Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Để “lọt mắt xanh” của các công ty chip Đài Loan - kinh nghiệm từ Nhật Bản
Thanh Vũ - 23/02/2024 11:46
 
Với việc không ngần ngại chi hàng tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp, Nhật Bản đang được trở thành điểm đến mới của hàng loạt công ty sản xuất chip bán dẫn đến từ Đài Loan.

Doanh nghiệp đua nhau tìm cơ hội mới

Theo Reuters, những nỗ lực của Nhật Bản trong việc tái thiết lại ngành công nghiệp bán dẫn đang thu về nhiều kết quả tích cực, khi ngày càng có nhiều công ty sản xuất chip đến từ Đài Loan quyết định mở rộng đầu tư tại quốc gia này.  

Ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn đã có nhiều xáo trộn sau những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Freepik


Xu hướng trên đang diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang siết chặt việc bán chip cho Trung Quốc. Chính những biến động này đã khiến ngành công nghiệp chip bán dẫn chuyển hướng sự ưu tiên sang các quốc gia, vùng lãnh thổ khác ngoài đại lục. 

Vào năm 2022, Công ty Alchip Technologies, đơn vị chuyên sản xuất chip tích hợp chuyên dụng (ASIC), có phần lớn đội ngũ kỹ sư công nghệ làm việc tại Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nhiều người đã chuyển đến Nhật Bản. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang lên kế hoạch tuyển dụng thêm nhân sự tại quốc gia này. 

Bên cạnh Alchip Technologies, Công ty MA-tek cũng đã mở hẳn một phòng nghiên cứu tại đảo Kyushu. Một cái tên khác là Công ty bán dẫn Powerchip lại đang ráo riết tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản để thành lập một khu sản xuất trị giá 5,4 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp khác như Global Unichip Corp, Finesse Technology… cũng có kế hoạch mở rộng đầu tư tại quốc gia mặt trời mọc.

Theo số liệu của Reuters, ít nhất 9 công ty chip Đài Loan đã thành lập chi nhánh hoặc mở rộng hoạt động tại Nhật Bản trong hai năm qua. Con số trên được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng, khi việc mở rộng đầu tư đang trở nên dễ dàng hơn trong bối cảnh đồng yên suy yếu. 

Quyết tâm trở thành “công xưởng chip” của thế giới

Trước kia, Nhật Bản vốn tự hào là nhà sản xuất vật liệu và thiết bị chip bán dẫn hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hiện thị phần của nước này trên thị trường sản xuất chip toàn cầu đã giảm xuống còn 10%, từ mức 50% vào những năm 1980, bởi những căng thẳng thương mại với Mỹ và sự cạnh tranh từ các đối thủ đến từ Hàn Quốc, Đài Loan.

Dẫu vậy, trong những năm gần đây, Nhật Bản đã chi các khoản đầu tư khổng lồ để tái thiết lại lĩnh vực sản xuất chip. Giới chức nước này nhận định rằng ngành công nghiệp bán dẫn đặc biệt quan trọng đối với an ninh kinh tế. Thậm chí, điều này càng được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu chip trên toàn cầu, cùng với cú “bắt tay” gần đây giữa Nhật Bản và Mỹ trong việc hợp tác phát triển chất bán dẫn thế hệ mới.

Theo lãnh đạo TSMC, đơn vị chuyên gia công chip cho Apple, Nhật Bản đang trở thành một ưu tiên hàng đầu của các công ty chip Đài Loan, bởi chính phủ nước này luôn cởi mở với doanh nghiệp và thường xuyên tung ra những chính sách hỗ trợ đầu tư. Ngoài ra, văn hóa làm việc chăm chỉ, cần cù của xứ sở hoa anh đào cũng cũng được nhiều đơn vị đánh giá cao. Bản thân TSMC cũng sắp khai trương nhà máy đầu tiên trên đảo Kyushu.

Nhiều công ty Đài Loan đã mở các phòng nghiên cứu và nhà máy sản xuất chip tại Nhật Bản. Ảnh: Freepik


“Sức mạnh cốt lõi của một quốc gia bán dẫn không chỉ nằm ở các công ty hàng đầu mà phụ thuộc vào hệ sinh thái mạnh mẽ mà chính phủ nước đó tạo ra. Động thái chủ động của giới chức Nhật Bản đã được cụ thể hóa bằng các khoản hỗ trợ đầu tư lớn và sự hạn chế can thiệp chính trị ở mức tối đa. Điều này đã tạo nên sự khác biệt của Nhật Bản với nhiều quốc gia khác”, ông Nori Chiou, Giám đốc đầu tư tại White Oak Capital, cho biết.

Trong gần 3 năm qua, Nhật Bản đã dành khoảng 4.000 tỷ yên (tương đương 26 tỷ USD) để vực dậy ngành công nghiệp bán dẫn. Không dừng lại ở đó, Thủ tướng Fumio Kishida còn đặt mục tiêu hỗ trợ tài chính 10.000 tỷ yên (khoảng 66 tỷ USD) cho ngành công nghiệp bán dẫn. Tất cả các động thái trên đều nhắm vào mục tiêu tăng gấp ba lần doanh số bán chip sản xuất trong nước, lên hơn 15.000 tỷ yên (gần 100 tỷ USD) vào năm 2030.

Tuy nhiên, ông Takamoto Suzuki, Giám đốc cấp cao của Công ty Marubeni, cảnh báo rằng Nhật Bản có thể sẽ không có đủ nhân lực trẻ trong ngành khoa học công nghệ để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, sản xuất. Số lượng người lao động trong các doanh nghiệp chip bán dẫn đã giảm khoảng 1/5 trong khoảng hai thập kỷ qua, bất chấp việc chính phủ và các trường đại học đã nỗ lực khuyến khích sinh viên tham gia vào lĩnh vực này.

Chuyển dịch sản xuất ngành bán dẫn: Cơ hội vàng” cho TP.HCM
Sự chuyển dịch sản xuất của ngành bán dẫn đang mang đến “cơ hội vàng” cho Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM - thành phố được định hướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư