Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đẩy mạnh tuyên truyền những mô hình hợp tác xã thành công
Hồ Hạ - 09/11/2022 07:36
 
Để góp phần phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới, báo chí cần phải góp phần phát hiện, nhân rộng các mô hình thành công ở tất cả các lĩnh vực.
Toàn cảnh Hội nghị Tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới, do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, chiều 8/11/2022.

Kênh thông tin hữu hiệu

Tại Hội nghị Tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới, chiều 8/11/2022, do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên có một hội nghị quy mô lớn, kết hợp nhiều gian trưng bày sản phẩm của các hợp tác xã để báo chí có cơ hội trực tiếp thị sát, tuyên truyền thúc đẩy các thương hiệu sản phẩm của hợp tác xã tới người dân trong cả nước.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, báo chí đã trở thành một trong những kênh thông tin hữu hiệu nhất hiện nay trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, là cầu nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và người tiêu dùng, giúp người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tìm đến với nhau. Qua đó triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thông qua việc giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định, báo chí đã trở thành một trong những kênh thông tin hữu hiệu nhất hiện nay trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, là cầu nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và người tiêu dùng,...

Theo đồng chí Lê Quốc Minh, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế rộng rãi, tham gia sâu vào các diễn đàn kinh tế đa phương, các hiệp định thương mại toàn cầu, báo chí có vai trò nổi bật trong việc cung cấp thông tin thị trường thế giới, làm rõ các vấn đề luật pháp quốc tế, phân tích ưu nhược điểm của các hiệp định thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy xuất khẩu, giúp hàng hóa của hợp tác xã làm ra tiếp cận được các thị trường lớn. 

“Nhờ thông tin báo chí, nhiều hợp tác xã đã bước đầu tận dụng được cơ hội từ EVFTA và các FTA khác mang lại, mở ra con đường đưa sản phẩm Việt Nam đến EU và nhiều thị trường quan trọng của thế giới”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Quả thực, không dừng lại ở việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, nhiều khó khăn, vướng mắc của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng được báo chí đi sâu, phản ánh trung thực, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ...

Ngày nay, báo chí tiếp tục đồng hành tích cực cùng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. 

Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghệ thông tin phát triển như vũ bão ngày nay, nhu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ, nhu cầu chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội đang ngày càng mạnh mẽ.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang trong quá trình thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự liên kết, hợp tác thông qua các mô hình hợp tác xã, liên minh hợp tác xã. Từ đó,hướng đến sự ra đời của các khu sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn và các chuỗi liên kết sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm,… thì chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn và cấp thiết.

Do vậy, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh, báo chí với vai trò định hướng tư tưởng xã hội cần nỗ lực tuyên truyền để các hợp tác xã hiểu rõ hơn những khó khăn, thuận lợi, và trên hết là lợi ích mà chuyển đổi số mang lại trong sản xuất, kinh doanh, từ đó thay đổi nhận thức, tư duy, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Các đại biểu tham quan gian hàng.

Đi sâu khai thác đề tài về tính liên kết

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư bày tỏ mong muốn dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, ngoài việc làm sao tuyên truyền những quan điểm cốt lõi của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã để nâng cao nhận thức; thì quan trọng nhất báo chí phải góp phần phát hiện, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã thành công. Vì khi có mô hình giúp kinh tế hộ gia đình, cá nhân làm giàu thì đó chính là hiệu quả, động lực chính để áp dụng nguyên tắc tự nguyện.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Anh Tuấn còn nhấn mạnh: “Báo chí phải tăng cường tuyên truyền và tuyên truyền đậm nét, đa chiều về tính liên kết để kinh tế tập thể, hợp tác xã thành công”. Vì theo quan sát của vị Tổng biên tập, hiện nay báo chí ít bàn đến chuyện đó trên mặt báo, kể cả một số báo chuyên ngành hàm lượng các bài viết phổ biến cách thức liên kết thành công cũng chưa nhiều, thậm chí rất ít.

TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Báo chí phải tăng cường tuyên truyền và tuyên truyền đậm nét, đa chiều về tính liên kết để kinh tế tập thể, hợp tác xã thành công".

Trong khi đó, kinh tế hợp tác xã không thể tồn tại ở một khu vực bó hẹp của kinh tế hợp tác xã mà phải liên kết với nhau và liên kết với các thành phần kinh tế khác, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Dẫn chứng về một bài báo nổi tiếng của Báo Đầu tư về mảng này, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho hay: “Cách đây hơn 20 năm, lúc bấy giờ tôi là Phó tổng biên tập Báo Đầu tư đã giao cho phóng viên viết bài báo có tựa đề “Ước gì cây chuối trổ hai buồng”. Bài báo kể về một doanh nghiệp Đài Loan đầu tư công nghệ trồng chuối cho nông dân Việt Nam. Nhờ đó, chất lượng và hình thức quả chuối tốt hẳn lên. Do đó, thương lái đến mua với giá rất cao và người nông dân bán cho thương lái, không còn chuối để bán cho nhà đầu tư nữa”.

Qua câu chuyện, TS. Nguyễn Anh Tuấn mong muốn báo chí có nhiều bài báo phân tích sâu việc nông dân bán chuối cho thương lái như vậy chỉ được cái lợi cho mắt, chứ không thể tồn tại và phát triển bền vững.

“Đây là câu chuyện thực tiễn, đòi hỏi các nhà báo phải đi sâu vào để cùng với Liên Minh hợp tác xã Việt Nam tìm ra một cơ chế để liên kết giữa các hộ gia đình, các hợp tác xã với các doanh nghiệp lớn. Bởi, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh không thể tách rời. Doanh nghiệp lớn vừa cung cấp nguyên liệu đầu vào, vừa là nơi tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. Và đây chính là câu chuyện thị trường”, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư nói.

Chia sẻ câu chuyện liên kết của hợp tác xã ở Nga, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho hay, khi ông học ở Nga, người nông dân nuôi bò sữa, sáng dậy một nhà có 5 - 10 thùng sữa vắt xong chỉ cần để ra đường sẽ có người đến vận chuyển, bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Họ liên kết với nhau để nông dân tiết kiệm được cả thời gian và chi phí vận tải, bảo quản sữa, đảm bảo chất lượng sữa và không cần lo thị trường tiêu thụ. Vì vậy nông dân yêu hợp tác xã của họ một cách tha thiết. “Đó là lợi ích và hiệu quả mà nếu như người nông dân đứng riêng một mình thì họ không thể làm được”, ông nhấn mạnh. 

Những người nông dân tham gia hợp tác xã giàu lên nhanh như thế nào? TS. Nguyễn Anh Tuấn quả quyết: “Báo chí phải đi sát vào thực tiễn để trả lời câu hỏi đó đồng thời tuyên truyền để nhân rộng các mô hình thành công như thế”. 

Một câu chuyện khác được Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư dẫn dụ là Hà Giang, địa phương cũng có núi rừng, phong cảnh tuyệt đẹp thì làm sao mới có những cơ sở homestay khách đến đông như ở Mai Châu (Hòa Bình) hay Mộc Châu (Sơn La)?

“Khi các nhà báo khai thác đề tài này, tôi tin chắc rằng sẽ gợi mở nhiều giải pháp”, TS. Nguyễn Anh Tuấn khẳng định và “hiến kế”, nên chăng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có thể hỗ trợ để làm sao đưa được vào quy hoạch một vùng nào đó để phát triển du lịch theo mô hình du lịch xanh, du lịch sinh thái, homestay kết hợp với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Việc này, tự mỗi người nông dân tại vùng đó họ không làm được mà cần phải có sự hỗ trợ của chính quyền, các cơ quan chức năng. Khi liên kết với nhau và mỗi gia đình đều có nguồn thu từ kinh doanh homestay, hoặc bán sản phẩm dệt, hay bán sản vật địa phương cho khách du khách… thì họ sẽ tự nguyện tham gia. 

Vì thế, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư cho rằng: “Báo chí cần phải nhân rộng các mô hình thành công và gợi mở những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong tất cả các lĩnh vực. Qua đó kích thích hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, gia tăng giá trị và phát triển bền vững”.

Đặc biệt, cần phải đi sâu khai thác đề tài tính liên kết của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Với đề tài này, mỗi tờ báo đều có thể tìm thấy chủ đề riêng để khai thác. Chẳng hạn như liên kết với nước ngoài thì Tạp chí Nhà Đầu tư, Báo Đầu tư chắc chắn phải khai thác sâu. Hay bàn về làm sao để hợp tác xã có vốn thì những tờ như Tài chínhngân hàng chắc chắn sẽ quan tâm…”.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng, báo chí cần phải tăng cường viết về kinh nghiệm quốc tế một cách sinh động và hình thức tuyên truyền phải đa dạng, có cả báo in, báo hình, phim… “Nếu có những bộ phim có các diễn viên nổi tiếng đóng về những con người nông dân, tôi đảm bảo sẽ gây ấn tượng rất lớn trong cộng đồng xã hội”, ông nhấn mạnh. 

Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ước tính đến thời điểm 31/12/2022, cả nước có 29.021 hợp tác xã, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp hợp tác xã. Các hợp tác xã thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn (tăng 22.466 thành viên so năm 2021) và 2,6 triệu lao động (tăng 71.000 lao động so năm 2021);
Tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/hợp tác xã; tổng giá trị tài sản đạt 187,75 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng/ hợp tác xã, tăng 8,7% so năm 2021.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư