Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Đấu thầu, đấu giá: Bao giờ hết nỗi “trần ai”?
Nhiệt Băng - 03/08/2022 16:42
 
Không hiếm nhà thầu đủ năng lực nhưng vẫn “rớt đài” vì bị làm khó. Trong khi đó, cơ chế đấu giá, đấu thầu còn những điểm “giao thoa”, tạo kẽ hở cho các đối tượng liên quan lách luật.
Dự án Đập dâng sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) do liên danh trúng thầu (gồm Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam - Công ty TNHH Xây dựng Đồng Khánh - Công ty cổ phần Lilama 10 - Công ty cổ phần Máy và Thiết bị thủy lực - Công ty TNHH Thiết bị xây dựng công nghệ Nam Anh) đang triển khai xây dựng

Những lý do “khó đỡ”

Tháng 12/2021, hồ sơ mời thầu công trình xây dựng cầu Đỏ trên đường ĐT.652H (tỉnh lộ 8, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đăng tải trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia bị sai sót. Bên mời thầu là Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn tỉnh Khánh Hòa (chủ đầu tư) phải điều chỉnh, bổ sung.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Khánh Hòa thừa nhận: “Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy, hồ sơ mời thầu công trình này có sai sót. Lý do là anh em tải tài liệu lên bị nhầm, file tài liệu up lên hệ thống mạng đấu thầu trước đó là file chưa được sửa”.

Hồ sơ mời thầu mới (chỉnh sửa, bổ sung) không còn yêu cầu thiết bị trạm trộn bê tông phải đặt tại Khánh Hòa; thống nhất thời gian có hiệu lực của bảo lãnh dự thầu là 180 ngày kể từ ngày đóng thầu (thông báo mời thầu đăng trước đó có 2 thời gian có hiệu lực của bảo lãnh dự thầu là 180 ngày và 210 ngày); gia hạn thời gian đóng thầu mới đến ngày 17/12/2021 (trong thông báo mời thầu trước đó là ngày 13/12/2021 và 16/12/2021).

Hồ sơ mời thầu sửa tiêu chí yêu cầu nhà thầu đã từng thi công “công trình giao thông cầu đường bộ, kết cấu bê tông cốt thép (BTCT) và BTCT dự ứng lực có khổ cầu > hoặc = 9 m, khẩu độ nhịp > hoặc = 33 m, chiều dài cầu > hoặc = 66 m” thành yêu cầu nhà thầu từng thi công “công trình giao thông cầu đường bộ, kết cấu BTCT và BTCT dự ứng lực có khổ cầu > hoặc = 9 m, khẩu độ nhịp > hoặc = 33 m, có tối thiểu 2 nhịp”.

Thế nhưng, một doanh nghiệp phản ánh về hồ sơ mời thầu trên cho biết, vẫn còn “hoài nghi” về sự công bằng, minh bạch, khi bên mời thầu yêu cầu nhà thầu thi công có kinh nghiệm thi công cầu “có tối thiểu 2 nhịp”, “khẩu độ nhịp > hoặc = 33 m”.

Theo doanh nghiệp này, số lượng nhịp hay chiều dài cầu không phản ảnh tính chất, mức độ phức tạp của việc thi công, vì biện pháp lao lắp dầm của 1 nhịp hay nhiều nhịp cũng đều giống nhau, sử dụng cùng một loại thiết bị, công nghệ thi công.

“Chẳng lẽ, nếu công trình có ‘n’ nhịp, thì bên mời thầu cũng yêu cầu nhà thầu đã từng thi công ngần ấy nhịp hay sao? Việc bên mời thầu yêu cầu cụ thể như vậy khiến chúng tôi nghĩ đến việc có sự hạn chế nhà thầu tham gia và giảm sự cạnh tranh trong đấu thầu gói thầu này”, đại diện doanh nghiệp nói trên đặt vấn đề.

Giải thích thắc mắc của doanh nghiệp, ông Dần nêu quan điểm: “Tôi cho là không có gì gây khó dễ ở đây cả. Cầu 1 nhịp chỉ có 2 mố, nhưng cầu 2 nhịp trở lên phải có trục. Ở đây, chúng tôi muốn lựa chọn nhà thầu thực sự mạnh, có kinh nghiệm, năng lực thi công, kể cả việc liên danh chứ có ai cấm đâu....”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Trực, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn tỉnh Khánh Hòa nói: “Thiết kế sao, mình mời thầu vậy. Quy mô tương tự cũng phải cần. Cầu ngắn khác, cầu dài khác. Nhà thầu cứ phản ánh bằng văn bản, đề nghị làm rõ hồ sơ mời thầu”.

Câu hỏi đặt ra, nếu doanh nghiệp muốn tham gia đấu thầu không phát hiện và phản ánh, thì có lẽ, hồ sơ mời thầu với những tiêu chí “lạ” nói trên đã “đầu xuôi đuôi lọt”, “hạn chế” được đáng kể nhà thầu ngoại tỉnh?

Một trường hợp khác cũng lắm “lùm xùm” là Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Đường gom dọc Quốc lộ 27C Khu đô thị hành chính huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa), có giá trị 21 tỷ đồng, được mở thầu trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia vào tháng 12/2021. Gói thầu này sử dụng ngân sách huyện Diên Khánh và tỉnh Khánh Hòa, được đấu thầu rộng rãi qua mạng theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.

Thời điểm nộp hồ sơ dự thầu, có 3 doanh nghiệp tham gia là: Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thống Nhất - Công ty cổ phần Tây Bắc (Liên danh Thống Nhất - Tây Bắc), Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Khánh Anh (Công ty Khánh Anh).

Tháng 1/2022, Công ty Khánh Anh vượt qua bước đánh giá kỹ thuật và được bên mời thầu mở hồ sơ tài chính với giá dự thầu 20 tỷ đồng.

Liên danh Thống Nhất - Tây Bắc bị loại vì không đạt về năng lực. Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa cũng bị loại vì không đạt yêu cầu về kỹ thuật do không có đủ tài liệu chứng minh.

Nhưng đến phút cuối, bên mời thầu đã “bẻ kèo”, đề xuất cho Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa được bổ sung tài liệu vào hồ sơ dự thầu.

Sau khi bổ sung, kết quả đánh giá là Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa đạt yêu cầu về kỹ thuật, được mở bổ sung hồ sơ đề xuất tài chính ngày 24/5 với giá đề xuất 22 tỷ đồng; có đề xuất giảm giá 19,74%, nên giá dự thầu sau giảm giá còn 17 tỷ đồng.

Đầu tháng 6/2022, ông Võ Thành Nhân, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Diên Khánh ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà thầu trúng thầu là Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa với giá trúng thầu 18 tỷ đồng (cao hơn giá nêu tại thời điểm mở hồ sơ đề xuất tài chính hơn 1 tỷ đồng).

Cho rằng, đây là vụ đấu thầu có dấu hiệu bất thường, Công ty Khánh Anh gửi đơn kiến nghị đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị kiểm tra, làm rõ.

Liên quan vụ việc này, trả lời báo giới, ông Võ Thành Nhân, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Diên Khánh cho rằng, với những “lỗi nhỏ”, doanh nghiệp có quyền bổ sung hồ sơ nhằm tăng tính cạnh tranh, chỉ không cho phép thay đổi lớn tính chất của hồ sơ mời thầu như tài chính, năng lực kỹ thuật và “kết luận”, việc này không làm sai lệch hồ sơ dự thầu ban đầu.

Trong khi đó, một chuyên gia về đấu thầu khẳng định: “Việc bổ sung hồ sơ sau khi thấu thầu qua mạng công khai là không được phép, bởi làm thay đổi bản chất hồ sơ dự thầu của nhà thầu này trước đó”.

Khi đấu giá và đấu thầu có sự “chồng lấn”

Trên thực tế, giữa cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vẫn còn tồn tại không ít kẽ hở.

Tại Quảng Ngãi, ngày 4/4/2022, UBND tỉnh này ra quyết định công nhận Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản (BĐS) Việt Nam (trụ sở tại Hà Nội) là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện và đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện Dự án Khu đô thị Bắc Sa Huỳnh.

Việc bổ sung hồ sơ sau khi thấu thầu qua mạng công khai là không được phép, bởi làm thay đổi bản chất hồ sơ dự thầu của nhà thầu này trước đó.

Ngày 7/6/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định chấp thuận Công ty cổ phần Hạ tầng và BĐS Việt Nam là nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Bắc Sa Huỳnh, vốn đầu tư 884 tỷ đồng (vốn của nhà đầu tư là 137,081 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động).

Đáng chú ý, ngày 10/6/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chuyển 26,33 ha đất lúa trên tổng diện tích 38,67 ha đất của Dự án để nhà đầu tư thực hiện.

Trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia, việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đối với Dự án Khu đô thị Bắc Sa Huỳnh được đăng tải lần đầu vào ngày 8/2/2022. Điều lạ là, hồ sơ đính kèm lại “không tìm thấy”. Trong khi đó, khu đất thực hiện Dự án chưa giải phóng mặt bằng (GPMB).

Vậy, việc giao đất (qua đấu giá hoặc không đấu giá) có còn “tác dụng” không, hay Công ty cổ phần Hạ tầng và BĐS Việt Nam nghiễm nhiên là doanh nghiệp “không thể thay thế” khi thực hiện dự án này?

Theo PGS-TS. Nguyễn Thị Nga (Trường đại học Luật Hà Nội), cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đòi hỏi Nhà nước phải đóng vai trò trung gian thực hiện GPMB; nhà đầu tư được “miễn trừ” trách nhiệm GPMB. Hai phương thức này có sự khác nhau cơ bản. Với cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, thì khu đất thực hiện dự án đã GPMB; ngược lại, đặc trưng của đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là khu đất thực hiện dự án chưa được GPMB.

Chính sự khác nhau này dẫn đến, trong thực tế triển khai, các địa phương có thể gặp trường hợp phức tạp hơn, có sự chồng lấn, giao thoa giữa đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án.

Đó là, khu đất thực hiện dự án có một tỷ lệ nhất định là đất đã GPMB, phần còn lại chưa GPMB. Trường hợp này, nếu áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất, thì phần đất chưa GPMB sẽ không đáp ứng điều kiện tiên quyết là “đất đã được GPMB” theo Điều 119, Luật Đất đai năm 2013, cũng như yêu cầu tại điểm a, khoản 2, Điều 29 và điểm a, khoản 2, Điều 31, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

“Nếu không đấu giá quyền sử dụng đất, thì liệu có áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất hay không?”, PGS-TS. Nguyễn Thị Nga đặt vấn đề.

PGS-TS. Nguyễn Thị Nga đề xuất, khoản 3, Điều 118, Luật Đất đai năm 2013 cần sửa đổi theo hướng: trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án “mà không có người tham gia hoặc chỉ có 1 người đăng ký đấu giá”, thì được xác định là trường hợp đấu giá không thành, chứ không xác định là trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất để chỉ định nhà đầu tư.

“Đấu giá tạo tính công khai, minh bạch, cạnh tranh giữa những người tham gia (nếu chỉ có 1 người thì các tiêu chí trên hoàn toàn vô nghĩa). Việc sửa đổi như trên sẽ khắc phục tình trạng ‘móc ngoặc’ tạo ra các nhóm lợi ích”, PGS-TS. Nguyễn Thị Nga giải thích.

Nhà đầu tư nội ngoại đều không muốn đấu thầu để làm điện gió ngoài khơi
Nhiều nhà đầu tư đang “xí chỗ” lo ngại rằng, nếu đấu thầu chọn nhà phát triển ở thời gian này thì khó đạt mục tiêu có 7.000 MW điện gió...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư