Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Đắk Nông: Hơn 2.000 ha rừng “biến mất” do buông lỏng quản lý
Nhiệt Băng - 01/03/2022 18:33
 
Sau khi được giao rừng để thực hiện dự án, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã để mất một diện tích rừng rất lớn.

Việc này được phát hiện qua quá trình Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông thanh tra mới đây tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Theo kết quả kiểm kê rừng của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt tại Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 14/01/2015 là 1.311,01 ha (trong đó rừng tự nhiên 1.288,82 ha, rừng trồng 22,19 ha).

Giai đoạn từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2020: Theo Quyết định số 399/QĐ-UBND ngày 10/3/2021 của UBND huyện Đắk G'long về việc phê duyệt số liệu diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên địa bàn huyện Đắk G'long đến ngày 31/12/2020, diện tích rừng do Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang quản lý là 1.080,3 ha (trong đó, rừng tự nhiên 1.060,64 ha, rừng trồng 19,66 ha).

Như vậy, trong quá trình quản lý, bảo vệ rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng để mất rừng với tổng diện tích 2.052,743 ha (3.133,043 ha - 1.080,3 ha = 2.052,743 ha).

Trong đó giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 01/2015 để mất 1.822,033 ha rừng (3.133,043 ha - 1.311,01 ha = 1.822,033 ha); giai đoạn từ tháng 02/2015 đến tháng 12/2020 để mất 230,71 ha (1.311,01 ha - 1.080,3 ha = 230,71 ha).

Theo hồ sơ do Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cung cấp, từ năm 2013 đến tháng 3/2021 đơn vị đã phát hiện được 8 vụ phá rừng với tổng diện tích bị phá là 3,1 ha.

Năm 2019, cơ quan này phát hiện và phối hợp với đoàn 12 của UBND huyện Đắk G’long giải tỏa là 11 vụ với tổng diện tích 2,9 ha.

Còn theo hồ sơ do Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G'long cung cấp: Tại lâm phần do Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quản lý đã phát hiện 6 vụ phá rừng trái pháp luật, với tổng diện tích rừng bị phá là 2,1 ha.

Trong diện tích 3.261,186 ha đất lâm nghiệp và rừng của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quản lý, đã có 359,2 ha được UBND tỉnh Đắk Nông giao lại cho các đơn vị khác quản lý, sử dụng nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất.

Cụ thể, ngày 21/4/2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 535/QĐ-UBND về việc giao nguyên trạng 3.607,7 ha đất thuộc xã Đắk P’lao cho UBND huyện Đắk G’long quản lý, bố trí sử dụng. Đoàn thanh tra đã tiến hành lồng ghép bản đồ, xác định có 267 ha đất vị trí tại các khoảnh 1, 5 Tiểu khu 1780; các khoảnh 3, 7, 8, 9 Tiểu khu 1788; khoảnh 9 Tiểu khu 1792 và các khoảnh 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 Tiểu khu 1802 của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nằm trong diện tích đất giao về cho UBND huyện Đắk G’long quản lý nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, có 92,2 ha đất vị trí tại khoảnh 8, 10, 11, 12 Tiểu khu 1802, hiện thuộc diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 nhưng chưa được thu hồi đất của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Ngoài ra, theo Quyết định số 185/QĐ-TTg ngày 08/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thành Vườn quốc gia Tà Đùng, trong đó đã sát nhập 961,5 ha đất lâm nghiệp (đất có rừng) của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang quản lý vào diện tích của Vườn quốc gia Tà Đùng.

Tuy nhiên, đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi rừng và đất lâm nghiệp của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để giao cho Vườn quốc gia Tà Đùng quản lý, sử dụng theo quy định.

Tại thời điểm thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường ghi nhận tổng diện tích đất, rừng do Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên hiện đang quản lý, sử dụng 1.130,17 ha, gồm rừng tự nhiên là 1.074,87 ha; đất khác 55,29 ha (gồm đất trụ sở, giao thông, sông, suối..).

Trong đó bao gồm diện tích 961,5 ha đất lâm nghiệp (đất có rừng) đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào diện tích đất Vườn quốc gia Tà Đùng tại Quyết định số 185/QĐ-TTg ngày 08/02/2018.

Đến thời điểm thanh tra đã xác định được 1.142 hộ xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp và rừng của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với tổng diện tích đất, rừng bị lấn, chiếm là 2.131,1 ha.

Cụ thể, 1.132 hộ lấn chiếm 2.055,62 ha đất lâm nghiệp và rừng để sản xuất nông nghiệp…

Kết quả kiểm tra, xác minh thực địa đất bị người dân lấn, chiếm hiện trạng gồm 1.560,03 ha đất trồng cà phê; 50,01 ha trồng sầu riêng; 5,22 ha trồng điều, mắc ca; 3,98 ha trồng tiêu, dâu; 83,2 ha trồng mì; 2,18 ha trồng bắp; 2,4 ha trồng cây keo; 348,6 ha đất trống người dân canh tác theo mùa vụ; 75,39 ha đất trồng rừng keo; 14 căn nhà xây kiên cố; 28 căn nhà tạm; 56 chòi và 1 cửa hàng xăng dầu.

Theo báo cáo giải trình của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: “Hầu hết diện tích đất người dân lấn, chiếm, xâm canh lấy đất sản xuất từ trước năm 2014. Trong đó có nhiều diện tích đất do người đồng bào tại chỗ đã lấn, chiếm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng và sinh sống ổn định từ trước năm 2003 (trước thời điểm giao đất), mà cụ thể là tại bon Pang so, Tiểu khu 1780, tại thôn 4 Đắk Nang, Tiểu khu 1788 và bon B’Nơr, Tiểu khu 1820.

Theo kết quả lồng ghép bản đồ quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch 3 loại rừng, trong tổng diện tích 2.131,1 ha đất người dân lấn, chiếm của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có khoảng 500 ha đất đã được quy hoạch đất trồng cây lâu năm, đất ở nông thôn, đặc biệt có nhiều diện tích đất dự kiến đưa vào quy hoạch phát triển du lịch Tà Đùng; diện tích còn lại thuộc quy hoạch 3 loại rừng.

Phá rừng, chuyển đổi rừng phòng hộ trái quy định tại Dự án Khu nghỉ dưỡng Highland Resort
Hàng trăm mét vuông rừng bị phá trái pháp luật và chuyển mục đích trái quy định tại Dự án Khu nghỉ dưỡng Highland Resort (Lâm Đồng) do Công ty cổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư