Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đấu thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang: Cuộc tháo lui của những nhà thầu gây ồn ã
Ngọc Tuấn - Huy Thịnh - 18/02/2019 11:18
 
Trong lúc tổ liên ngành giám sát việc lựa chọn nhà thầu đang làm rõ vấn đề có hay không tiêu chí định hướng thầu, hạn chế thầu, thì có dấu hiệu bên mời thầu “phản pháo” các nhà thầu kiến nghị liên quan tới nội dung tư cách nhà thầu.
Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang có nguy cơ vỡ tiến độ do những rắc rối ở khâu lựa chọn nhà thầu thiết bị y tế. Ảnh: Huy Thịnh
Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang có nguy cơ vỡ tiến độ do những rắc rối ở khâu lựa chọn nhà thầu thiết bị y tế. Ảnh: Huy Thịnh

Phản pháo về tư cách nhà thầu

Sau khi Báo Đầu tư đăng bài “Đấu thầu thiết bị y tế Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang: Nhiều nghi ngại “đề bài” định hướng thầu” (ngày 23/1) và bài “Đấu thầu thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang: Gập ghềnh đường đi cấu hình thiết bị” (ngày 28/1) phản ánh làn sóng nhà thầu đặt nghi vấn nhiều tiêu chí định hướng thầu, hạn chế thầu tại các gói thầu thiết bị y tế, thì bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu (Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Nam Sài Gòn) đã có những động thái “phản pháo” liên quan tới nội dung “tư cách hợp lệ” hướng tới một số nhà thầu có văn bản kiến nghị.

Thông tin cho phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Phước Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Nam Sài Gòn cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy, có 3 trong số các nhà thầu kiến nghị không có tư cách hợp lệ theo luật định.

Cụ thể, nhà thầu có kiến nghị ở gói thầu số 59 (Công ty cổ phần Nghiên cứu và phát triển công nghệ Y tế Việt Nam - trụ sở tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội) không có đăng ký trên mạng thông tin đấu thầu, không đăng ký đủ điều kiện kinh doanh thiết bị y tế theo Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; Nhà thầu có kiến nghị ở gói thầu số 61 (Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ thiết bị y tế MK - trụ sở tại quận Phú Nhuận, TP.HCM) dù đã đăng ký trên mạng thông tin đấu thầu, nhưng chưa nộp lệ phí theo quy định và cũng không đăng ký đủ điều kiện kinh doanh thiết bị y tế theo Nghị định số 36/2016/NĐ-CP.

Đặc biệt nhất là, nhà thầu có kiến nghị rất gay gắt tại gói thầu số 59 là Công ty TNHH Công nghệ Phương Nam (trụ sở tại quận 9, TP.HCM) không những không đăng ký trên mạng thông tin đấu thầu, không đủ điều kiện kinh doanh thiết bị y tế theo Nghị định số 36/2016/NĐ-CP, mà còn đang trong thời gian ngừng hoạt động từ 17/7/2018 và chờ hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.

Cần phải nhắc rằng, điểm c và điểm d, Khoản 1, Điều 5 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư như sau: nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ điều kiện, “không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật” và “đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”.

Còn tại Điều 37, Chương 5, Nghị định số 36/2016/NĐ-CP về điều kiện mua bán trang thiết bị y tế quy định, “điều kiện của cơ sở mua bán trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D phải có đội ngũ nhân viên kỹ thuật có trình độ phù hợp để thực hiện lắp đặt, hướng dẫn sử dụng phù hợp với loại trang thiết bị y tế mà cơ sở mua bán, trong đó có ít nhất 1 nhân viên kỹ thuật có trình độ cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành y, dược hoặc cao đẳng kỹ thuật trang thiết bị y tế trở lên, hoặc có trình độ cao đẳng trở lên mà chuyên ngành được đào tạo phù hợp với loại trang thiết bị y tế mà cơ sở mua bán” và “có kho đáp ứng yêu cầu theo quy định… và có phương tiện vận chuyển từ cơ sở mua bán đến nơi giao hàng phù hợp với yêu cầu... Trường hợp không có kho bảo quản hoặc phương tiện vận chuyển phải có hợp đồng với cơ sở đủ năng lực để bảo quản và vận chuyển trang thiết bị y tế”. Việc phân loại trang thiết bị y tế dựa trên mức độ rủ ro tiềm ẩn liên quan đến thiết kế kỹ thuật và sản xuất. Các đơn vị, doanh nghiệp, nhà thầu phải lập hồ sơ và thủ tục trước khi được cơ quan hữu trách công bố đủ điều kiện mua bán thiết bị y tế.

Ông Thiện khẳng định, các thông tin về tư cách của nhà thầu được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia www.muasamcong.mpi.gov.vn và Hệ thống dịch vụ công trực tuyến/Quản lý trang thiết bị y tế tại địa chỉ www.dmec.moh.gov.vn của Bộ Y tế. Vị đại diện đơn vị tư vấn đấu thầu cũng cho biết thêm, đây là 3 nhà thầu có kiến nghị quyết liệt nhất. Theo đó, các nhà thầu kể trên không chỉ kiến nghị bằng văn bản, mà có nhà thầu còn tranh luận gay gắt ngay tại lễ mở thầu.

Sự thoái lui khó hiểu

Ông Nguyễn Phước Thiện đặt nghi vấn, vì sao các nhà thầu biết mình không đủ tư cách hợp lệ theo quy định pháp luật, nhưng vẫn tham gia dự thầu, vẫn kiến nghị và tuyên bố hùng hồn “họ chỉ cần chủ đầu tư, bên mời thầu làm đúng theo luật định”!?

Trong khi những kiến nghị từ “làn sóng” các nhà thầu đang được UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế và Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang xem xét giải quyết, phóng viên Báo Đầu tư cũng đã nỗ lực độc lập tìm hiểu về những tiêu chí mà các nhà thầu cho là định hướng, hạn chế thầu. Theo đó, phóng viên Báo Đầu tư đề nghị các nhà thầu cung cấp bổ sung hồ sơ tài liệu để chứng minh quan điểm của mình.

Rất tiếc, hơn 3 tuần đã trôi qua, nhưng các nhà thầu kể trên vẫn thể hiện động thái lừng khừng trong việc cung cấp tài liệu. Dù nhiều lần hối thúc, nhưng các nhà thầu đều “im hơi lặng tiếng” một cách khó hiểu, khiến chúng tôi mường tượng về một kịch bản “không mấy hay ho” về cuộc thoái lui của các nhà thầu này.

Phải hiểu như thế nào sau động thái kiến nghị gay gắt, ồn ào và kéo nhiều cơ quan truyền thông vào cuộc lại là sự im lặng? Theo chúng tôi, có 3 cách lý giải về sự im lặng đó.

Một là, các nhà thầu đã đuối lý.

Hai là, các nhà thầu chịu một sức ép “khó nói” nào đó.

Ba là, việc cố làm rùm beng sự việc nhằm tìm kiếm một thỏa hiệp nào đó, kiểu như “bắt tay dười gầm bàn”.

Thực tế, với những ồn ã đã diễn ra lại được tiếp nối bằng sự im lặng “đáng ngờ”, không ai dám chắc chuyện gì đang xảy ra với các kiến nghị tại cuộc thầu thiết bị y tế có giá trị hàng trăm tỷ đồng. 

Cần khẳng định rằng, kiến nghị khi lợi ích hợp pháp của nhà thầu bị ảnh hưởng là quyền được pháp luật đấu thầu quy định rõ. Nhưng trên thực tế, nhiều sự việc cho thấy hiện tượng lợi dụng kiến nghị để đề xuất những ý kiến phi lý, dù cơ quan tiếp nhận kiến nghị đã trả lời. Hệ lụy cho các cuộc thầu là mất thời gian, công sức của các cơ quan hữu trách giải quyết cũng như làm chậm trễ tiến trình lựa chọn nhà thầu, ảnh hưởng tiến độ của dự án.

Xin nhấn mạnh lại rằng, tại các gói thầu thiết bị y tế Dự án Xây dựng Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, các nhà thầu “tố” bên mời thầu bỏ lọt nhiều tiêu chí kỹ thuật có tính chất định hướng thầu, hạn chế thầu.

Với nút thắt trên đây, các nhà quản lý cũng như chủ đầu tư, bên mời thầu chưa thể yên lòng về tính minh bạch, cạnh tranh. Thêm nữa những động thái im lặng mới của các nhà thầu có thể khiến cuộc thầu trở nên rối như mớ bòng bong. 

Báo Đầu tư sẽ tiếp tục cập nhật để chuyển tới bạn đọc những diễn biến của cuộc thầu đáng chú ý này.

Đấu thầu thiết bị y tế dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang: Nhiều nghi ngại “đề bài” định hướng thầu
Trước và ngay trong lễ mở thầu hàng loạt nhà thầu kiến nghị liên quan tới cấu hình thiết bị y tế mời thầu dấy lên nhiều lo ngại đề bài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư