Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Công ty cổ phần Đầu tư - Du lịch Sài Gòn Đại Ninh: Những bí mật bây giờ mới… bật mí
Nhiệt Băng - 24/12/2021 10:22
 
Trong khi doanh nghiệp này phải huy động thêm hàng trăm tỷ đồng mới đủ năng lực thực hiện Dự án Khu đô thị Đại Ninh, thì một ngân hàng dự kiến sẽ cấp tín dụng cho dự án.
Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh triển khai hạ tầng giao thông trong thời gian qua 	Ảnh: Đ.K
Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh triển khai hạ tầng giao thông trong thời gian qua      Ảnh: Đ.K

Chuyển nhượng hàng triệu cổ phần, thuế không thu được đồng nào

Như Báo Đầu tư đã phản ánh, hơn 257 ha rừng bị biến mất sau khi tỉnh Lâm Đồng giao Công ty Sài Gòn Đại Ninh thực hiện Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng, Đà Lạt, Lâm Đồng (gọi tắt là Khu đô thị sinh thái Đại Ninh). Trong khi tình trạng đất rừng tại Dự án bị tái lấn chiếm mà nguyên nhân chính là do lực lượng quản lý bảo vệ rừng của công ty này quá mỏng (chỉ 10 người), thì hàng loạt “thương vụ” chuyển nhượng cổ phần đã diễn ra với mức thuế… 0 đồng.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế số 5800870795 (cấp lần đầu năm 2010), vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đầu tư - Du lịch Sài Gòn Đại Ninh là 300 tỷ đồng, mệnh giá 1 triệu đồng/cổ phần, gồm 7 cổ đông sáng lập, trong đó Công ty TNHH Thương mại Phương Nam sở hữu 273.000 cổ phần, chiếm tỷ lệ 91% và 6 cổ đông cá nhân khác sở hữu 9%.

Tại Biên bản họp Đại hội cổ đông số 01 (ngày 20/1/2010) và Quyết định Đại hội cổ đông số 01 cùng ngày của Sài Gòn Đại Ninh về việc chuyển nhượng cổ phần, thì bà Trần Xuân Diễm chuyển nhượng 6.000 cổ phần cho ông Hoàng Văn Thọ, giá chuyển nhượng bằng mệnh giá là 6 tỷ đồng.

Ngày 20/9/2021, Sài Gòn Đại Ninh giải trình với Sở Kế hoạch và Đầu tư rằng, theo quy định tại thời điểm này về tính thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng cổ phần, cụ thể là quy định tại điểm 2.1.4 và điểm 2.2.1, khoản 2, mục II, phần B, Thông tư 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính, thì bà Diễm chuyển nhượng bằng mệnh giá nên không phát sinh thuế thu nhập chịu thuế do giá bán bằng giá mua, hay nói cách khác thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng cổ phần này bằng 0.

Ngoài ra, Công ty TNHH Thương mại Phương Nam chuyển nhượng 9.000 cổ phần cho ông Hoàng Văn Thọ, giá chuyển nhượng bằng mệnh giá 9 tỷ đồng. Với cách giải thích trên, Sài Gòn Đại Ninh cho rằng, việc chuyển nhượng này không chịu thuế do giá bán bằng giá mua.

Sau đó, Sài Gòn Đại Ninh nộp thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (thay đổi lần thứ 1) ngày 20/1/2010 về việc thay đổi cổ đông và các hồ sơ liên quan đến Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng).

Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế số 5800870795 (thay đổi lần 1 vào ngày 29/1/2010) với vốn điều lệ của Công ty là 300 tỷ đồng, mệnh giá 1 triệu đồng/cổ phần, gồm 7 cổ đông, trong đó Công ty TNHH Thương mại Phương Nam sở hữu 264.000 cổ phần (chiếm tỷ lệ 88%) và 6 cổ đông cá nhân khác sở hữu 12%.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế số 5800870795 (thay đổi lần 2 vào ngày 23/6/2010), thì vốn điều lệ của Sài Gòn Đại Ninh là 600 tỷ đồng, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, gồm 7 cổ đông sáng lập, trong đó Công ty TNHH Thương mại Phương Nam sở hữu 41,4 triệu cổ phần (chiếm tỷ lệ 69%) và 6 cổ đông cá nhân khác sở hữu 31%.

Tiếp tục căn cứ Biên bản họp Đại hội cổ đông số 03 (ngày 24/9/2010) và Quyết định Đại hội cổ đông số 01 cùng ngày về việc chuyển nhượng cổ phần, Sài Gòn Đại Ninh trình bày, ông Hoàng Văn Thọ chuyển nhượng 300.000 cổ phần (trị giá 3 tỷ đồng), bà Đào Thúy Hằng chuyển nhượng 3,6 triệu cổ phần (trị giá 36 tỷ đồng), ông Phan Văn Đức chuyển nhượng 3,6 triệu cổ phần (trị giá 36 tỷ đồng), ông Trần Tấn Công chuyển nhượng 1,7 triệu cổ phần (trị giá 17 tỷ đồng), ông Trần Hồng Thắng chuyển nhượng 400.000 cổ phần (trị giá 4 tỷ đồng) cho Công ty TNHH Thương mại Phương Nam và ông Trần Hồng Thắng chuyển nhượng 600.000 cổ phần (trị giá 6 tỷ đồng) cho ông Nguyễn Đình Tùng.

Vẫn với cách lý giải như trên, Sài Gòn Đại Ninh cho rằng, thu nhập chịu thuế từ việc chuyển nhượng cổ phần trên bằng 0. Nhưng tại sao lại có sự “đồng nhất” về giá như vậy thì vẫn đang là dấu hỏi.

Tiếp theo các “thương vụ” chuyển nhượng, Sài Gòn Đại Ninh nộp thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (thay đổi lần thứ 3) vào ngày 24/9/2010 về việc thay đổi cổ đông và các hồ sơ liên quan đến Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng).

Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế số 5800870795 (thay đổi lần 3 ngày 1/10/2010), với vốn điều lệ của Sài Gòn Đại Ninh là 600 tỷ đồng, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, gồm 8 cổ đông, trong đó Công ty TNHH Thương mại Phương Nam sở hữu 51 triệu cổ phần, chiếm 85% và 7 cổ đông cá nhân khác sở hữu 15%.

Từ đó, Sài Gòn Đại Ninh kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư và Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng có văn bản xác nhận chính thức về việc công ty này và các cổ đông đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế chuyển nhượng liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010 đến nay.

Sài Gòn Đại Ninh còn đề nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, xác định lại tiến độ dự án trong giai đoạn 2021 - 2026 và gia hạn các ưu đãi đầu tư đã được phê duyệt cho Dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt (tên gọi khác của Khu đô thị sinh thái Đại Ninh) mà Công ty kiến nghị tại Văn bản số 18 (ngày 12/7/2021) trên cơ sở Công ty đã nộp tiền sử dụng đất là 100 tỷ đồng vào tài khoản của Sở Tài chính Lâm Đồng theo Văn bản xác nhận số 2234 (ngày 17/9/2021) của Sở Tài chính trong thời gian chờ thông báo đóng tiền quyền sử dụng đất ở chính thức từ các sở, ban, ngành tỉnh Lâm Đồng.

Xin nâng vốn, nhưng phải huy động vốn

Theo văn bản đề nghị của Sài Gòn Đại Ninh ngày 11/11/2021, tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh từ 25.243 tỷ đồng (phê duyệt vào năm 2010) lên 30.291,6 tỷ đồng (tăng 20%, tương đương 5.048,6 tỷ đồng). Lý do điều chỉnh: “Do chi phí tăng tại thời điểm đề nghị so với thời điểm năm 2010 dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện”.

Bên cạnh đó, Sài Gòn Đại Ninh còn đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện Khu đô thị sinh thái Đại Ninh với quy mô sử dụng đất không thay đổi là 3.595,45 ha. Tại báo cáo ngày 11/11/2021, Công ty xác nhận đã đầu tư vào Dự án 2.000 tỷ đồng.

Về năng lực tài chính để điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 25.243 tỷ đồng thành 30.291,6 tỷ đồng do tăng vốn thực hiện dự án có chuyển mục đích sử dụng đất theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư (vào ngày 1/12/2021), hồ sơ mà Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận gồm nhiều loại giấy tờ.

Đó là: Giấy xác nhận số dư tiền gửi ngày 23/3/2021 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Chi nhánh Trung tâm xác nhận số dư của Sài Gòn Đại Ninh ngày 23/3/2021 là 2.000 tỷ đồng; Bản cam kết góp vốn ngày 22/11/2021, người đại diện theo pháp luật của Công ty (ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc) cam kết tiếp tục góp vốn và hỗ trợ nguồn vốn cho Công ty trong quá trình đầu tư, thực hiện Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh với số vốn 543,74 tỷ đồng theo tiến độ triển khai Dự án được UBND tỉnh chấp thuận.

Ngoài ra, hồ sơ còn có Thư cam kết cấp tín dụng ngày 23/3/2021 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Chi nhánh Trung tâm. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Chi nhánh Trung tâm sẽ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp tín dụng thực hiện dự án nêu trên với tổng mức xem xét cấp tín dụng tối đa là 2.000 tỷ đồng. Việc cấp tín dụng sẽ được thực hiện khi Công ty đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp tín dụng theo “quy định nội bộ” của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín và các quy định của pháp luật hiện hành về cấp tín dụng tại thời điểm Ngân hàng cấp tín dụng và thư cam kết có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày phát hành.

Sở Tài chính cho rằng, thành phần hồ sơ do Sài Gòn Đại Ninh cung cấp, đến thời điểm xem xét, Công ty đảm bảo được 4.543,74 tỷ đồng/5.000 tỷ đồng để thực hiện việc điều chỉnh mức đầu tư. Số vốn đầu tư còn lại (456,26 tỷ đồng), Công ty cam kết sẽ tiếp tục huy động vốn để thực hiện Dự án từ các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân khác để đảm bảo nguồn vốn thực hiện Dự án theo phân kỳ đầu tư và tiến độ dự án điều chỉnh được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt (Văn bản số 182, ngày 22/11/2021).

“Như vậy, Sài Gòn Đại Ninh đảm bảo về năng lực tài chính khi thực hiện đúng cam kết việc tiếp tục huy động vốn và sử dụng vốn đảm bảo cho Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh”, Sở Tài chính Lâm Đồng kết luận.

Được biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng gửi văn bản thông báo nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng dự án (nếu có) đến Sài Gòn Đại Ninh và yêu cầu Công ty thực hiện nghĩa vụ tài chính để làm cơ sở triển khai những thủ tục tiếp theo.

Phải ký hợp đồng thuê rừng, nộp tiền thuê rừng

Góp ý về thủ tục đầu tư đối với Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh, tại Văn bản số 1976 ngày 26/10/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Sài Gòn Đại Ninh phải liên hệ với cơ quan này để ký hợp đồng thuê rừng năm 2021 và nộp tiền thuê rừng theo quy định; thực hiện việc kiểm kê tài nguyên rừng song song với việc triển khai thực hiện Dự án; trường hợp phát sinh diện tích rừng bị mất mới sau kết quả kiểm kê, Công ty phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng và bị xử lý theo quy định của pháp luật...
“Sài Gòn Đại Ninh khẩn trương xây dựng phương án quản lý rừng bền vững gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm 2021-2022 gửi Hạt Kiểm lâm Đức Trọng có ý kiến; tăng cường lực lượng bảo vệ rừng đủ mạnh để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại dự án theo quy định”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề nghị.
Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị, Sài Gòn Đại Ninh báo cáo, làm rõ tình hình thực hiện Dự án theo giấy chứng nhận đầu tư đã cấp; kể từ khi được UBND tỉnh cho phép gia hạn tiến độ thực hiện Dự án đến nay, Công ty đã thực hiện được những hạng mục, công trình gì; nguyên nhân chủ quân, khách quan dẫn đến chậm tiến độ thực hiện Dự án, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị (nếu có). Công ty cũng phải có văn bản xác nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ tài chính (đến thời điểm đề nghị gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng) của cơ quan có thẩm quyền.
“Sài Gòn Đại Ninh phải cam kết cụ thể về thời gian, lộ trình, các biện pháp thực hiện để hoàn thành Dự án và cam kết nếu hết thời gian gia hạn mà vẫn không đưa đất vào sử dụng, thì Dự án bị chấm dứt hoạt động (hoặc thu hồi) vô điều kiện và có văn bản chứng minh nguồn vốn đảm bảo tiếp tục thực hiện Dự án. Công ty chủ động liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục liên quan đến hiện trạng tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp tại Dự án đến thời điểm Công ty xin gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng…”, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị.
Rừng, đất rừng Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh liên tục bị phá, tái chiếm
Hàng chục nghìn mét vuông rừng và đất rừng tại Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, sinh thái Đại Ninh (Lâm Đồng) liên tục bị tàn phá, tái...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư