Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 02 tháng 08 năm 2024,
Để có nhiều hơn những “viên ngọc sáng” trên sàn chứng khoán
Thanh Thủy - 31/07/2024 15:23
 
Sau 24 năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ mở rộng về quy mô, mà còn trở thành kênh dẫn vốn, đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp. Dù vậy, thị trường đang thiếu những lựa chọn đầu tư mới, cần thêm cơ chế khích lệ công ty tốt lên sàn.

Những bước chuyển cùng thị trường

Mùa báo cáo tài chính quý II/2024, Công ty cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông trở thành một điểm sáng đáng chú ý, khi ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ đáng mơ ước, lần lượt đạt 39% và 23%. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) cũng bứt lên gần 14.100 đồng, lọt vào top 5 doanh nghiệp có EPS 6 tháng cao nhất 3 sàn.

Hoàn tất cổ phần hóa năm 2004 và niêm yết tại sàn chứng khoán TP.HCM 2 năm sau đó, chặng đường 20 năm qua đã chứng kiến nhiều thay đổi tại Rạng Đông. Doanh thu tiêu thụ năm 2023 gấp 20 lần, lợi nhuận thực hiện cao hơn 49 lần trước thời điểm cổ phần hóa. Từ sản phẩm phích nước thương hiệu Rạng Đông, được nhớ đến như một món quà cưới “huyền thoại”, để đóng góp vào con số doanh thu 2.000 - 3.000 tỷ đồng mỗi quý hiện nay, cơ cấu sản phẩm của Công ty đã mở rộng rất nhiều. Động lực tăng trưởng đến từ các dự án chiếu sáng thông minh, tích hợp công nghệ cho các giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đánh bắt thủy sản…

Trên sàn chứng khoán Việt Nam, một nửa trong khoảng 1.800 tổ chức niêm yết và đăng ký giao dịch là doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước, thực hiện cổ phần hóa. Không riêng Rạng Đông, khá nhiều trong số này đã mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển hơn so với trước khi lên sàn, thậm chí, đã huy động được vốn với chi phí hợp lý và bền vững lâu dài từ kênh chứng khoán.

Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới” do Báo Đầu tư tổ chức. Ảnh: Dũng Minh

Tại Rạng Đông, với giá chào bán 93.000 đồng/cổ phiếu, gấp nhiều lần mệnh giá, đợt phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu năm 2021 giúp huy động hơn ngàn tỷ đồng, bổ sung nguồn lực đầu tư nhà xưởng, mở rộng năng lực sản xuất.

Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE Corp) - doanh nghiệp tiên phong lên sàn trong phiên giao dịch đầu tiên (ngày 28/7/2000), đã thực hiện tổng cộng 8 lần phát hành cổ phiếu, huy động được 2.800 tỷ đồng để đầu tư phát triển.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ba giá trị lớn mà thị trường 24 năm tuổi đóng góp cho nền kinh tế được ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) chỉ ra.

Thứ nhất, chính là sự hỗ trợ mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong công tác cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, Việt Nam sẽ khó có nhiều tập đoàn kinh tế lớn, đứng top 500 trong khu vực Đông Nam Á như hiện nay, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn góp ban đầu của các cổ đông hay vốn vay ngân hàng.

Thứ ba, đó là đồng hành cùng sự phát triển của thời đại, thị trường chứng khoán đưa ra những yêu cầu, khích lệ để doanh nghiệp lớn hơn về chất khi hướng đến sự phát triển bền vững.

“Thị trường chứng khoán 24 năm qua là nơi lan tỏa tinh thần kinh doanh công bằng và minh bạch. Với sự khuyến khích từ các chính sách, thị trường cũng tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng tăng cường trách nhiệm với xã hội, thực hiện tiêu chuẩn ESG, từ đó đóng góp sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế”, ông Hải nhấn mạnh.

Thêm cơ chế khích lệ các “viên ngọc sáng”

Sau 24 năm hoạt động, dù còn khá non trẻ so với một số thị trường trong khu vực như Philippines, Thái Lan… nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận sự trưởng thành không chỉ về quy mô vốn hóa (hiện khoảng 300 tỷ USD), mà cả về số lượng nhà đầu tư, thanh khoản thị trường. Số lượng mã chứng khoán trên sàn đến nay đạt con số 1.800.

Thời gian qua, khu vực nội địa tăng trưởng chưa cao, tăng trưởng tín dụng chưa đạt mức kỳ vọng, khiến tăng trưởng chung của Việt Nam chưa đạt kế hoạch. Tôi có cảm cảm giác, một số nhà đầu tư vẫn đang cân nhắc, dẫn đến đầu tư kém đi. Tuy vậy, tình hình thế giới hiện nay có lợi cho Việt Nam. Tôi cho rằng, người dân, doanh nghiệp phải mạnh dạn đầu tư.

Việt Nam yên bình và đang là địa chỉ xuất khẩu lớn ra thế giới. Các nước lớn đang đối chọi nhau trong vòng xoáy của cuộc chiến cạnh tranh địa chính trị khốc liệt, nhưng Việt Nam may mắn khi có “lối thoát” riêng nhờ chiếm ưu thế nhất định trong xu hướng chuyển dịch đầu tư.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP

Trong đó, số doanh nghiệp trên sàn UPCoM nhỉnh hơn, khi chỉ có 729 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trên HoSE và HNX. Câu chuyện chuyển sàn nhiều năm nay vẫn là một “chất xúc tác” thú vị thúc đẩy giá cổ phiếu tăng trưởng, nhưng mới chuyển được lượng doanh nghiệp khá khiêm tốn. Không ít doanh nghiệp lớn ở sàn UPCoM là công ty đầu ngành, hoạt động kinh doanh tốt và có kế hoạch sang sàn niêm yết, song vẫn chưa hiện thực hóa chủ trương như trường hợp của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), 8/9 điều kiện niêm yết đều đạt, lợi nhuận hay tỷ suất sinh lời ROE cao hơn nhiều mức cần đạt, nhưng vẫn gặp vướng vì công ty con đang có khoản nợ quá hạn.

Từ quan sát của cơ quan quản lý, ông Hải cho biết, một phần xuất phát từ ý chí doanh nghiệp và cũng có một phần do doanh nghiệp đó chưa đáp ứng được tiêu chuẩn để chuyển sàn niêm yết. Với trường hợp của BSR, ông Hải thông tin thêm, bản thân doanh nghiệp đã có hướng để xử lý vấn đề.

Không riêng câu chuyện chuyển sàn, vài năm gần đây, hoạt động chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết mới lại rất trầm lắng. Theo bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán SSI, một hạn chế thường xuyên được nhà đầu tư nước ngoài chỉ ra là việc thị trường không có nhiều lựa chọn mới. Khối ngoại dù muốn phân bổ nhiều cũng sẽ phải chờ “hàng hóa” mới, hay chờ có thêm “room” ngoại.

Trong một nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp lên sàn, UBCKNN đang rà soát quy định và dự kiến sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP để tích hợp hoạt động IPO và niêm yết. Theo ông Hải, sau khi quy định được sửa đổi, doanh nghiệp có thể niêm yết gần như ngay khi thực hiện IPO, ngắn hơn nhiều so với khoảng thời gian 3 tháng hiện nay. Thay đổi này sẽ tháo gỡ được rào cản khi nhà đầu tư mua cổ phiếu từ đợt phát hành IPO không thể giao dịch ngay.

Làn sóng đưa công ty con theo “mẹ” lên sàn được nhiều doanh nghiệp đánh tiếng tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay như kế hoạch IPO Masan Consumer, đưa Vinpearl lên sàn, gần nhất là MocChau Milk đã hoàn tất chuyển sàn, BCG Energy - công ty con của Tập đoàn Bamboo Capital vừa được chấp thuận đăng ký giao dịch ở UPCoM… được kỳ vọng mang đến những câu chuyện mới cho thị trường.

Một cơ chế khích lệ có thêm nhiều “hàng hóa” tốt lên sàn là cần thiết, qua đó bổ sung lựa chọn đầu tư để không chỉ thu hút và giữ chân vốn ngoại, mà còn kéo dòng vốn nội quan tâm hơn đến thị trường, trước cơ hội chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi.

Cần sự đồng lòng 

Tại Dự thảo Thông tư sửa đổi 4 thông tư, nhằm thúc đẩy tiến trình nâng hạng, ngoài giải pháp giúp giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thuận lợi hơn nhờ tháo gỡ nút thắt yêu cầu ký quỹ, một nội dung quan trọng khác là tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thông tin bình đẳng. Để làm được điều này, cần sự thay đổi từ chính doanh nghiệp niêm yết.

Theo lộ trình, các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn dự kiến công bố đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 1/1/2025, ban đầu với thông tin định kỳ và tiếp tục thêm thông tin bất thường từ đầu năm 2026.

Quy định trên được áp dụng ở nhiều quốc gia và cũng được khuyến khích tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế đến nay, số lượng doanh nghiệp công bố thông tin tiếng Anh chỉ khoảng 80 đơn vị, phần lớn tập trung ở nhóm có hoạt động xuất khẩu và các doanh nghiệp lớn.

Sẽ không dễ khi muốn áp dụng công bố thông tin bằng tiếng Anh trên diện rộng. Tuy nhiên, cũng như ở giai đoạn đầu của thị trường, yêu cầu về minh bạch thông tin từng là áp lực, nhưng nhờ đó làm nên thế hệ doanh nghiệp niêm yết ngày nay.

Gần đây, Sáng kiến VNCG50 - nơi tập hợp 50 doanh nghiệp Việt Nam tiên phong và cam kết bảo đảm các thực hành quản trị công ty theo thông lệ tốt, nhằm rút ngắn khoảng cách về quản trị công ty của Việt Nam với ASEAN được công bố. Đã có những doanh nghiệp tiên phong và sẵn sàng quản trị công ty vượt lên trên sự tuân thủ, cho mục tiêu xa hơn vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Gắn bó với thị trường từ những ngày đầu, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE Corp cho rằng, thị trường chứng khoán là nơi “tôi luyện” cho các công ty niêm yết để làm ăn đàng hoàng hơn, minh bạch, trách nhiệm hơn, đồng thời mài dũa những nhà quản lý chuyên nghiệp, vươn mình để giữ cho giá trị công ty không ngừng gia tăng.

Bên cạnh những yêu cầu khó hơn khi trở thành một phần của thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp đang phải đối diện với thách thức từ sự bất định của môi trường kinh doanh.

Nhiều năm nay, nền kinh tế thế giới đối diện với không ít yếu tố không ổn định, đặt ra thách thức lớn hơn cho lãnh đạo doanh nghiệp. Từ góc độ một doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, có cơ hội tiếp xúc với giới đầu tư nhiều quốc gia, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) cảm nhận vòng xoáy của cuộc cạnh tranh kinh tế khốc liệt tại các thị trường lớn. Tuy vậy, theo ông, Việt Nam vẫn có cơ hội mở rộng đầu tư, mở rộng thị trường. Từ những nền tảng hiện có cùng hoạt động xuất khẩu tích cực và tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng, mạnh dạn hơn trong đầu tư để hưởng lợi từ các làn sóng kinh tế.

Bức tranh thị trường chứng khoán giai đoạn nửa cuối năm 2024
VN-Index đang có nhiều cơ hội tăng điểm trong giai đoạn nửa cuối năm 2024, từ khu vực 1.350 - 1.400 điểm, kèm theo đà tăng điểm của nhiều nhóm cổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư