Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Đề án Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030: Mục tiêu điện đi trước
Thanh Hương - 15/09/2021 14:08
 
Dự thảo Đề án Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi với mục tiêu sẽ trình Chính phủ ngay trong tháng 9 này.

Dự thảo Đề án Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Đề án Quy hoạch điện VIII), sau khi được Bộ Công thương hoàn tất rà soát, cập nhật tình hình mới, đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi với mục tiêu sẽ trình Chính phủ ngay trong tháng 9 này.

Điểm rất đáng chú ý là dù Dự thảo có tính chuyên ngành và tính kỹ thuật cao, nhưng lại nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp (với 681 ý kiến gửi tới Bộ Công thương hồi tháng 2/2021). Ngoài 141 ý kiến từ các bộ, ngành, các đơn vị của Bộ Công thương có 89 ý kiến; các đơn vị ngành điện cũng nhiệt tình đóng góp tới 254 ý kiến; UBND, Sở Công thương các tỉnh có 117 ý kiến; các chuyên gia phản biện có 80 ý kiến. Số còn lại đến từ một số đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực năng lượng…

Thực tế trên cho thấy sự quan trọng của điện trong nền kinh tế, nhất là khi xu hướng số hoá đã trở thành hiện thực hay làm việc online diễn ra liên tục trong điều kiện Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Nhưng cũng chính bởi vai trò quan trọng của điện, mà việc cân đối cung - cầu, tối ưu hoá hệ thống về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế phải được tính toán cẩn trọng, để không gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Trong bản cập nhật Dự thảo mới nhất, đã có 7.700 MW điện được rút ra so với với phương án được trình hồi tháng 3/2021. Nguồn điện bị giảm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và nhập khẩu điện từ Lào, với mức giảm gần 10.000 MW, trong khi nguồn điện than sẽ tăng thêm khoảng 3.076 MW với mục tiêu bù lại sản lượng điện thiếu hụt.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm nguồn năng lượng tái tạo là chưa phù hợp với xu hướng thế giới. Thế nhưng, để chọn phương án phù hợp nhất cho Việt Nam thì phải nhìn vào thực tế hệ thống điện Việt Nam lẫn sức chịu đựng của nền kinh tế và doanh nghiệp. 

Tính tới cuối năm 2020, công suất nguồn năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện mặt trời và phong điện) là 17.369 MW, chiếm xấp xỉ 25% tổng công suất nguồn điện cả nước. Tuy vậy, sản lượng điện huy động được từ năng lượng tái tạo mới chiếm hơn 4% tổng sản lượng điện sản xuất. Tám tháng đầu năm 2021, tỷ trọng này tăng lên 11%, nhưng đi kèm với đó là những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh năng lượng.

Sự đổ bộ thần tốc của điện mặt trời, điện gió với cơ chế giá mua ưu đãi cũng đã phá vỡ cân bằng vùng miền, gây ra hiện tượng thừa nguồn tại khu vực miền Trung và miền Nam.

Bộ Công thương cũng đã thẳng thắn thừa nhận, dù tổng công suất lắp đặt hệ thống điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải cực đại của toàn quốc, nhưng mức độ dự phòng công suất khả dụng của hệ thống khá thấp, nên việc vận hành còn gặp nhiều khó khăn. Kèm theo đó, việc phát triển lưới điện chưa theo kịp phát triển nguồn điện đã dẫn tới tình trạng nghẽn mạch trên lưới truyền tải và cắt giảm công suất nguồn năng lượng tái tạo.

Câu chuyện thừa nguồn cả nước, nhưng vẫn thiếu điện ở miền Bắc, trên thực tế đã diễn ra tại một số thời điểm trong mùa hè 2021. Trong khi đó, miền Trung và miền Nam càng có xu hướng dư thừa điện khi công suất lắp đặt tăng thêm tại hai khu vực này trong giai đoạn 2021-2030 cao hơn so với mức tăng nhu cầu phụ tải theo mức tương ứng là 294% và 91%.

Đáng tiếc là điều này chưa được làm rõ trong Dự thảo Đề án hồi tháng 3/2021 để từ đó kiên quyết rút bớt dự án nguồn điện ra khỏi Dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII. Bởi vậy trong lần rà soát này, câu chuyện giảm/giãn mật độ phát triển dự án điện đã được chú ý nhiều hơn.

Thực tế triển khai Quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 2016-2020 đã cho thấy, công tác điều hành, quản lý việc thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt và chưa có giải pháp kịp thời thúc đẩy các dự án nguồn điện vào đúng tiến độ. Quá trình điều hành còn thiếu chặt chẽ, chưa có chế tài xử lý chủ đầu tư các dự án nguồn điện lớn, có vai trò quan trọng bị chậm tiến độ. Nhiều quy định pháp luật về quy hoạch, về đầu tư còn chồng chéo, vướng mắc và không có giải pháp tháo gỡ. 

Việc một số địa phương hoặc một số chủ đầu tư không tuân thủ nghiêm quy hoạch đã được phê duyệt đã làm cho hệ thống điện phát triển mất cân đối, ảnh hưởng tới an ninh cung cấp điện. Đó là chưa kể thực tế nhiều công trình lưới điện truyền tải đi qua địa bàn tỉnh, nhưng không mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho địa phương đó, nên cũng không nhận được sự đồng thuận, khiến nhiều dự án không đạt hiệu quả như kỳ vọng ban đầu.

Bởi vậy, Quy hoạch điện VIII khi được phê duyệt cũng mới chỉ là khởi đầu cho chặng đường đầy khó khăn để thực hiện mục tiêu điện đi trước một bước, phải tối ưu hóa và để đáp ứng nhu cầu về năng lượng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cập nhật Quy hoạch điện VIII: Năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm 25% công suất đặt và 13% sản lượng huy động
Dự thảo Quy hoạch điện VIII sau khi được rà soát cập nhật lại vừa chính thức được Bộ Công thương gửi lấy ý kiến các bên liên quan để kịp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư