Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đầu tư lớn cho công nghệ, ngân hàng lại lo bảo mật
Thùy Liên - 09/09/2018 09:00
 
Tích cực đổi mới và ứng dụng công nghệ, song việc tiếp cận và xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ đó sao cho không bị rối và hiệu quả vẫn là thách thức lớn với nhiều ngân hàng Việt Nam. Hiện rủi ro lớn nhất mà các ngân hàng phải đối mặt khi đầu tư các sản phẩm, dịch vụ số là an toàn bảo mật và hành lang pháp lý chưa hoàn thiện.
TIN LIÊN QUAN

Sắp xuất hiện dịch vụ chuyển tiền bằng blockchain

Cuộc sống số đang khiến thói quen của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng. Đây cũng là lý do các ngân hàng bị cuốn vào cuộc đua số hóa, mạnh tay ứng dụng công nghệ để không bị người tiêu dùng “bỏ rơi”. Hàng loạt dịch vụ chưa từng có dần xuất hiện.

Trong tháng 7 năm nay, giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng bằng blockchain đầu tiên tại Việt Nam đã được thử nghiệm thành công. Thử nghiệm do Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia (Napas) phối hợp cùng 3 ngân hàng (VietinBank, VIB, TPBank)  thực hiện, sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép triển khai.

TPBank là một trong những ngân hàng mạnh tay đầu tư cho ngân hàng số.
TPBank là một trong những ngân hàng mạnh tay đầu tư cho ngân hàng số.

“Chuyển tiền bằng blockchain không nên chỉ dừng ở thử nghiệm, mà NHNN cần có lộ trình để ứng dụng này trở nên phổ biến hơn”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank hào hứng đề nghị.

Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, chuyển tiền bằng blockchain không chỉ nhanh, rẻ, mà còn chống được gian lận và đảm bảo an ninh hơn rất nhiều cách chuyển tiền truyền thống. Việc hệ thống chuyển tiền quốc tế danh tiếng SWIFT bị tấn công, 81 triệu USD từ Ngân hàng Trung ương Bangladesh bị tin tặc cuỗm mất chính là lời cảnh báo cho thấy, cách chuyển tiền truyền thống đang trở nên lỗi thời và tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó tổng giám đốc Napas cho hay, ứng dụng blockchain khả thi nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực chuyển tiền và thanh toán. Hiện hệ thống chuyển tiền giữa các ngân hàng Việt khá tốt, tiền gần như đã được chuyển theo thời gian thực. Tuy nhiên, quy trình nội tại của hệ thống ngân hàng chưa hiệu quả, phát sinh chi phí cho mỗi bên. Vì vậy, chuyển tiền bằng blockchain sẽ tiết kiệm được chi phí không nhỏ cho cả hệ thống.

Theo NHNN, cơ quan quản lý nhà nước vẫn khuyến khích sử dụng điện toán đám mây, Big Data… hơn là blockchain, một phần do các ngân hàng chưa hiểu nhiều về blockchain. Tuy nhiên, thử nghiệm thành công đã cho phép kỳ vọng một tương lai gần, người dân có thể nhanh chóng chuyển tiền qua blockchain, mà không cần lo bảo mật hay chi phí.

Ngân hàng lúng túng khai thác dữ liệu

Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, các ngân hàng Việt Nam đang đi đầu trong đổi mới và ứng dụng công nghệ. Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng thương mại đã đầu tư lớn về công nghệ, ứng dụng hàng loạt công nghệ số nền tảng mới, các giải pháp sáng tạo, số hóa, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và làm phong phú thêm trải nghiệm của khách hàng.  

Có thể kể tên một số ngân hàng mạnh tay đầu tư cho ngân hàng số như: TPBank có Live Bank, VPBank có ngân hàng số TIMO, VCB có Digital Lab, MB có trợ lý ảo, VietinBank có corebank thế hệ mới tích hợp cao… Tuy vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo, trong thời đại số, hệ thống thông tin, dữ liệu là rất lớn, song tiếp cận và xử lý khối lượng dữ liệu đó sao cho không bị rối và hiệu quả vẫn là thách thức lớn với các nhà băng.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank thừa nhận, trong thời đại cách mạng công nghệ, thông tin có khắp mọi nơi, song các ngân hàng phải biết sử dụng trí tuệ nhân tạo thì mới khai thác được Big Data, nếu không cũng không thể sử dụng được dữ liệu đó vào phục vụ khách hàng.

Hiện tại, làm thế nào để tăng mức độ tương tác với khách hàng, thấu hiểu nhu cầu của khách hàng một cách nhanh nhạy đang là thách thức lớn nhất với các nhà băng. Một trong những hướng đi đang được nhiều ngân hàng lựa chọn là bắt tay với các công ty công nghệ tài chính (fintech) để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Đây cũng là lý do khiến vài năm gần đây, hệ sinh thái của ngân hàng được mở rộng với sự xuất hiện của gần 100 fintech. 

“Các ngân hàng thường cồng kềnh, chậm đổi mới, sáng tạo, trong khi fintech tuy mới thành lập, nhưng lại năng động, sáng tạo và sẵn sàng đối mặt với thất bại. Do đó, sự kết hợp sẽ giúp hai bên tận dụng được lợi thế của nhau”, ông Trần Công Quỳnh Lân nói.

Hiện tại, rủi ro lớn nhất mà các ngân hàng phải đối mặt khi đầu tư các sản phẩm, dịch vụ số là an toàn bảo mật và hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết, do đã đầu tư bảo mật rất lớn cho hệ thống ngân hàng lõi, nên khả năng bị tấn công từ bên trong là rất ít. Song đáng lo là, có tới 2/3 lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện nay chưa có ý thức giữ gìn bảo mật thông tin tài khoản. “Chúng ta có thể khóa vài trăm cửa, nhưng chỉ cần một cửa không khóa thì cũng không có tác dụng”, ông Nguyễn Hưng nhận định.

Để đảm an toàn hệ thống và đẩy nhanh tốc độ số hóa của toàn ngành, NHNN đang hoàn thiện chuẩn cuối cùng về thẻ chip nội địa. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng sẽ hoàn thiện khung pháp lý về fintech ngay trong tháng 9/2018, để tạo điều kiện cho các ngân hàng, fintech đưa các sản phẩm, dịch vụ số đi vào cuộc sống.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư