Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đấu thầu thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang: Gập ghềnh đường đi cấu hình thiết bị
Ngọc Tuấn - Huy Thịnh - 28/01/2019 10:54
 
Vấn đề có hay không tiêu chí định hướng thầu, hạn chế thầu trong hồ sơ mời thầu các gói thầu thiết bị y tế dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang tiếp tục “nóng như rang”. Các tiêu chí được đặt nghi vấn có tính chất trọng yếu, có căn cứ khoa học lẫn hiệu quả điều trị thực tiễn vẫn chưa ngã ngũ.
Đại diện các nhà thầu tố định hướng, hạn chế thầu ngay trong lễ mở thầu Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang
Đại diện các nhà thầu tố định hướng, hạn chế thầu ngay trong lễ mở thầu Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang

Nghi ngờ phương pháp thiết kế cấu hình?

Ngày 23/1, Báo Đầu tư điện tử (www.baodautu.vn) đăng tải bài viết “Đấu thầu thiết bị y tế Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang: Nhiều nghi ngại “đề bài” định hướng thầu”, phản ánh nhiều nhà thầu đặt nghi vấn hàng loạt tiêu chí định hướng thầu, hạn chế thầu. Sau khi bài báo được đăng tải, đã thu hút rất nhiều độc giả quan tâm đặt câu hỏi, quy trình thiết kế cấu hình thiết bị ra sao mà có thể bỏ “lọt lưới” nhiều tiêu chí kỹ thuật gây tranh cãi đến vậy? 

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư thì, khi tiến độ Dự án Xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang dần vào giai đoạn hoàn thiện phần xây lắp, chủ đầu tư bắt đầu triển khai công tác lựa chọn nhà thầu thiết bị y tế. Việc xây dựng cấu hình bắt đầu từ khâu khảo sát, tổng hợp nhu cầu thiết bị y tế từ Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang (đơn vị thụ hưởng dự án) và Sở Y tế tỉnh Kiên Giang (chủ đầu tư). Ngày 22/8/2018, UBND tỉnh Kiên Giang có Văn bản số 1122/UBND - VHXH gửi Bộ

Y tế về việc thẩm định danh mục, cấu hình, tính năng kỹ thuật trang thiết bị y tế thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. Sau đó, Bộ Y tế đã tổ chức thẩm định và ban hành 2 văn bản (số 6206/BYT-TB-CT ngày 18/10/2018 và số 6299/BYT-TB-CT ngày 23/10/2018) về việc thỏa thuận danh mục trang thiết bị và cấu hình, tính năng kỹ thuật 6 nhóm thiết bị. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp Kiên Giang (Ban Quản lý dự án), đơn vị đóng vai trò đại diện chủ đầu tư, thực hiện các thủ tục phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và duyệt dự toán theo quy định. Ngay sau khi lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu, hồ sơ mời thầu được lập trên cơ sở cấu hình, tính năng kỹ thuật được Bộ Y tế thẩm định.

Cần phải nhắc lại rằng, ngay sau khi hồ sơ mời thầu được phát hành, có rất nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hồ sơ mời thầu, mà chủ yếu là liên quan đến cấu hình và tính năng kỹ thuật trang thiết bị y tế. Ngày 29/11/2018, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tổ chức rà soát cấu hình và tính năng kỹ thuật theo ý kiến đề nghị làm rõ của các nhà thầu, trong đó có kết hợp rà soát, đối chiếu lại với cấu hình và tính năng kỹ thuật đã được Bộ Y tế thẩm định.

Dù vậy, những nghi ngại về hồ sơ mời thầu có tiêu chí định hướng thầu chưa lắng xuống, nên ngày 7/12/2018, UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục yêu cầu rà soát lại. Thực hiện chỉ đạo này, liên tục trong các ngày 13, 17 và 19/12/2018, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tổ chức rà soát lại cấu hình, tính năng kỹ thuật theo ý kiến đề nghị làm rõ của các nhà thầu. Sở này cũng phát hành hồ sơ mời thầu các gói thầu số 59 và 61, các nhà thầu đã gửi văn bản làm rõ hồ sơ dự thầu lấy ý kiến mở rộng các đơn vị Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau các cuộc họp, Sở Y tế hoàn chỉnh lại cấu hình và tính năng kỹ thuật trang thiết bị các gói thầu, Ban Quản lý dự án tổng hợp gửi văn bản điều chỉnh hồ sơ mời thầu đến các nhà thầu.

Mặc dù hồ sơ mời thầu được điều chỉnh sau khi rà soát, nhưng “làn sóng” kiến nghị của các nhà thầu vẫn không vì thế mà lắng xuống.

Đơn cử, Văn bản số 2512 CV/2018 ngày 25/12/2018 của Công ty TNHH Tân Hạnh Nguyên; Văn bản số 02/CV-MK ngày 26/12/2018 của Công ty TNHH TM & DV Thiết bị Y tế MK; Văn bản số 01/CV-VIME ngày 27/12/2018 của Công ty cổ phần Y dược phẩm VIMEDIMEX… Tuy nhiên, sau khi kiểm tra yêu cầu làm rõ của các nhà thầu và rà soát hồ sơ mời thầu, đại diện chủ đầu tư và bên mời thầu cho rằng, các thông số kỹ thuật nhà thầu yêu cầu điều chỉnh giảm thấp hơn so với thông số được Bộ Y tế thẩm định và nội dung rà soát cấu hình, tính năng kỹ thuật của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang.

Đại diện bên mời thầu khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư rằng, “cấu hình và thông số kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu được điều chỉnh là yêu cầu tối thiểu, có nhiều nhà sản xuất trên thị trường đáp ứng được hoặc các nhà thầu tham dự thiết bị có thông số tương đương hoặc tốt hơn theo quy định của hồ sơ mời thầu”.  

Có “lọt lưới”… tiêu chí gài bẫy vì độc quyền?

Có thể nhận định, cấu hình các loại thiết bị trong hồ sơ mời thầu trong các gói thiết bị y tế Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang được xây dựng theo một quy trình rất cơ bản và hơn thế, sau khi các cơ quan hữu trách tỉnh Kiên Giang rất quan tâm giải quyết sự vụ, nhưng vì sao, làn sóng kiến nghị vẫn chưa dừng lại, các nhà thầu vẫn chưa “tâm phục, khẩu phục”? Nghi vấn bỏ “lọt lưới” nhiều tiêu chí kỹ thuật có tính chất định hướng thầu, hạn chế thầu vẫn là nút thắt khó gỡ với các cuộc thầu có giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng này và cả các nhà quản lý lẫn giới nhà thầu chưa thể yên lòng về tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh.       

Cần lưu ý rằng, thiết bị y tế, đặc biệt là thiết bị kỹ thuật cao là lĩnh vực rất đặc thù, bởi mỗi loại thiết bị chỉ có số lượng rất hữu hạn hãng sản xuất trên thế giới. Hơn thế, đặc thù tại thị trường Việt Nam là, mỗi hãng sản xuất lại cấp quyền thương mại cho một hoặc vài doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế trong nước phân phối. Đặc điểm này cho thấy thách thức chống độc quyền là nhiệm vụ khó và càng khó khả thi hơn khi đặc thù này len vào địa hạt đấu thầu, khiến các cuộc thầu thực sự là sàn đấu rát bỏng.

Phóng viên Báo Đầu tư đã thử tìm hiểu các tiêu chí bị các nhà thầu tố là định hướng thầu, hạn chế thầu để xem các tiêu chí đó có tính chất trọng yếu hay không, có căn cứ khoa học, lẫn hiệu quả điều trị thực tiễn không, nhưng nhiều nỗ lực tìm kiếm một chuyên gia độc lập để tham vấn của phóng viên đều chưa có kết quả.

Liên quan tới các tiêu chí bị đặt nghi vấn, khi tìm hiểu, phóng viên thấy rằng, mỗi thiết bị y tế đều mang bí quyết công nghệ, thậm chí có sáng chế, công nghệ đang được bảo hộ sở hữu trí tuệ độc quyền của từng hãng sản xuất. Một khi các tiêu chí này được thiết kế trong hồ sơ mời thầu, thì hiệu ứng độc quyền, hạn chế thầu không thể tránh khỏi.

Xin dẫn lại rằng, nhà thầu Công ty cổ phần Nghiên cứu và Phát triển công nghệ y tế Việt Nam “tố” máy siêu âm Doppler màu xách tay, có 2 (hoặc nhiều hơn) đầu dò trong phần yêu cầu kỹ thuật chi tiết nêu chỉ đáp ứng khi có tính năng “CrossXBeam”. Do đó, chỉ có máy của Hãng GE Healthcare đáp ứng vì tính năng CrossXBeam được đăng ký thương mại bản quyền. Một ví dụ nữa là phần cấu hình kỹ thuật hệ thống kiểm tra điện tim và hô hấp gắng sức nêu chi tiết máy Vyntus®CPX do Hãng Carefusion độc quyền sản xuất nên không thể có hãng thứ hai đáp ứng. Tương tự, nhà thầu MK tố yêu cầu kỹ thuật của máy cắt đốt bằng công nghệ Argon - Plasma chỉ có Hãng ERBE đáp ứng yêu cầu.

Cuối tuần qua, nhà thầu MK cho biết, đơn khiếu nại mà nhà thầu này gửi tới Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang chưa được phúc đáp. Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, UBND tỉnh Kiên Giang đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thành lập tổ liên ngành để giám sát việc lựa chọn nhà thầu thiết bị y tế tại Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trong một diễn biến khác, đại diện đơn vị tư vấn đấu thầu của Dự án (Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Nam Sài Gòn) thông tin cho phóng viên Báo Đầu tư biết, đơn vị này tiếp tục chấm hồ sơ đề xuất kỹ thuật các gói thầu đã mở, các gói thầu khác tiếp tục gia hạn mở thầu tới thời điểm sau Tết Nguyên đán.

Kiên Giang: Khiếu nại, nghi ngờ chủ đầu tư định hướng cho nhà thầu trong gói thầu mua thiết bị dạy học
Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang ra Thông báo thụ lý đơn khiếu nại tố cáo của nhà thầu Nam Phương, với lý do Chủ đầu tư là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư