Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Dầu thô thế giới trượt giá do lo ngại nhu cầu giảm
Đông Phong - 16/07/2024 15:58
 
Bất luận tín hiệu cắt giảm lãi suất từ Fed, dầu thô thế giới hôm 16/7 vẫn trượt giá do lo ngại nền kinh tế Trung Quốc chững lại sẽ kéo giảm nhu cầu mặt hàng này.
Tàu chở dầu thô cập cảng dầu ngoài khơi ở thành phố Chu San, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Tàu chở dầu thô cập cảng dầu ngoài khơi ở thành phố Chu San, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 57 cent, tương đương 0,67%, xuống 84,28 USD/thùng vào lúc 06:30 (giờ GMT) trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 59 cent, tương đương 0,72%, xuống 81,32 USD/thùng.

Chiến lược gia thị trường tại hãng môi giới giao dịch tài chính IG (Vương quốc Anh), ông Yeap Jun Rong, cho rằng dữ liệu kinh tế Trung Quốc suy yếu trong quý II/2024 "làm dấy lên một số nghi ngờ về việc liệu những người tham gia thị trường có lạc quan quá mức về triển vọng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc hay không".

Dữ liệu chính thức cho thấy Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đạt tăng trưởng 4,7% trong quý II/2024, mức thấp nhất kể từ quý I/2023 và thấp hơn mức dự báo 5,1% trong cuộc thăm dò của Reuters. Tăng trưởng quý II cũng thấp hơn so với mức tăng trưởng 5,3% của quý trước, do lực cản của sự suy thoái bất động sản kéo dài và tình trạng thất nghiệp.

"Số liệu về GDP và doanh số bán lẻ trong quý II đã gây ngạc nhiên với mức giảm đáng kể, trong khi kỳ vọng về các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn từ Hội nghị toàn thể lần thứ 3 (Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX - BTV) có thể phải đối mặt với nguy cơ thất vọng", ông Yeap nhận định.

Tại Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed), ông Jerome Powell, cho biết hôm 15/7 rằng ba chỉ số lạm phát của nước này trong quý II đã "củng cố thêm phần nào niềm tin" rằng tốc độ tăng giá đang quay trở lại mục tiêu 2% của Fed một cách bền vững. Bình luận này của người đứng đầu Fed được hiểu là viễn cảnh Fed chuyển hướng sang cắt giảm lãi suất sẽ không còn xa nữa và rất có thể quyết định hạ lãi suất sẽ được đưa ra tại cuộc họp chính sách vào tháng 9 tới.

Lãi suất thấp hơn đồng nghĩa với chi phí đi vay cũng giảm theo, điều này có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế cũng như nhu cầu dầu mỏ.

Mỹ dự kiến công bố doanh số bán lẻ trong tháng 6 vào cuối ngày hôm nay 16/7 (giờ Mỹ). Doanh số này được dự đoán giảm 0,3% so với tháng 5.

Một số nhà phân tích cảnh báo rằng giá cả các mặt hàng neo cao quá mức cùng với một số dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ suy yếu, chẳng hạn như doanh số bán lẻ, có thể gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ trong thời gian tới.

"Các yếu tố vĩ mô không ủng hộ giá dầu cao hơn trong thời gian tới (giới hạn dưới 85 USD/thùng đối với dầu thô WTI) do triển vọng doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 6 suy yếu hơn", ông Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao tại sàn giao dịch ngoại hối OANDA (Mỹ), nhận định. 

Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 89 USD/thùng trong nửa cuối năm 2024, tăng 5 USD/thùng so với mức giá trung bình nửa đầu năm. Lý do mà họ dự đoán giá dầu tăng cao hơn là do kỳ vọng lượng tồn kho dầu toàn cầu liên tục giảm.

"Chúng tôi ước tính tồn kho dầu mỏ toàn cầu giảm 0,5 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2024 và sẽ giảm 0,7 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm. Việc rút hàng tồn kho một phần xuất phát từ việc cắt giảm sản lượng của OPEC+, mà liên minh này đã tuyên bố vào đầu tháng 6 rằng sẽ duy trì ở mức hiện tại cho đến ít nhất là cuối tháng 9", Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ lý giải.

Dầu thô trượt dốc, đô la Mỹ mạnh lên do kỳ vọng lãi suất
Giá dầu ngày 22/5 tiếp tục giảm trong phiên thứ ba liên tiếp, còn đồng đô la Mỹ mạnh lên do dự đoán Fed sẽ giữ lãi suất cơ bản cao hơn và lâu hơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư