo sát địa chất để lập dự án đầu tư, lập thiết kế cơ sở; việc lập nhiệm vụ khảo sát bước thiết kế bản vẽ thi công; việc sử dụng kết quả khảo sát để lập thiết kế bản vẽ thi công có nhiều vi phạm, sai phạm như trên dẫn đến hậu quả là phương án thiết kế một số đoạn tuyến kênh khu tưới tràn dâng không phù hợp thực tế địa chất công trình, nên không thi công xây dựng công trình theo thiết kế bản vẽ thi công; phải điều chỉnh dự án đầu tư 2 lần, điều chỉnh thiết kế 3 lần (chưa tăng tổng mức đầu tư nhưng làm tăng chi phí xây dựng so với dự toán được phê duyệt ban đầu).

“Trong quá trình thực hiện điều chỉnh thiết kế, biện pháp thi công, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện thiếu tính hệ thống, đồng bộ nên phải thay đổi phương án thiết kế, gia hạn tiến độ nhiều lần, kéo dài thời gian thi công, tăng thêm 733 ngày tính từ ngày phải thi công hoàn thành theo hợp đồng ban đầu (ngày 14/11/2019) đến ngày UBND tỉnh có ý kiến cho gia hạn hợp đồng (ngày 31/12/2021)… ”, Thanh tra tỉnh Đắk Nông chỉ ra.

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, quá trình khảo sát, lập thiết kế cơ sở, lập thiết kế bản vẽ thi công có dấu hiệu vi phạm điểm d, khoản 1, Điều 220, Bộ luật Hình sự. Đáng chú ý, tại Kênh nhánh N4, đoạn Km0+00 - Km0+250, Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện việc thi công không đúng theo thiết kế bản vẽ thi công, như không thi công kênh hở có tấm đan; không đào đất hạ taluy hai bên kênh; thi công đường vận hành có cao độ ngang tấm đan nắp kênh…

“Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông chịu trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý đầu tư xây dựng dự án; trong việc tổ chức lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng; trong việc kiểm tra việc thực hiện của nhà thầu thiết kế; chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế; trong việc chậm thực hiện rà soát các điều, khoản hợp đồng đã ký, hồ sơ thi công xây dựng với tư vấn khảo sát, thiết kế, nhà thầu thi công để xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để xử lý trách nhiệm…”, Thanh tra tỉnh Đắk Nông xác định.

Chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra

Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã chuyển hồ sơ vụ việc khảo sát địa chất để lập dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, sử dụng kết quả khảo sát để lập thiết kế bản vẽ thi công Công trình thủy lợi Suối Đá có dấu hiệu vi phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông để xem xét, xử lý theo quy định. Thanh tra tỉnh Đắk Nông cũng chuyển thông tin vụ việc này đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy để cơ quan này xem xét, xử lý theo quy định của Đảng về các nội dung khuyết điểm liên quan đến cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý.
Đắk Nông: Hơn 2.000 ha rừng “biến mất” do buông lỏng quản lý
Sau khi được giao rừng để thực hiện dự án, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã để mất một diện tích rừng rất lớn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư