Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Để FDI tiếp tục khởi sắc
Nguyên Đức - 31/07/2013 08:01
 
Việc Masan Group và Tập đoàn H.C Starck (Đức) vừa thỏa thuận thành lập liên doanh tinh luyện quặng vonfram ở Dự án Núi Pháo đang tạo thêm điểm sáng trong bức tranh tổng thể về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn có nhiều khởi sắc từ đầu năm đến nay.
TIN LIÊN QUAN

Nói vậy là bởi, chế biến sâu khoáng sản là mục tiêu quan trọng được đề ra từ nhiều năm nay, nhưng kết quả đạt được còn rất hạn chế.

Công trường mỏ Núi Pháo

Đến nay, nhiều loại khoáng sản, trong đó có cả khoáng sản quý hiếm vẫn được xuất khẩu thô.

Với việc liên doanh nói trên được thành lập, quặng vonfram được khai thác tại mỏ Núi Pháo sẽ được tinh luyện thành các sản phẩm vonfram có giá trị cao hơn; năng lực tinh luyện có thể lên tới 10.000 tấn tinh quặng vonfram/năm.

Dù một dự án chưa đủ nói lên tất cả, nhưng đó là một dấu hiệu tích cực của FDI trong lĩnh vực khai khoáng.

Thời gian gần đây, việc các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là một kết quả rất đáng ghi nhận trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu đầu tư.

Trong 7 tháng đầu năm, riêng lĩnh vực này đã thu hút được 315 dự án đầu tư đăng ký mới, với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 10,44 tỷ USD, chiếm 87,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đặc biệt, xu hướng các nhà đầu tư Nhật Bản không ngừng đổ vốn vào Việt Nam, với hơn 4 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, trong đó tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cũng có thể nói là một động thái tích cực cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc các tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là Samsung, LG…, liên tục có quyết định mở rộng đầu tư và đang đầu tư thêm hàng tỷ USD vào các nhà máy mới tại Việt Nam, một mặt góp phần rất lớn trong thu hút các nhà đầu tư vệ tinh, hình thành công nghiệp hỗ trợ, mặt khác đã góp phần tạo nên sự gia tăng đáng kể nguồn vốn FDI vào Việt Nam.

Bảy tháng đầu năm nay, cả nước đã thu hút được 11,91 tỷ USD vốn FDI, bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt 6,65 tỷ USD, tăng 6,4% với cùng kỳ năm 2012. Cả vốn đăng ký và giải ngân đều liên tục tăng từ đầu năm tới nay là một tín hiệu cho thấy sự khởi sắc của dòng vốn FDI.

Cũng trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp 48,242 tỷ USD (tính cả dầu thô) vào kim ngạch xuất khẩu, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Riêng mặt hàng điện thoại di động và linh kiện, với 99% là công của Samsung Electronics Vietnam, trong 7 tháng qua đã đạt kim ngạch xuất khẩu 11,63 tỷ USD, đứng đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Song cũng phải thừa nhận rằng, Việt Nam đang đi chậm lại trong cạnh tranh thu hút FDI với một số quốc gia trong khu vực. Thực tế đó đang đòi hỏi phải tiếp tục có biện pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn FDI. Hy vọng rằng, Nghị quyết về nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng, quản lý FDI sẽ sớm được Chính phủ ban hành và thực thi có hiệu quả để tạo nên cú hích mới cho quá trình đó.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư