Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Đầu tư cho năng lượng vướng trăm bề
Thanh Hương - 09/02/2020 13:11
 
Nhiều dự án năng lượng lớn và mới chưa được triển khai càng khiến mối lo về an ninh năng lượng lớn thêm.
Trung tâm Điện lực Phú Mỹ (Bà Rịa Vũng Tàu). Ảnh: T.H
Trung tâm Điện lực Phú Mỹ (Bà Rịa Vũng Tàu). Ảnh: T.H

Dầu khí khó đủ bề

Trong Báo cáo tổng kết năm 2019 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nhắc tới thực trạng khó khăn trong việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí, lẫn triển khai các dự án lớn của ngành này.

Trong năm 2019, giá trị thực hiện đầu tư của PVN đạt 30.400 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch năm. Trước đó, năm 2018, giá trị thực hiện đầu tư của PVN cũng chỉ là 40.900 tỷ đồng, bằng 53% kế hoạch năm.

Ở mảng khai thác dầu khí, hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác năm 2019 chỉ đạt 0,63 lần và là năm thứ 4 liên tiếp, kể từ năm 2016 tới nay, tiếp tục ở mức báo động.

Cụ thể, số giếng khoan thăm dò thẩm lượng năm 2019 vẫn tiếp tục khiêm tốn so với năm 2011 - 2015, tiềm năng dầu khí chưa phát hiện còn lại được đánh giá tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ, trong khi khu vực này cần công nghệ khoan sâu, đầu tư lớn, rủi ro cao.

Trong năm 2019, các doanh nghiệp dầu khí chỉ thực hiện được 11 giếng khoan thăm dò, thẩm lượng (bằng đúng số giếng khoan trong các năm từ 2016 - 2018), chưa được 50% về số lượng nếu so với giai đoạn 2011 - 2015. Cũng chỉ có một phát hiện dầu khí mới, trong khi giai đoạn 2011 - 2015 có tổng cộng 22 phát hiện dầu khí mới.

Đáng nói là, trong khi các phát hiện mới không dồi dào so với giai đoạn trước, thì các mỏ đang khai thác lại gặp tình trạng suy giảm với tốc độ nhanh hơn so với dự kiến.

Các dự án trọng điểm như Cá Voi Xanh, Lô B dù đã được phê duyệt mức giá khí miệng giếng từ năm 2017, nhưng hiện tại vẫn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu được PVN cho rằng, do các dự án đầu tư hạ nguồn bị chậm, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư tại các khâu thượng nguồn và trung nguồn.

Các dự án năng lượng khác của ngành dầu khí là Nhiệt điện Thái Bình 2, hay Nhiệt điện Long Phú 1 vẫn chưa có hướng giải quyết khó khăn vướng mắc từ các cơ quan hữu trách, nên vẫn tắc như đã diễn ra mấy năm nay.

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV của PVN cho rằng, không thể yên tâm và không làm tốt hơn được nữa, khi mà 4 năm nay, cơ chế quản lý tài chính mới cho PVN vẫn chưa được ban hành.

Điện giảm giá trị đầu tư

Đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2019 cũng tiếp tục đường xuống dốc đã bắt đầu từ năm 2016 trở đi.

Năm 2019, giá trị khối lượng đầu tư toàn Tập đoàn ước đạt 100.480 tỷ đồng, bằng 95,8% kế hoạch. Giá trị giải ngân ước đạt 98.748 tỷ đồng, bằng 94,1% kế hoạch.

Đáng nói là, việc đầu tư xây dựng cơ bản tại EVN vẫn đang tiếp đà đi xuống từ năm 2016 trở lại đây, khi giá trị khối lượng đầu tư năm sau giảm hơn năm trước. Theo đó, năm 2016, giá trị khối lượng đầu tư toàn EVN là 134.858 tỷ đồng; năm 2017 giảm xuống còn 130.934 tỷ đồng; năm 2018 chỉ còn 118.894 tỷ đồng.

Năm 2019, EVN đã phải huy động gần 1,8 tỷ kWh điện và tới năm 2020, kế hoạch là huy động ít nhất 3,4 tỷ kWh điện chạy dầu. Theo cân đối tối đa các nguồn hiện có, sản lượng điện thiếu trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ từ 1,2 tỷ - 8,9 tỷ kWh/năm, nhưng thách thức vẫn còn rất lớn.

Theo kế hoạch, năm 2020, giá trị đầu tư của EVN tiếp tục đi xuống với ước tính thực hiện 93.216 tỷ đồng. Không chỉ có nhiều dự án điện lớn của EVN khó triển khai thời gian qua, mà nhìn rộng ra toàn ngành điện, đã có sự chững lại của các dự án lớn.

Báo cáo của Bộ Công thương với Ban chỉ đạo Điện quốc gia hồi tháng 12/2019 cho hay, trong số 62 dự án điện (mỗi dự án có công suất trên 200 MW) được nêu trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch.

Tăng nhập khẩu than

Năm 2019, khối lượng than nhập khẩu vào Việt Nam đã bất ngờ tăng cao với 43,8 triệu tấn, trị giá 3,79 tỷ USD. Trước đó, năm 2018, đã có 22,8 triệu tấn than được nhập khẩu với trị giá 2,55 tỷ USD. Đây cũng là năm đầu tiên, lượng than nhập khẩu xấp xỉ lượng than sản xuất trong nước.

Với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV), năm 2019 đã đạt sản lượng than nguyên khai sản xuất là 40,5 triệu tấn và sản lượng tiêu thụ là 44 triệu tấn.

Trao đổi với báo giới, ông Hoàng Quang Trung, Phó tổng giám đốc TKV cho hay, năm 2019, TKV nhập khẩu 6 triệu tấn than để về phối trộn, song việc nhập khẩu cũng có những thách thức nhất định. “TKV vừa phải đảm bảo chứng minh than nhập về rẻ, cạnh tranh, minh bạch. Nhưng ngược lại, khi duy trì khối lượng lớn như vậy mà cái gì cũng đưa ra đấu thầu thì không có bạn hàng lớn và dài hạn. Khi chào thầu mua than, có thực tế nhiều đối tác lớn mà chúng tôi kỳ vọng họ sẽ tham gia bán hàng lại không thấy xuất hiện”, ông Trung nói.

Về việc triển khai 4 dự án điện lớn gồm: Na Dương II, Quỳnh Lập I, Cẩm Phả III và Hải Phòng III, ông Trung cũng cho hay, những gì trong khả năng làm được thì doanh nghiệp cũng đã làm hết sức, nhưng bây giờ vướng mắc liên quan đến thu xếp vốn và khi không có bảo lãnh của Chính phủ thì nhà cho vay phải cân nhắc kỹ càng. Ngoài ra, có những dự án nhiệt điện than, dù mất mấy năm để thỏa thuận địa điểm với địa phương, nhưng vẫn chưa chốt được nên gặp khó.

Năng lượng tái tạo có thực sự sạch
Dù Việt Nam sở hữu hầu hết các nguồn năng lượng tái tạo với nhiều nguồn có trữ lượng lớn, nhưng Tiến sỹ Nguyễn Duy Tâm (Đại học Nanyang,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư