Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cả nước có hơn 29.000 hợp tác xã, thu hút gần 7 triệu lao động
Nhật Hạ - 08/11/2022 18:53
 
Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đến 31/12/2022, ước cả nước có 29.021 hợp tác xã, thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn.

Năm 2022, ước cả nước thành lập mới 2.187 hợp tác xã

Chiều 8/11/2022, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo một số ban, bộ, ngành; lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí và một số hợp tác xã tiêu biểu trên cả nước. 

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hết năm 2022, ước cả nước có 29.021 hợp tác xã, thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình.

Hội nghị là hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới theo nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW và Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, năm 2022, ước cả nước thành lập mới 2.187 hợp tác xã, đạt 109,35% chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 (trong đó, thành lập mới 1.723 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 78,8%; 464 hợp tác xã phi nông nghiệp, chiếm 21,2%). 

Đến 31/12/2022, ước cả nước có 29.021 hợp tác xã (19.384 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 66,8%; 8.456 hợp tác xã phi nông nghiệp, chiếm 29,1%; 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 4,1%). 

Các hợp tác xã thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn (tăng 22.466 thành viên so với năm 2021) và 2,6 triệu lao động (tăng 71.000 lao động so với năm 2021); tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/hợp tác xã; tổng giá trị tài sản đạt 187,75 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng/hợp tác xã, tăng 8,7% so với năm 2021.

Về tổ hợp tác, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho hay, năm 2022, ước cả nước thành lập mới 3.531 tổ hợp tác; các thành viên tổ hợp tác liên kết, hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh. 

Đến 31/12/2022, ước cả nước có 123.241 tổ hợp tác; trong đó 73.204 tổ hợp tác nông nghiệp (chiếm 59,4%) và 50.037 tổ hợp tác phi nông nghiệp (chiếm 40,6%); các vùng có tổ hợp tác chiếm tỷ trọng lớn như Bắc Trung Bộ 19.311 tổ hợp tác, Tây Bắc 17.920 tổ hợp tác, Đồng bằng sông Cửu Long 19.461 tổ hợp tác.  

Các tổ hợp tác thu hút 1,8 triệu thành viên là hộ gia đình (bình quân 15 thành viên/tổ hợp tác); doanh thu bình quân của 1 tổ hợp tác là 294,8 triệu đồng/năm.

Về liên hiệp hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ước cả nước thành lập mới 17 liên hiệp hợp tác xã, đều có phương án sản xuất, kinh doanh, liên kết chuỗi giá trị giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp (chủ yếu là tiêu thụ sản phẩm). 

Đến 31/12/2022, cả nước có 125 liên hiệp hợp tác xã; vùng có nhiều liên hiệp hợp tác xã như Đồng bằng sông Hồng 36 liên hiệp hợp tác xã, Đông Bắc 18 liên hiệp hợp tác xã, Tây Nguyên 17 liên hiệp hợp tác xã; các liên hiệp hợp tác xã thu hút 750 thành viên (bình quân 6 hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã), tạo việc làm cho 39.750 lao động (bình quân 318 lao động/liên hiệp hợp tác xã); doanh thu bình quân của 1 liên hiệp hợp tác xã là 258 tỷ đồng/năm, lãi bình quân 8,9 tỷ đồng/năm. 

Một số liên hiệp hợp tác xã có quy mô lớn như: Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Coop) doanh thu 32.000 tỷ đồng/năm, Liên hiệp Hợp tác xã Nông sản an toàn tỉnh Sơn La, Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ - nông nghiệp - tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop), Liên hiệp Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu, Liên hiệp Hợp tác xã Chế biến - xuất khẩu thanh long Bình Thuận...

83,6% tổng số hợp tác xã được giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước

Đặc biệt, theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; năm 2022, Nhà nước đã ban hành, tổ chức thực hiện một số chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như gia hạn thời gian nộp thuế, giảm lãi suất tiền vay 2%/năm, giảm tiền thuê đất... 

Theo khảo sát của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh và ước đến cuối năm 2022, 83,6% tổng số hợp tác xã nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước; hơn 104.000 lao động trong khu vực hợp tác xã được hỗ trợ 76 tỷ đồng tiền thuê nhà; 

81,7% tổng số hợp tác xã và người lao động trong hợp tác xã được gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… 12,1% tổng số hợp tác xã được giảm thuế giá trị gia tăng; 74,2% tổng số hợp tác xã vận tải được giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; 

Các hợp tác xã vay vốn tại ngân hàng thương mại được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; một số ít hợp tác xã nông nghiệp, vận tải, du lịch vay vốn tại ngân hàng thương mại được giảm lãi suất 2%; 

252 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vay vốn ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam và các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh, thành phố để phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh; 

401.000 lao động trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm) được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 211 tỷ đồng; 

18,7% tổng số hợp tác xã nông nghiệp nắm được thông tin và tiếp cận chính sách hỗ trợ trong Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021 - 2025.

Năm 2023 phấn đấu thành lập mới ít nhất 3.000 tổ hợp tác, 2.000 hợp tác xã, 20 liên hiệp hợp tác xã

Năm 2023, Liên minh hợp tác xã Việt Nam đề xuất mục tiêu, kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, tăng về số lượng, quy mô, chất lượng; đa dạng về loại hình hợp tác trong các ngành, nghề, lĩnh vực; 

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chú trọng phát triển sản phẩm, chế biến sâu, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; thu hút ngày càng nhiều cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn nông thôn và thành thi tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác; nâng cao thu nhập và đời sống của các thành viên.  

Chỉ tiêu năm 2023 thành lập mới ít nhất 3.000 tổ hợp tác, 2.000 hợp tác xã, 20 liên hiệp hợp tác xã; tổng số hợp tác xã hoạt động hiệu quả trên 60%; tỷ trọng hợp tác xã liên kết chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị đạt ít nhất 25% tổng số hợp tác xã; tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã được đào tạo theo các chương trình tăng 10%; tổng số thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác tăng từ 5% trở lên; thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã tăng từ 10% trở lên so với năm 2022.

Để đạt được những chỉ tiêu trên, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. Trọng tâm là nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW và việc triển khai Nghị quyết của các cấp, các ngành. 

Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động theo quy định của pháp luật, huy động các nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác tham gia thành viên, nhất là địa bàn nông thôn; 

Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực quản trị phù hợp với chức danh cán bộ của hợp tác xã; đào tạo nghề cho thành viên và người lao động gắn với các sản phẩm chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác; 

Xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và huy động các nguồn lực để thực hiện; tăng cường liên kết, hợp tác, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Xây dựng và phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương; tăng cường liên kết, hợp tác trong cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra với các địa phương.

Nhà nước ban hành và bố trí các nguồn lực để thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã về phát triển nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học - công nghệ, thông tin kinh tế, khả năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, phát triển kết cấu hạ tầng, bảo hiểm xã hội, chuyển đổi số. 

Trong đó, ưu tiên và trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kết cấu hạ tầng, chuyển đổi số và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; các địa phương thực hiện quy hoạch và bố trí nguồn lực đầu tư phát triển các Trung tâm hỗ trợ kinh tế tập thể.

Tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước, hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, hợp tác xã; làm tốt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra; rà soát, sắp xếp lại các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật để giải phóng nguồn lực về đất đai, tài sản.

Củng cố, đổi mới và tăng cường hoạt động của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam; làm tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế tập thể, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể; 

Tích cực tham gia xây dựng chính sách và pháp luật về kinh tế tập thể; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, vận động thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, thực hiện có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ pháp lý, công nghệ, chuyển đổi số, xúc tiến thương mại, đào tạo, quản trị... cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Cho phép sử dụng số định danh cá nhân khi đăng ký kinh doanh hợp tác xã
Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, như bỏ yêu cầu về phương án sản xuất kinh doanh, cho phép sử dụng số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư