Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng, hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã
Nguyễn Lê - 29/09/2022 17:56
 
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra chính thức Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu cuối phiên thẩm tra.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, sẽ tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng tại phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế,  báo cáo Chính phủ để có Dự thảo Luật Hợp tác xã (sừa đổi) mới trình Quốc hội.

Trong phiên họp toàn thể lần thứ 9, chiều 29/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra chính thức Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Đây là dự án luật đã được Ủy ban Kinh tế thẩm tra sơ bộ và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.

Tại thông báo kết luận nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là các chủ trương đã được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Báo cáo dự kiến tiếp thu trước khi Ủy ban Kinh tế thảo luận, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, về cơ bản, các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW đã được thể chế hóa tại dự án luật này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu thể chế hóa rõ hơn, đầy đủ hơn các chủ trương như quy định chính quyền các cấp phải quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác tiếp cận được đất đai, thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, huy động nguồn lực đất đai từ các thành viên; chính sách bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh cho các thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế hợp tác; chính sách cho phép các tổ chức kinh tế hợp tác được hoạt động tín dụng nội bộ khi có đủ điều kiện...

Liên quan đến tên gọi, Thứ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 2 phương án về tên Luật trên cơ sở đánh giá tác động, phân tích ưu nhược điểm của cả hai phương án này.

Phương án 1: giữ nguyên như Luật 2012 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Phương án 2: như đề nghị của Chính phủ là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.

Thảo luận, nhiều ý kiến tại phiên thẩm tra đề nghị nên giữ như tên gọi cũ, song cũng có một số vị cho rằng, dùng tên nào cũng được, quan trọng là những chính sách được quy định tại dự thảo sẽ tạo thuận lợi cho kinh tế hợp tác phát triển.

Lần sửa đổi này làm sao để các đại biểu ngồi đây cũng sẽ trở thành xã viên của hợp tác xã nào đó, chẳng hạn, cán bộ huyện thì có thể là xã viên hợp tác xã sản xuất rau sạch..., đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) bày tỏ.

Các phát biểu tại phiên thẩm tra, từ cả Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đến các đại biểu đang công tác ở Trung ương và địa phương đều đề cập đến những khó khăn của hợp tác xã hiện nay về tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu quy định vào luật để các ngân hàng thương mại có  sản phẩm tín dụng riêng cho hợp tác xã và họ được trích lập dự phòng rủi ro cao hơn.

Quá trình làm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vừa qua, nhiều địa phương quên hợp tác xã, đề nghị dành cho hợp tác xã một khoản mục cụ thể trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xây dựng các chuỗi chế biến, cơ sở hạ tầng cho hợp tác xã, ông Bảo đặt vấn đề.

Ông Bảo cũng đề nghị cái gì miễn được cho hợp tác xã thì cũng nên ghi luôn ở dự thảo, chẳng hạn miễn thuế thu nhập cá nhân phần vốn góp của các cá nhân được chia hàng năm...

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt và nhiều ý kiến khác cho rằng, không nên quy định liên đoàn hợp tác xã vào dự thảo, vì Trung ương mới chỉ yêu cầu thí điểm, còn trên thực tế chưa thí điểm, chưa tổng kết thì chưa nên đưa vào luật.

Tóm lược 12 lượt ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét, nhìn chung, quá trình tiếp thu để hoàn thiện dự án luật của cơ quan soạn thảo rất cầu thị.

Các ý kiến tại phiên  thẩm tra đều tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Hợp tác xã, đều ủng hộ cần có quy định về tổ hợp tác, nhưng quy định về liên đoàn hợp tác xã thì cần hết sức cân nhắc.

Nhiều đại biểu ủng hộ có Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, nhất là trong bối cảnh khả năng tiếp cận tín dụng khó khăn, thì có quỹ sẽ giúp tiếp cận nguồn vốn, nhưng cần làm rõ nguồn, cơ chế hình thành, cơ quan quản lý quỹ đẻ đảm bảo công khai, minh bạch, ông Thanh nói.

Hồi âm ý kiến đại biểu, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện dự án luật.

Liên quan đến một số góp ý cụ thể như quy định về liên đoàn hợp tác xã, Thứ trưởng giải thích thêm về sự cần thiết là, muốn hợp tác xã vươn cao hơn thì mô hình phải lớn hơn, Việt Nam cũng đã có nhiều hợp tác xã quy mô lớn, có hợp tác xã có quy mô tới hơn 10.000 tỷ đồng rồi.

Mặt khác, để sửa một đạo luật thì thường phải sau 10 năm, vì thế, tinh thần của lần sửa đổi này là quy định mô hình hợp tác xã  từ thấp đến cao để Chính phủ có cơ sở pháp lý thực hiện theo lộ trình hợp lý để vừa triển khai, vừa đúc rút kinh nghiệm và thể chế hỏa ngay ở các văn bản quy định chi tiết của Chính phủ về liên đoàn hợp tác xã, bảo đảm chính sách của Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác.

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư (khai mạc 20/10/2022). 

Chủ tịch Quốc hội: Rất cần thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã
Cho rằng, rất cần thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị có quy định cụ thể hơn vấn đề này...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư