Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Để doanh nghiệp thoái vốn thuận lợi
Lên kế hoạch sớm sẽ giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp để thoái vốn thuận lợi, nhưng để thương vụ diễn ra thêm suôn sẻ, doanh nghiệp còn cần làm thêm một số việc.
TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn là chủ một công ty tư nhân đang quyết định bán doanh nghiệp của mình, bạn sẽ phải lên kế hoạch để thương vụ diễn ra thành công. Ngoài các trách nhiệm điều hành hoạt động hàng ngày, bạn sẽ phải đảm đương thêm cả việc chuẩn bị cho thương vụ thoái vốn. Các thương vụ thường phải mất hàng tháng trời để chuẩn bị, trong khi hoạt động của doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo để duy trì giá trị cho đến ngày việc mua bán hoàn tất.

Dọn dẹp sổ sách kế toán   

Lên kế hoạch từ trước là một trong những bước đầu tiên để đảm bảo và tối ưu hóa giá trị của doanh nghiệp. Ban lãnh đạo công ty sẽ chịu trách nhiệm cho các công đoạn chuẩn bị cho thương vụ, còn bộ phận tài chính sẽ phải đảm bảo các hồ sơ và giấy tờ cần thiết, bao gồm các sổ sách báo cáo quản trị, tài chính kế toán và thuế, được cập nhật và sẵn sàng.

Để một thương vụ M&A thành công, phải lên kế hoạch một cách tỉ mỉ có tính đến nhiều yếu tố
Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Phó tổng giám đốc, Phụ trách khối Dịch vụ Tư vấn của Grant Thornton Việt Nam

Về mặt cách thức, các sổ sách, báo cáo, giấy tờ nên được lưu trữ một cách khoa học, tốt nhất là dưới dạng tài liệu điện tử, để thuận tiện cho việc tra cứu trong trường hợp bên mua muốn xem qua các tài liệu liên quan trước khi thỏa thuận thương vụ.

Về mặt nội dung, các sổ sách báo cáo cần phải được rà soát và chuẩn bị trước khi cung cấp cho bên mua, đảm bảo các báo cáo đưa ra được một bức tranh trung thực, đầy đủ và rõ ràng nhất về hoạt động cũng như tiềm năng của doanh nghiệp để có thể thu hút nhà đầu tư. Việc rà soát và chuẩn bị này có thể mất vài tuần cho đến vài tháng.

Nếu các báo cáo sổ sách tài liệu không được kiểm tra cẩn thận và bên mua sau quá trình thực hiện soát xét, phát hiện ra các báo cáo tài chính đã được cung cấp khác quá xa so với tình hình hoạt động thực tế, thì sẽ làm cho bên mua mất lòng tin vào doanh nghiệp và thương vụ sẽ trở nên khó khăn.

Đối với các công ty gia đình ở Việt Nam, đây là vấn đề rất cần được chú ý, bởi rất nhiều công ty hiện nay không nằm trong đối tượng bị bắt buộc kiểm toán tài chính, do vậy việc ghi chép sổ sách và báo cáo thường tập trung cho mục đích thuế. Trong nhiều trường hợp, để giảm thu nhập chịu thuế và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp không ghi nhận đầy đủ (hoặc ghi nhận sai kỳ) doanh thu, còn về chi phí thì các khoản chi tiêu cá nhân của chủ doanh nghiệp có thể bị ghi lẫn vào với chi tiêu hoạt động của công ty. Ngược lại, nhiều công ty chỉ ghi nhận chi phí đối với các khoản có hóa đơn, và để ngoài sổ sách các chi phí không có giấy tờ đầy đủ. Việc này làm cho báo cáo tài chính không phản ánh được minh bạch và đầy đủ thực tế tình hình tài chính của công ty và do đó ảnh hưởng tới giá trị của thương vụ.

Có nhiều nguyên nhân có thể khiến các thương vụ bị thất bại hoặc bị tụt giá và các vấn đề này thường được phát hiện muộn trong quá trình đàm phán. Nếu các vấn đề này là do bên mua phát hiện, thay vì được bên bán thông báo trước thì điều đó rõ ràng sẽ ảnh hưởng lớn tới thái độ của bên mua đối với thương vụ. 

Hiểu rõ chiến lược phát triển của doanh nghiệp

Việc có thể tính toán ra được giá trị hợp lý và thực tế của công ty, dựa trên mức lợi nhuận hiện tại và tiềm năng phát triển trong tương lai là hết sức quan trọng để có thể đưa ra một giá bán tốt nhất. Điều này đòi hỏi bên bán phải hiểu được chiến lược phát triển của doanh nghiệp mình và việc bên mua tiềm năng sẽ có thể đánh giá và lượng hóa chiến lược phát triển ấy thế nào.

Với hiểu biết về chiến lược và giá trị tiềm năng của mình, bên bán có thể đưa ra được bộ chỉ số đánh giá hoạt động (KPI) về tài chính, thị trường, phản ánh đầy đủ tình hình hoạt động trong quá khứ của công ty và làm cơ sở cho giả định dự báo tương lai và kế hoạch chiến lược. Theo đó, việc bảo vệ được giá trị của công ty và tạo được sự cạnh tranh trên bàn đàm phán giữa các nhà đầu tư quan tâm sẽ trở nên dễ dàng hơn. Quá trình chuẩn bị này cần được thực hiện từ 12 - 18 tháng trước ngày giao dịch dự kiến để bên bán có thể nắm bắt và phân tích đầy đủ những thông tin cần thiết.

Ngoài ra, việc chỉ chọn một người mua tiềm năng để đàm phán cũng là một chiến lược khá rủi ro. Do vậy, hãy cẩn thận với những mánh lới chào giá quá cao để loại những đối thủ khác của một đối tượng mua tiềm năng nhất định, có thể đó chỉ là cách bên mua chen chân vào cuộc mua bán, chứ đó không phải là cái giá cuối cùng họ sẵn sàng trả sau khi đã vào được cửa. Nếu chỉ có một người mua tham gia, rất khó để đẩy giá của thương vụ lên trong quá trình đàm phán. Do vậy, để tăng lợi thế đàm phán, bên bán nên mời những người mua khác cùng tham gia để tạo ra một dạng đấu thầu cạnh tranh.

Thuế là một mảng quan trọng

Không chỉ việc thương thảo giá cả mới là nguy cơ dẫn đến sự thất bại của thương vụ. Thuế là một mảng rất phức tạp và có thể sẽ là một yếu tố lớn gây thất bại thương vụ. Đây thường sẽ là một trong những trọng tâm của rà soát trước mua.

Trước hết, nghĩa vụ thuế quá khứ của các công ty tư nhân Việt Nam có thể là một mối quan ngại lớn đối với bên mua. Nếu kết quả của việc rà soát thuế của bên mua phát hiện ra nhiều rủi ro về thuế thì rõ ràng đây sẽ là trở ngại lớn cho việc tiến hành thương vụ. Thậm chí, ngay cả khi có thể hoàn thành thương vụ thì giá cả thường sẽ bị ép xuống, đi kèm với các điều khoản thanh toán và điều khoản ràng buộc trách nhiệm nợ tiềm tàng bất lợi cho bên bán. Do đó, việc người bán tự thực hiện soát xét về thuế trước là vô cùng quan trọng, nhằm xác định các rủi ro thuế tiềm tàng và lên kế hoạch giảm thiểu các rủi ro trước khi bắt đầu thực hiện thương vụ. Bên bán cũng có thể yêu cầu cơ quan thuế thực hiện kiểm tra quyết toán thuế trước khi thực hiện thương vụ để giúp giảm mối quan ngại của bên mua đối với nghĩa vụ thuế quá khứ.

Điều thứ hai về thuế mà các doanh nghiệp nên quan tâm trong giai đoạn đầu của quy trình thoái vốn là thuế chuyển nhượng vốn. Bên bán cần xem xét cẩn thận các phương án về cơ cấu giao dịch và phân tích các điểm lợi thế hay bất lợi về thuế của từng phương án, qua đó có thể đưa ra quyết định đúng đắn trong quá trình đàm phán với bên mua.

Quan tâm đến tâm lý nhân viên

Yếu tố con người luôn là vấn đề quan trọng cần lưu tâm. Nếu nhân viên nghe tin đồn rằng, công ty của họ đang chuẩn bị rao bán, họ có thể sẽ cảm thấy lo lắng và bắt đầu tìm kiếm những chỗ làm khác ổn định hơn. Tâm trạng của nhân viên thường sẽ sa sút khi họ thiếu sự tự tin vào tương lai của công ty và điều này có thể dẫn tới tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tăng. Tỷ lệ thay đổi nhân sự cao sẽ làm cho thương vụ kém hấp dẫn trong mắt người mua tiềm năng.

Việc thiếu sự ủng hộ từ nội bộ công ty cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến giao dịch. Các điều khoản mua bán cũng có thể làm mếch lòng các nhân vật chủ chốt trong công ty. Điều gì sẽ xảy ra khi các nhân vật nắm vai trò quyết định trong công ty ra đi? Các rủi ro liên quan đến nhân sự liệu đã được đánh giá một cách đúng đắn? Người mua có thể sẽ xem đây là những bất ổn, mà bất ổn sẽ dễ dẫn đến thất bại.

Tìm kiếm tư vấn

Cuối cùng, sai lầm phổ biến hay mắc phải, đó là chủ doanh nghiệp vội lao vào thương thuyết trước khi được tư vấn đầy đủ, hay trước khi trang bị kiến thức chuyên môn đầy đủ. Mỗi thương vụ đều không giống nhau và việc lên kế hoạch tốt là không thể thiếu được để đảm bảo đạt được kết quả tốt nhất cho thương vụ. Thừa nhận các vấn đề mà mình có và làm mọi việc trong khả năng để giảm thiểu rủi ro, trước khi bắt đầu thực hiện giao dịch. Nếu bên bán không thể phản hồi thỏa đáng các câu hỏi của bên mua, bên mua thường sẽ cắt giá xuống. Không chỉ có thế, đội ngũ quản lý sẽ mất dần uy tín trong mắt bên mua, dẫn đến niềm tin bị sụt giảm. Do đó, việc có được các tư vấn đúng đắn và vào đúng thời điểm là vô cùng quan trọng, lý tưởng nhất là từ một bên độc lập. Bên bán sẽ cần một chuyên gia tư vấn hiểu rõ về ngành và có chuyên môn kỹ thuật cao để hỗ trợ đội ngũ quản lý đi qua các quy trình giao dịch phức tạp.

Giảm thiểu quan ngại của bên mua về rủi ro phụ thuộc vào chủ cũ cũng là vấn đề cần được quan tâm. Bên mua chắc chắn sẽ kỳ vọng thâu tóm được một công ty có giá trị nội tại mà không cần phải dựa dẫm vào người chủ cũ, dù đó là mạng lưới khách hàng, hệ thống phân phối hay tài sản cơ sở vật chất. Do đó, trước khi bán, bên bán cần đảm bảo cơ cấu cả hoạt động kinh doanh và tài chính độc lập với người chủ sở hữu. Việc thể hiện sự độc lập của doanh nghiệp sẽ giúp giảm thiểu quan ngại của người mua về rủi ro phụ thuộc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư