Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Đề nghị Công ty Sài Gòn - Đại Ninh xử lý đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm
Linh Đan - 18/09/2022 20:05
 
Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh phải thực hiện giải tỏa cây trồng, công trình xây dựng trái phép và trồng lại rừng trên diện tích giải tỏa, diện tích đất trống.

UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai chi nhánh Lâm Đồng rà soát, xây dựng kế hoạch, thực hiện giải tỏa cây trồng, công trình xây dựng trái phép và trồng lại rừng trên diện tích giải tỏa, diện tích đất trống theo kết quả rà soát và đề nghị của Hạt Kiểm lâm vào ngày 28/7/2022. Kết quả thực hiện, các doanh nghiệp trên báo cáo về UBND huyện Đức Trọng (qua Hạt Kiểm lâm) để tổng hợp.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng vào ngày 27/8/2022, tổng diện tích đất rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái pháp luật từ năm 2019 đến tháng 6/2022 hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây nông nghiệp, xây dựng trái pháp luật trên địa bàn huyện nhưng chưa được giải tỏa và diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp chưa thực hiện trồng rừng là 51,35 ha/4 đơn vị chủ rừng, gồm BQL rừng phòng hộ Đại Ninh 33 ha; BQL rừng phòng hộ Tà Năng 7,99 ha; BQL rừng NLG Đức Trọng 4,08 ha; Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh 6,28 ha.

Tổng diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái pháp luật từ năm 2019 đến tháng 6/2022 hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây nông nghiệp, xây dựng trái pháp luật nhưng chưa thực hiện giải tỏa là 19,91 ha.

Trong đó, diện tích hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây nông nghiệp… là 19,30 ha/3 đơn vị chủ rừng, gồm BQL rừng phòng hộ Đại Ninh 15,67 ha; BQL rừng phòng hộ Tà Năng 2,10 ha; Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh 1,53 ha.

Tổng diện tích đất trống quy hoạch lâm nghiệp, bị lấn, chiếm đã thực hiện giải tỏa nhưng chưa thực hiện trồng rừng là 31,44 ha/4 đơn vị chủ rừng. Cụ thể, BQL rừng phòng hộ Đại Ninh 16,73 ha; BQL rừng phòng hộ Tà Năng 5,88 ha; BQL rừng NLG Đức Trọng 6,28 ha; Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh 2,55 ha.

Từ kết quả kiểm tra trên, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đề xuất UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo BQL rừng phòng hộ Đại Ninh, BQL rừng phòng hộ Tà Năng, Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Sòn – Đại Ninh khẩn trương xây dựng kế hoạch và thực hiện giải tỏa cây trồng, công trình xây dựng trái phép trên diện tích đất rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm; triển khai thực hiện trồng rừng ngay trong mùa mưa năm 2022 trên diện tích đã giải tỏa theo quy định.

Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cũng đề xuất UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo BQL rừng phòng hộ Đại Ninh, BQL rừng phòng hộ Tà Năng, Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Sòn - Đại Ninh, BQL rừng NLG Đức Trọng, Tập đoàn Tân Mai lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và xây dựng kế hoạch trồng rừng ngay trong mùa mưa trên những diện tích đất trống nêu trên theo đúng quy định; chỉ đạo các chủ rừng là doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng trên địa bàn huyện khẩn trương báo cáo kết quả rà soát diện tích đất trống, diện tích bị lấn, chiếm trên phạm vi, ranh giới được giao quản lý về Hạt Kiểm lâm để tổng hợp, báo cáo UBND huyện chỉ đạo xử lý.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư