Thứ Ba, Ngày 08 tháng 04 năm 2025,
Để kinh tế phát triển, không “ngại” sửa nhiều luật
Nguyễn Lê - 08/04/2025 08:45
 
Kinh tế tư nhân đang là “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế, mà thể chế lại là điểm nghẽn trong phát triển khu vực này, bởi thế, sửa luật để gỡ điểm nghẽn đó thì không lo ngại số lượng nhiều hay ít.
Doanh nghiệp tư nhân trong nước nhạy cảm với rủi ro pháp lý hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhiều rào cản cần tháo gỡ

Quan điểm trên được Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư khi số lượng các dự án luật dự kiến trình Quốc hội sửa đổi trong năm 2025 nói chung, Kỳ họp thứ chín (khai mạc ngày 5/5 tới) đã ở con số kỷ lục và có thể vẫn tiếp tục tăng.

Với riêng Kỳ họp thứ chín, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thư ký Quốc hội hội Lê Quang Tùng nêu con số dự kiến là Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 44 nội dung thuộc công tác lập pháp.

Giữa tuần trước, Dự án 1 luật sửa 7 (gồm Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) cũng đã được Bộ Tài chính lấy ý kiến một số cơ quan, tổ chức. Trong số này, có những luật mới được sửa tại kỳ họp cuối năm 2024, như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Đấu thầu.

Một số nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung của các luật trên đã được lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo đề cập, như đơn giản hóa quy trình thực hiện dự án PPP để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật chuyên ngành. Hay, bổ sung cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, chính sách để ưu đãi cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao, khu công nghệ số và các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số được kéo dài thời hạn hoạt động dự án đầu tư từ 50 năm lên 70 năm…

Như vậy, có thể thấy, tần suất sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh là rất lớn.

Cho rằng, doanh nghiệp rất cần sự ổn định của chính sách, song Phó chủ nhiệm Tạ Văn Hạ nhìn nhận, với bối cảnh mới hiện nay, phát hiện vướng mắc, rào cản ở luật nào, thì cần sửa ngay quy định đó, không cầu toàn, để kinh tế nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng có thể phát triển bứt phá.

“Sửa để phá bỏ rào cản, chứ không phải để siết chặt quản lý, thì sửa nhiều hay ít không quan trọng”, ông Hạ nhấn mạnh.

Vẫn theo đại biểu Hạ, trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro.

“Vì thế, thời gian tới, cần cải cách hành chính mạnh hơn nữa, đừng để doanh nghiệp phải… nhờ người nọ, cậy người kia”, ông Hạ nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng là vấn đề, theo đại biểu Tạ Văn Hạ, cần phải được quan tâm, từ bài học của gói chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, vào đầu nhiệm kỳ này.

Đây là giải pháp được kỳ vọng rất lớn trong hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm chi phí kinh doanh, khôi phục sản xuất, nhưng không đi vào thực tế cuộc sống. Trong các nguyên nhân, có nguyên nhân từ khó khăn trong xác định đối tượng khách hàng thuộc diện “có khả năng phục hồi” theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội, trong khi các văn bản hướng dẫn không có tiêu chí cụ thể.

“Tương tự, chính sách tiếp cận nguồn vốn với thanh niên khởi nghiệp mà lại đặt điều kiện là vay 2 tỷ đồng phải giải quyết việc làm cho 20 lao động, thì đó chính là rào cản, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay”, ông Hạ lưu ý.

Để doanh nghiệp tư nhân yên tâm đầu tư

Nhà nước đừng “ôm” nhiều quá, hãy tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân nhanh “lớn” hơn, có thể tham gia các công trình lớn, trọng điểm, cũng là vấn đề được đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế nói tới.

Để có nhiều doanh nghiệp lớn, đầu tư vào nhiều dự án lớn, theo chuyên gia Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), sự ổn định của chính sách rất quan trọng.

Vị chuyên gia của VCCI dẫn thống kê năm 2022, có đến 98% trong số 870.000 doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu cộng cả số lượng 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, thì thành phần kinh tế tư nhân của Việt Nam chủ yếu là làm ăn kinh doanh nhỏ lẻ. Doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam hiện nay chủ yếu kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Không ít ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước, chỉ biết kinh doanh nhỏ lẻ, chộp giật, mà không chịu đầu tư bài bản để nâng cao hiệu quả kinh tế hoặc kinh doanh bền vững hơn.

Ông Đức phân tích, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh yêu cầu phải hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.

Để làm được điều này, đòi hỏi môi trường đầu tư kinh doanh phải rất ổn định, đặc biệt là giảm các rủi ro pháp lý, tăng cường sự ổn định và khả năng dự đoán được của pháp luật có liên quan đến kinh doanh.

Cho rằng, lẽ đương nhiên là tất cả mọi thành phần kinh tế đều đòi hỏi sự ổn định chính sách và pháp luật về kinh doanh để có thể yên tâm đầu tư, song vị chuyên gia VCCI lưu ý, nếu cùng đầu tư các dự án lớn, thì doanh nghiệp tư nhân trong nước nhạy cảm với rủi ro pháp lý hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Các doanh nghiệp nhà nước thường có lợi thế trong mối quan hệ với Nhà nước cả trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật. Do đó, các doanh nghiệp nhà nước ít phải đối mặt với rủi ro thay đổi chính sách đột ngột hoặc sự thiếu nhất quán trong thực thi pháp luật từ phía chính quyền.

Các doanh nghiệp FDI cũng có lợi thế lớn trước vấn đề rủi ro pháp lý, vì thường được bảo hộ theo các cam kết bảo hộ đầu tư của Việt Nam. Trong trường hợp có xung đột với chính quyền nước sở tại, doanh nghiệp FDI sẽ có sự hỗ trợ của chính phủ và cơ quan ngoại giao.

Ngược lại, doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ chịu rủi ro rất cao trước sự thay đổi của chính sách. Bên cạnh nhiều yếu tố khác như quy mô vốn, công nghệ, trình độ quản lý, thì rủi ro pháp lý cũng là một phần nguyên nhân lý giải tình trạng doanh nghiệp tư nhân trong nước ít khi đầu tư vào các dự án lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài.

Do đó, muốn phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân, muốn công nghiệp hóa đất nước dựa trên các doanh nghiệp tư nhân, thì giảm rủi ro pháp lý là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Giảm rủi ro pháp lý không chỉ có tác động đến sự dịch chuyển ngành nghề, lĩnh vực đầu tư của kinh tế tư nhân, mà còn giúp các doanh nghiệp này sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ hơn để xây dựng nhà xưởng kiên cố, mua sắm máy móc hiện đại, đầu tư cho nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển (R&D) và xây dựng thương hiệu.

Điều này, theo ông Nguyễn Minh Đức, sẽ giúp giảm tình trạng nhiều doanh nghiệp làm ăn “chộp giật” như phản ánh hiện nay.

Quan điểm mạnh mẽ, cụ thể hơn về phát triển kinh tế tư nhân

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2025 của Bộ Tài chính, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể cho biết, Bộ Tài chính được giao chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản về thúc đẩy kinh tế tư nhân…, Dự thảo Nghị quyết đưa ra các quan điểm mạnh mẽ, cụ thể hơn so với các nghị quyết trước đây về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Trong đó, dự kiến đề xuất các nhóm giải pháp chung về cải cách thể chế, chính sách, cải thiện khả năng tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp về đất đai, vốn, nhân lực so với các khu vực khác. Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra nhóm chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và lớn có thể vươn lên dẫn dắt nền kinh tế, nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ tạo ra nhiều việc làm và giải quyết vấn đề an sinh xã hội, nhóm chính sách cho hộ kinh doanh hướng tới hoạt động minh bạch hơn…
Quốc hội sửa Hiến pháp, quyết định phương án sáp nhập tỉnh tại kỳ họp thứ 9
Vấn đề được dư luận quan tâm nhiều hiện nay là sắp xếp đơn vị hành chính, để phương án tỉnh nào sáp nhập vào tỉnh nào là Quốc hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư