Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Đầu tư giảm nghèo kiểu “một con gà 4 - 5 người ăn”
Nam Kinh - 24/10/2013 12:52
 
(baodaut.vn) Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 vào sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về tỷ lệ giảm nghèo, đặc biệt là vốn đầu tư cho xóa đói giảm nghèo. >>> >>> >>> >>>
TIN LIÊN QUAN

“Chưa nói tới tình hình sản xuất - kinh doanh khó khăn khiến giảm nghèo bị tác động rất lớn, cứ tin tỷ lệ giảm nghèo năm nay đạt 2% là chính xác thì có thể nhận định, hiệu quả giảm nghèo đạt hiệu quả không cao”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, tỉnh Thái Nguyên phát biểu.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Yên Bái, Nam Định, Quảng Bình và Tây Ninh
thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013

Ông Hùng dẫn chứng, theo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 giảm 2% tức là giảm được khoảng 500 ngàn hộ, nhưng để đạt được kết quả này, ngân sách phải đầu tư 90 ngàn tỷ đồng.

“Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây cho biết, thực tế tiền đầu tư cho xóa đói giảm nghèo năm 2013 lên tới 120 ngàn tỷ đồng chứ không phải là 90 ngàn tỷ đồng. Nhưng nếu cứ lấy con số 90 ngàn tỷ đồng mà chia cho 500 ngàn hộ thì để giảm được một hộ nghèo, ngân sách phải chi ra 180 triệu đồng. Như vậy có thể thấy, hiệu quả của việc giảm nghèo không cao”, ông Hùng dẫn chứng.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cũng cho rằng, số tiền đầu tư cho xóa đói giảm nghèo 90 ngàn tỷ đồng là chưa chính xác.

“Tôi đã hỏi nhiều bộ ngành về vấn đề này và được biết, do có nhiều chương trình, dự án khác nhau đều hướng đến giảm nghèo, nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nên không thể bóc tách nguồn vốn đầu tư cụ thể cho giảm nghèo là bao nhiêu”.

“Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân… đều tính vào đầu tư cho giảm nghèo, tương tự như 4-5 người ăn một con gà nên chỉ một con gà nhưng được tính thành 4-5 con gà”, ông Thành ví von.

“Cần phải đánh giá thật khách quan số liệu về giảm nghèo”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị và dẫn chứng, Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam được trình bày tại Phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ 6.

Theo Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri, thu nhập của người nông dân hiện chỉ vào khoảng 4,2 triệu USD/năm, tương đương 200 USD/năm, tức là bằng với mức thu nhập bình quân đầu người cách đây hơn 20 năm - thời kỳ mà Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới.

“Mức chuẩn nghèo hiện nay là thu nhập đầu người 400 ngàn đồng/tháng, 4,8 triệu đồng/năm, vì vậy, nếu Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri chính xác thì hơn 50 triệu người nông dân hiện nay đều thuộc diện nghèo hết”, ông Hùng bày tỏ sự nghi ngờ về các số liệu.

Đến từ địa phương vừa phải hứng trọn 2 cơn bão, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, ông Hoàng Đăng Quang lo ngại tỷ lệ giảm nghèo năm nay khó có thể đạt 2%.

“Tài sản của rất nhiều người dân đã bị tan hoang theo bão, thiệt hại về kinh tế của Quảng Bình rất nặng nề, nhiều địa phương trong tỉnh bị kéo lùi sự phát triển 3-5 năm”, ông Quang ngậm ngùi.

Theo ông Quang, để hỗ trợ người dân vượt qua cơn bĩ cực hiện nay, hệ thống ngân hàng phải sớm khoanh nợ, giãn nợ, xem xét xóa nợ gốc và lãi đối với phần vốn vay đầu tư bị thiệt hại do 2 cơn bão vừa qua, đồng thời phải tiếp tục cho hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn vay vốn để khắc phục sản xuất thì mới có thể thoát nghèo.

“Doanh nghiệp không vay được vốn do nợ xấu thì phải thu hẹp sản xuất, giải thể, phá sản, ngừng hoạt động và người lãnh hậu quả đầu tiên chính là người lao động. Người lao động mất việc làm, thiếu việc làm thì gia đình họ khó có thể thoát nghèo. Vì vậy, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) không chỉ xử lý nợ xấu ở các ngân hàng lớn, ngân hàng mẹ ở Trung ương mà phải xuống tận địa phương xử lý nợ xấu của chi nhánh các ngân hàng trên địa bàn mới giải quyết được bài toán vốn cho doanh nghiệp, mới ngăn chặn được hiệu ứng đóng cửa, giải thể, phá sản, ngừng hoạt động mới có thể giảm nghèo được”, ông Quang đề xuất.

Đứng trên góc độ giảm nghèo bền vững, đại biểu tỉnh Gia Lai, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước lập luận: “Muốn giảm nghèo thì nền kinh tế phải phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tương lai vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn đầu tư, vì vậy, ngoài nguồn vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước phải gia tăng đầu tư từ nguồn vốn khác”.

“Ở các nền kinh tế phát triển, nguồn vốn đầu tư chủ yếu dựa vào thị trường chứng khoán, còn nước ta lại dựa chủ yếu vào vốn vay ngân hàng vì thị trường chứng khoán Việt Nam không phát triển do thiếu minh bạch. Thị trường này mà không minh bạch thì làm sao thu hút được nhà đầu tư, doanh nghiệp làm sao huy động vốn được. Muốn giảm nghèo bền vững, ngoài việc thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia hiện có phải làm sao cho thị trường chứng khoán ấm lên”, ông Ksor Phước phát biểu.

PJICO xử lý nhanh tổn thất bão số 10
Thông tin sơ bộ ban đầu từ khách hàng tham gia bảo hiểm tại Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho hay, tổng thiệt hại ước tính do...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư